Trong các chuyến công tác của Đoàn đại biểu TPHCM thăm quân và dân quần đảo Trường Sa, những tiếng hát đầy yêu thương, những giai điệu thắp lửa đã mang đến bao niềm vui, là sự khích lệ lớn lao, tiếp lửa để những người lính ở đảoxa luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ biển trời quê hương.
Văn nghệ sĩ TPHCM biểu diễn giao lưu với cán bộ chiến sĩ tại đảo Sinh Tồn Đông
Tiếng hát tự hào
Để đến được điểm đảo đầu tiên, đoàn công tác chúng tôi phải mất hơn 48 giờ lênh đênh trên biển. Đêm đầu tiên trên tàu ai cũng háo hức, nhưng tiết mục được mong đợi nhất có lẽ là chương trình giao lưu văn nghệ giữa ca sĩ, văn nghệ sĩ đoàn TPHCM với các cán bộ chiến sĩ hải quân và lực lượng kiểm ngư trên tàu KN 290. Đã từng có lần đi biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ ở Trường Sa, vậy nhưng diễn viên điện ảnh, ca sĩ Quý Bình vẫn không nén được xúc động: “Mỗi chuyến đi là một cảm giác lâng lâng khác nhau, một niềm vui rất khó tả. Một cảm xúc rất tự hào khi được hát giữa biển khơi, được mang lời ca tiếng hát của mình làm món quà tinh thần động viên những người lính đảo, dù là tôi chỉ góp sức một phần nhỏ nhoi”.
Hào hứng nhất có lẽ là ca sĩ Nguyễn Vũ Ngọc Quỳnh, giải II Tiếng hát Truyền hình TPHCM năm 2015, bởi đây là lần đầu tiên cô được ra với đảo. Ai cũng lo Quỳnh say sóng, còn cô nàng thì cười toe: “Mới đầu có say sóng một xíu nhưng tôi cũng nhanh chóng thích nghi. Bước ra sân khấu dã chiến, thấy các anh lính trẻ vui sướng nhịp tay hát theo, rồi nhảy múa giao lưu hăng say thì tụi tôi không còn biết mệt là gì nữa. Chỉ có biểu diễn thật máu lửa thôi. Tôi thật sự khâm phục tinh thần sẵn sàng hy sinh, không lùi bước trước khó khăn gian khổ, ý chí sẵn sàng chiến đấu của những người lính trẻ”.
Diễn viên điện ảnh, ca sĩ Lê Phương cũng lần đầu tiên được đi biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa, Lê Phương vừa mừng vừa hồi hộp đến mấy đêm không ngủ được.
“Vậy mà, khi tận mắt nhìn thấy cảnh các cán bộ chiến sĩ ngồi giao lưu ca nhạc dù đang buổi trưa nắng chang chang thì cả đội văn nghệ chúng tôi không kềm được xúc động. Không còn ai biết mệt nhọc nữa, chỉ hát và hát hết mình. Lần sau, nếu có đi biểu diễn ở Trường Sa, Phương sẽ là người xung phong xin đi đầu tiên”, Lê Phương cười tươi nói.
Dù cho nắng gắt giữa trưa, các ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang và Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TPHCM vẫn cháy hết mình với hàng chục tiết mục văn nghệ ngay trên sân đảo Sinh Tồn Đông.
“Đường vui nay bước thênh thang, tâm hồn lộng gió em ơi. Xây đẹp mộng ước tương lai, em ơi vút lên một tiếng đàn”, Trung úy Vũ Văn Quang, bộ phận kỹ thuật đảo Sinh Tồn Đông vừa dứt lời bài hát giao lưu Cung đàn mùa xuân cũng là lúc hàng chục cán bộ chiến sĩ, các văn nghệ sĩ và thành viên đoàn công tác đã quây thành vòng tròn, nắm tay nhau chuyền hơi ấm. Những giọt mồ hôi ướt đầm lưng áo, cả những giọt nước mắt, những cái xiết tay thật chặt thay cho lời hẹn gặp lại trong một ngày gần nhất.
Giữ mùa xuân quê nhà
Mấy bài vọng cổ đặc sản của đôi nghệ sĩ Đoàn Minh - Diễm Thanh được chào đón nồng nhiệt. Sau những tiết mục văn nghệ giao lưu, Phạm Trung Kiên và Quý Bình luôn ngồi lại bên các chiến sĩ đầy chia sẻ yêu thương. Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng là người được tham gia nhiều chuyến biểu diễn nhất ở Trường Sa, đến với cán bộ chiến sĩ ở nhiều điểm đảo nhất. Chẳng thế mà Thiếu úy Lê Ngọc Anh và các hộ dân ở đảo Sinh Tồn Đông cứ nhất quyết phải chụp ảnh kỷ niệm bằng được với người ca sĩ mình yêu mến.
Lê Ngọc Anh chia sẻ: “Thật trân trọng tấm lòng của người dân cả nước cũng như TPHCM đã luôn hướng về cán bộ chiến sĩ nơi đảo xa bằng tất cả tấm lòng yêu thương, chia sẻ. Chúng tôi luôn nhắc nhau luôn vững vàng tay súng, đoàn kết yêu thương, vượt mọi khó khăn, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng, biển đảo của Tổ quốc”. Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng bộc bạch: “Tôi thật sự rất vui khi được góp sức mình đến với những chiến sĩ nơi tuyến đầu Tổ quốc. Mỗi chuyến đi là có thêm một bài học, càng thêm phấn đấu, thêm một lời nhắc nhở để những người trẻ chúng tôi hôm nay biết sống ý nghĩa hơn, trách nhiệm hơn”.
Đến công trình nhà giàn Tư Chính DK1/14, chúng tôi chứng kiến sự khắc nghiệt mà cán bộ chiến sĩ nơi đây trải qua. Ở đảo chìm Len Đao, chiến sĩ và các văn nghệ sĩ để được hát cho nhau nghe phải chen chân chật cứng trong căn phòng nhỏ xíu, thì ở nhà giàn DK1/14, cả đoàn đã có một trải nghiệm rất thú vị khi được ngồi bên hành lang rộng thênh thang, lồng lộng gió, đã mượn tiếng hát lời ca để sưởi ấm lòng nhau.
Cảm xúc không thể nói hết bằng lời khi những tràng pháo tay mạnh mẽ, những giọng hát hừng hực khí thế, tiếng guitar bập bùng trong thanh âm ầm ào của sóng biển. Có vẻ như những người khách phương xa chúng tôi chia sẻ đến các anh qua lời ca tiếng hát, nhưng chính các anh đã truyền lửa đến chúng tôi - một ý chí mạnh mẽ, một tinh thần bất khuất không gì lay chuyển.