Tối 15-12, Báo Quân đội nhân dân tổ chức Chương trình nghệ thuật "Hát mãi khúc quân hành" lần thứ 5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Với chủ đề “Hát về anh”, chương trình đã chạm tới trái tim của khán giả với những phóng sự, bài hát, những câu chuyện hào hùng, xúc động, ca ngợi, khắc hoạ đậm nét hình ảnh cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng xả thân, hy sinh vì Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.
Chương trình nghệ thuật “Hát mãi khúc quân hành” được dàn dựng công phu, kết hợp những clip phóng sự ngắn và các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, như: Tiến bước dưới quân kỳ (sáng tác Doãn Nho), Tình đồng chí (nhạc Minh Quốc, lời thơ Chính Hữu), Xuân chiến khu (sáng tác Xuân Hồng), Đêm Trường Sơn nhớ Bác (nhạc Trần Chung, thơ Nguyễn Trung Thu), Bài ca thống nhất (sáng tác Võ Văn Di)... đã giúp khán giả thêm tin yêu và tự hào về QĐND Việt Nam anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, hình ảnh người chiến sĩ với dép lốp, gậy tầm vông, giáo mác... cho tới những thời khắc “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, dũng cảm ôm bom ba càng lao vào tiêu diệt xe tăng địch, đến những chiến sĩ “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, những câu chuyện cảm động dọc đường hành quân, bên chiến hào... thể hiện tinh thần dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Chương trình được tổ chức công phu, xúc động với những ca khúc ngợi ca người lính Truyền thống ấy đang được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay viết tiếp. Đó là hình ảnh những sĩ quan QĐND Việt Nam tự tin, trách nhiệm khi tham gia các hoạt động Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; là hình ảnh Đội tuyển Xe tăng Việt Nam lần đầu tiên giành Huy chương vàng tại Hội thao Quân sự quốc tế Army Games 2020 trong cảm xúc vỡ òa của hàng triệu trái tim Việt Nam... Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ xông pha tuyến đầu trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, gác mọi việc riêng để cùng cả nước làm nên điều mà nhiều quốc gia trên thế giới ngưỡng mộ, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch nguy hiểm.
Dù thời chiến hay thời bình, hình ảnh người lính Cụ Hồ vẫn luôn là chỗ dựa tin cậy của nhân dân Dù thời bình, nhưng mồ hôi, nước mắt, máu của những người lính Cụ Hồ vẫn đổ xuống. Vẫn còn đó biết bao tấm gương hy sinh. Máu các anh đã hòa vào màu cờ Tổ quốc, thấm sâu vào lòng đất mẹ vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Đã có rất nhiều nước mắt rơi khi nhắc tới cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở gần Thủy điện Rào Trăng (Thừa Thiên - Huế), Hướng Hóa (Quảng Trị), Trà Leng (Quảng Nam) khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ vừa qua. Xúc động biết bao hình ảnh cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân trèo đèo lội suối, vai gầy, chí thép gùi cõng lương thực với hiểm nguy luôn rình rập để tiếp tế cho bà con; không quản ngày đêm, dầm mình trong bão lũ giúp bà con chống chọi với thiên tai. Các anh vẫn xung phong vào nơi hiểm nguy, gian khó bởi các anh là Bộ đội Cụ Hồ tận trung với nước, tận hiếu với dân. Trong trái tim các anh là Tổ quốc, phía trước các anh là nhân dân. Nơi đâu Tổ quốc và nhân dân cần, nơi nào gian khó, nguy hiểm nhất, nơi đó có các anh. Hy sinh quên mình vì nhân dân là mệnh lệnh từ trái tim của cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam.
Trong chương trình nghệ thuật, Báo QĐND và các nhà tài trợ quyết định trao 6 nhà tình nghĩa trị giá 900 triệu đồng (mỗi nhà 150 triệu đồng) tặng 6 gia đình cán bộ, chiến sĩ, các gia đình chính sách trên địa bàn Quân khu 4 và Quân khu 5 bị thiệt hại nặng nề trong đợt bão lũ “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai...” - lời của ca khúc Một đời người, một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn vang lên qua giọng hát của ca sĩ Vũ Thắng Lợi mang đến những khoảnh khắc lắng sâu lòng người. Để rồi từ đó càng cảm kích hơn trước hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn hiện diện ở những nơi gian khó nhất, thời điểm hiểm nguy nhất cả trong thời chiến lẫn thời bình. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, quân đội vẫn là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trên mọi mặt trận. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã thật sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng là quân đội của nhân dân, quân đội trong lòng dân.
MAI AN