PHÓNG VIÊN: Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, sản xuất nông nghiệp tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật canh tác tiên tiến đang là yêu cầu cấp bách. Hậu Giang đã và đang làm gì để giúp nông dân áp dụng “làm nông thông minh?
Ông LÊ TIẾN CHÂU: Hậu Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, với nhiều nông, thủy đặc sản có thương hiệu nổi tiếng như cá thát lát, khóm Cầu Đúc, chanh không hạt, mãng cầu xiêm… Tuy nhiên, trước thách thức từ BĐKH, tỉnh Hậu Giang cũng đang quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
"Hậu Giang đang đặt nhiều kỳ vọng phát triển thành trung tâm nông nghiệp xanh của vùng ĐBSCL. Trong đó, riêng ngành du lịch, tỉnh đã có Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế quan trọng”. Đặc biệt, UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; theo đó, phát triển du lịch Hậu Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, tiêu biểu về du lịch sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp của vùng ĐBSCL" |
Qua kinh nghiệm được chia sẻ từ hội thảo “Giúp nông dân làm nông thông minh”, thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã tích cực phối hợp với Tập đoàn Rynan Holdings JSC triển khai xây dụng nhiều mô hình canh tác tiên tiến, thông qua các chương trình dự án được thực hiện tại địa phương. Trong đó nổi bật là mô hình canh tác lúa thông minh, thực hiện gieo mạ bằng khay, chăm sóc, thu hoạch bằng máy móc; sử dụng phân bón thông minh vùi một lần cho cả vụ thay việc bón phân nhiều đợt theo canh tác truyền thống, đã mang lại nhiều kết quả tốt về mặt kinh tế - xã hội, tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn và bảo vệ môi trường, giúp người dân tiếp cận với các quy trình sản xuất mới mang tính bền vững, tạo tiền đề để thúc đẩy việc phát triển nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực theo hướng hiện đại đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ kết quả tích cực đó, tỉnh Hậu Giang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Rynan Holdings JSC để nghiên cứu, khảo nghiệm trên các vùng đất khác nhau của tỉnh Hậu Giang giúp đánh giá chính xác hiệu quả của mô hình, và tiến tới đưa mô hình “Canh tác lúa thông minh - ứng phó với BĐKH” vào sản xuất đại trà tại tỉnh Hậu Giang.
Để thay đổi được toàn diện sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà, bên cạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất thì yếu tố quan trọng là phải thay đổi được nhận thức, tư duy làm nông nghiệp của bà con nông dân, doanh nghiệp (DN) bao tiêu và cả cán bộ quản lý. Hiện nay tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã len lỏi vào từng ngóc ngách nền sản xuất nông nghiệp. Một người nông dân 4.0 thông qua chiếc điện thoại di dộng, chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể biết được đầy đủ thông tin độ mặn, mực nước hay sinh trưởng và phát triển của cây lúa… để từ đó có những giải pháp canh tác phù hợp. Hậu Giang sẽ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người nông dân tham gia thử nghiệm mô hình làm nông thông minh, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Hậu Giang cần làm gì để quá trình liên kết giữa nông dân và DN ngày càng hiệu quả hơn?
Quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp đã cho thấy vai trò quan trọng của DN nông nghiệp. Trong xu hướng hiện nay, việc khuyến khích và phát triển DN trong lĩnh vực này rất cần thiết, là một trong những giải pháp căn cơ và bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, trong chỉ đạo phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà, Hậu Giang luôn quan tâm duy trì mối liên kết “4 nhà”, trong đó tỉnh xác định vai trò quan trọng là mối liên kết giữa nông dân và DN.
Có thể nói sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong những năm qua đã “đi tắt đón đầu” gắn với định hướng đúng, nên khi Chính phủ triển khai chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nông dân đã nhanh chóng tiếp cận với những kỹ thuật sản xuất tiên tiến, từ đó tạo ra những sản phẩm nông nghiệp tốt, đáp ứng nhu cầu của DN. Tuy nhiên trong thực tế, nông nghiệp Hậu Giang vẫn chưa phát triển như mong muốn, đa số bà con nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và tự phát, chưa gắn kết được với đầu ra sản phẩm, chưa tạo ra sự gắn bó, liên kết và những vùng nguyên liệu sản xuất theo chuỗi; thu nhập của cả nông dân và DN nông nghiệp thiếu ổn định… Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp làm tốt hơn nữa vấn đề “liên kết và liên kết chuỗi sản phẩm” để tạo ra mối quan hệ kinh tế ổn định, cùng nhau tạo thị trường, cùng chia sẻ lợi ích, rủi ro, gắn kết giúp nhau đạt được kết quả cao nhất.
Hậu Giang đang quan tâm đến phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, xin ông cho biết những chiến lược Hậu Giang sẽ thực hiện để khơi gợi phát triển lĩnh vực này?
Qua thành công của hội thảo “Giúp nông dân làm nông thông minh” và tiếp đến là hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp”, có thể thấy rằng tỉnh Hậu Giang đang từng bước chuyển mình và tận dụng tối đa những kết quả mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang mang lại. Bên cạnh phát triển nông nghiệp theo phương pháp tiên tiến, ứng dụng tốt công nghệ thông tin, Hậu Giang xác định phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới chính là một giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn. Phát triển du lịch nông thôn phải coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Lâu nay các địa phương thường gặp khó trong kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp. Vậy theo ông, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách gì để thúc đẩy quá trình này nhanh hơn?
Thực tế, việc triển khai thực hiện chính sách này thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có DN lớn tham gia đầu tư vào nông nghiệp, mà chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, nên việc bao tiêu cả một vùng nông nghiệp rộng lớn là rất khó. Nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn được ban hành, nhưng thiếu đồng bộ, thiếu tính ổn định và tính khả thi áp dụng nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Để giải quyết khó khăn trên, tại kỳ họp HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm 2019, HĐND tỉnh Hậu Giang đã thống nhất thông qua và ban hành Nghị quyết 07 quy định chính sách khuyến khích đầu tư; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết về chính sách này quy định cụ thể, chi tiết các mức hỗ trợ và nguồn vốn hỗ trợ.
Để đồng bộ hơn về chính sách trên, UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung lồng ghép nhiều chính sách của Trung ương, địa phương thông qua các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến nông sản, đặc biệt là tạo quỹ đất sạch để thu hút DN, đồng thời xem xét điều chỉnh giá thuê đất phù hợp với tình hình địa phương; phát triển những vùng chuyên canh sản xuất với công nghệ 4.0, củng cố mô hình hợp tác xã…