Từ nay đến 28-11, trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa sẽ xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông chính phổ biến ở mức báo động 1-2, các sông nhỏ lên trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên, đặc biệt là tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và khu vực Bắc Phú Yên.
Đánh giá về cơn bão số 9 tại cuộc họp chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả mưa bão, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết, rất may là bão số 9 di chuyển chậm, khi đổ bộ vào đất liền cường độ suy yếu dần nên mức độ thiệt hại không quá lớn. Tuy nhiên, nhiều người dân ở vùng bão vẫn còn tâm lý chủ quan, phó mặc việc phòng chống bão cho chính quyền. Đặc biệt có người dân còn hiếu kỳ đi xem bão. “Như tại một số cơ sở du lịch, có trường hợp 2 du khách nước ngoài ra xem bão để quay phim, chụp ảnh. Khách sạn cũng không có thông tin gì cảnh báo cho du khách.
Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi, đề phòng mưa lũ gây lũ quét và sạt lở đất, đảm bảo an toàn hồ chứa… Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, ven sông suối, ngoài bãi sông, vùng ngập sâu khi mưa lớn, hạ du các hồ chứa xung yếu; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu; tổ chức thường trực và vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, đồng thời đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường thông tin truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là ở tuyến cơ sở để người dân biết, chủ động ứng phó. Đôn đốc các địa phương thống kê tình hình thiệt hại.
Theo ghi nhận của PV SGGP, từ tối 25 đến chiều 26-11, toàn tỉnh Phú Yên xảy ra mưa rất lớn, nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhấn chìm hàng trăm nhà dân vùng hạ du. Do nước lũ chảy xiết, hàng trăm công trình, đường sá sạt lở nặng; quốc lộ 1A bị lũ chia cắt, ngập gây ách tắc giao thông…
Tại Bình Thuận, mưa lũ trong mấy ngày qua đã làm tốc mái, ngập 326 căn nhà của các hộ dân ở các huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình; hơn 3.000ha cây trồng (chủ yếu là thanh long) bị ngập. Lũ kèm triều cường dâng cao cũng đã làm chìm 24 chiếc thuyền của huyện Tuy Phong, 36 chiếc thuyền khác của người dân ở phường Hàm Tiến (TP Phan Thiết) cũng bị sóng biển phá hủy. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm hư hại nhiều công trình dân sinh, giao thông trên nhiều tuyến đường bị ách tắc nghiêm trọng.
Tại Lâm Đồng, mưa lớn trong mấy ngày qua khiến hơn 70ha rau màu của người dân huyện Đơn Dương bị ngập. Mưa lớn cũng khiến mực nước trên sông Đa Nhim chảy qua địa bàn huyện Đơn Dương dâng cao. Còn tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), mưa lũ gây ngập 4 cây cầu dân sinh, 37 ngôi nhà, trong đó khu dân cư trung tâm xã Đà Loan bị ngập cô lập.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bão số 9 không gây thiệt hại về người ở tỉnh này, nhưng làm 50 căn nhà bị tốc mái, có 4 căn nhà và 3 lớp học bị cháy do chập điện, 6 chiếc tàu nhỏ (dưới 20CV) bị chìm, 1 chiếc đứt dây neo trôi dạt và đang được cơ quan chức năng cùng người dân trục vớt tìm kiếm. Số diện tích trái cây, hoa màu bị ảnh hưởng là khoảng 71ha. Riêng tại TP Vũng Tàu có hơn 100 cây xanh bị gãy đổ.