Hát về thời hoa đỏ
“Từ Làng Sen có một người trai chí lớn/ Mang lý tưởng cách mạng giải phóng quê hương/ Ra đi tìm khắp bốn phương/ Đường đi cho cả dân tộc/ Dặm trường mà xông pha… Những câu ca của Từ làng Sen (nhạc sĩ Phạm Tuyên) vang lên trong chương trình âm nhạc Hát về thời hoa đỏ đầu tháng 9 do ca sĩ Quốc Đại biểu diễn mới đây thật nhiều cảm xúc. Mở đầu bằng câu hò mênh mang xứ Nghệ và sau đó các câu hát gần gũi nhịp điệu của thơ, bài hát phác họa hình ảnh của Bác rất đỗi bình dị nhưng cũng mang tầm vóc của một vị lãnh tụ”, anh Phan Văn Minh, đang công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM, bày tỏ khi xem trực tuyến chương trình này.
Từ Làng Sen là ca khúc mang đậm tình cảm to lớn đối với Bác Hồ, ra đời ngay sau ngày Bác mất. Viết về Người có rất nhiều bài, hát về Người cũng có rất nhiều nghệ sĩ, nhưng riêng bài hát này, với anh Minh và nhiều khán giả có điều gì đó rất riêng trong cảm xúc. Anh Minh cũng cho biết, năm nay đã xem gần hết 3 số của chương trình Hát về thời hoa đỏ. Mỗi số mỗi chủ đề khác nhau như số 1 chủ đề Hát về Người (1-9), số 2 Nồng thắm Việt - Lào (17-9), số 3 Thời thanh niên sôi nổi (29-10). Các chương trình được dàn dựng chỉn chu từ âm nhạc đến không gian biểu diễn, từ ca sĩ đến dàn diễn viên múa.
Theo đại diện Ban Tuyên giáo Thành đoàn TPHCM, Hát về thời hoa đỏ là chương trình được tổ chức nhằm giáo dục truyền thống, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước trong đoàn viên thanh niên thông qua những ca khúc truyền thống cách mạng hào hùng, các bài hát ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước. Chương trình bắt đầu từ năm 2017, nằm trong chuỗi hoạt động do Thành đoàn TPHCM phối hợp Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM tổ chức. Không chỉ được tổ chức tại các địa điểm quan trọng, chương trình còn đưa về các trường, khu lưu trú công nhân, đặc biệt được quay lại phát sóng trên hàng loạt nền tảng mạng xã hội: Thành đoàn TPHCM, Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, Tổ hợp truyền thông số - Digital Media Hub, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM, Sinh viên thành phố Bác…
Còn mãi tự hào
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, cho biết, Hát về thời hoa đỏ ban đầu là tên gọi của cuộc thi hát dành cho các bạn trẻ yêu thích các ca khúc truyền thống, cách mạng do Nhà Văn hóa Thanh niên, Thành đoàn TPHCM phối hợp các đơn vị tổ chức. Cuộc thi thu hút đông đảo thí sinh tham gia, tìm kiếm được nhiều gương mặt mới, giọng ca hay. Được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Ban Thường vụ Thành đoàn TPHCM, từ năm 2017, Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM tổ chức nhiều chương trình biểu diễn định kỳ Hát về thời hoa đỏ phục vụ miễn phí học sinh sinh viên, thanh niên, công nhân nhằm phát huy thành công của cuộc thi.
Có một thực tế, với khán giả trẻ hiện nay, dường như các ca khúc cách mạng, truyền thống có phần xa cách. Họ ít nghe bởi có quá nhiều lựa chọn khi nhạc trẻ, nhạc thị trường gần như lấn át. Theo ông Hồng Phúc, đó là thách thức nhưng không phải rào cản. Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả trẻ, ngoài việc tổ chức chương trình âm nhạc chỉn chu, hòa âm phối khí cho các ca khúc có sự thay đổi thì ban tổ chức còn đa dạng phương thức thực hiện. Cụ thể, thực hiện album, MV, phát sóng trực tiếp, tổ chức giao lưu các nghệ sĩ, chuyên gia; tổ chức mini game, giải thưởng tăng tương tác với khán giả.
“Dòng nhạc này có niềm tự hào bằng những câu chuyện riêng, ý nghĩa. Có thể hơi khó khăn trong việc thu hút số đông khán giả trẻ, nhưng giá trị, niềm tự hào luôn ở đó, toát lên từ câu chữ, giai điệu hào hùng. Hát về thời hoa đỏ cứ miệt mài thực hiện rồi đến một lúc nào đó, khi bên trong các bạn trẻ còn chỗ cho tình yêu lịch sử, quê hương, đất nước và lòng biết ơn người đi trước, sẽ nhận ra giá trị thực sự”, ông Phúc chia sẻ.
Nói về chủ đề này, chị Nguyễn Hoài Phượng, Bí thư Đoàn Sở VH-TT TPHCM, bày tỏ: “Người trẻ bây giờ thường chọn nhạc trẻ để giải trí sau khi làm việc, học tập. Chọn lựa nghe gì là tùy mỗi người, nhưng tôi nghĩ có những thời điểm các ca khúc nhạc truyền thống, cách mạng vang lên sẽ gieo vào lòng họ niềm tự hào, lòng biết ơn”.
“Nói người trẻ không còn thích nghe các ca khúc truyền thống, cách mạng là không đúng đâu. Tôi nhìn thấy điều ngược lại. Tôi nghĩ, giữa những giá trị nhất thời, hay dài lâu đan xen, tới một lúc nào đó, khi đã chán chê với bao ồn ào của âm nhạc giải trí, rồi cũng đến lúc các bạn trẻ tìm về những khúc ca truyền thống để chiêm nghiệm, học hỏi…”, NSND Tạ Minh Tâm chia sẻ. |