Khi ca sĩ hát sai lời
Trong đêm công diễn 5 Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mới đây, ca sĩ Mỹ Linh, Thu Phương, Uyên Linh thể hiện ca khúc Diễm xưa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, khán giả nhanh chóng phát hiện các ca sĩ đã hát sai lời. Cụ thể ở đoạn “Chiều nay còn mưa sao em không lại?/ Nhỡ mai trong cơn đau vùi…” ba nghệ sĩ hát nhầm dấu từ “nhỡ mai” thành “nhớ mãi”.
Ngay sau đó, ca sĩ Mỹ Linh đã thừa nhận thiếu sót, gửi lời xin lỗi gia đình cố nhạc sĩ và cho biết việc hát sai là do thói quen từ trước. “Tôi mong đại diện gia đình các tác giả nhận lời xin lỗi cũng như được khán giả thông cảm”, cô bày tỏ.
Không chỉ với ca khúc Diễm xưa, rất nhiều ca khúc khác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng bị hát sai lời, từ ca sĩ tới khán giả. Ngay chính Mỹ Linh cũng từng hát sai lời trong bài Để gió cuốn đi. Cô hát “Một sớm mai chim bay đi bình yên” trong khi nguyên bản là “Một sớm mai chim bay đi triền miên”.
Hay như ca khúc Ru ta ngậm ngùi, nhiều ca sĩ hát “Trời sao im vắng” trong khi đúng ra phải là “Đời sao im vắng”. Ca sĩ Mỹ Tâm trong đêm nhạc Ru em (năm 2017), thể hiện ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội cũng hát sai “Trời tây chiều thu” trong khi lời bài hát chính xác phải là “Hồ Tây chiều thu”. Một lần khác, trong bài Có một dòng sông đã qua đời, Mỹ Tâm hát “Mười năm khi phố khi vùng đồi” thành “Mười năm khi phố khi nụ cười”. Hay với ca khúc Đêm thấy ta là thác đổ, cô hát “Đời em hết mang điều mới lạ/ Tôi đã sống rất ơ hờ” trong khi đúng ra phải là “Đời ta hết mang điều mới lạ/ Tôi đã sống rất ơ hờ”.
Để hồn cốt tác phẩm được giữ nguyên
Không chỉ Trịnh Công Sơn, nhiều những ca khúc của không ít nhạc sĩ khác như Đoàn Chuẩn, Thanh Tùng, Từ Huy, Xuân Nghĩa... bị các ca sĩ, khán giả hát sai lời. Thậm chí có khi lời sai lại còn phổ biến hơn lời đúng, nhất là với các ca khúc thể loại trữ tình, bolero, tân nhạc…
Như trong ca khúc Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn, lời gốc “ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì” thường bị hát thành “thổi xuống”, “thổi buốt”. Nhạc sĩ Xuân Nghĩa từng vài lần đính chính bài Đến với con người Việt Nam tôi, lời đúng “Này bạn thân nơi năm châu bốn phương” nhưng nhiều khán giả quen hát “Này bạn thân ơi năm châu bốn phương”.
Nhạc sĩ Đài Phương Trang kể mấy lần bị choáng khi nghe ca sĩ lẫn khán giả sửa tên bài hát Người yêu cô đơn của ông thành Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn! “Không hiểu sao ai cũng hát như bản sai rồi người ta tưởng đó là bản đúng luôn. Nếu tôi không đính chính thì chắc khán giả vẫn nghĩ vậy là đúng”, vị nhạc sĩ nói.
Không chỉ nhạc xưa, nhiều ca khúc mới, người sáng tác đang hoạt động rất mạnh mẽ vẫn bị hát sai lời, thậm chí lời sai còn bị cho là đúng, bất chấp cả tác giả. Điển hình như câu chuyện ca khúc Trái đất ôm Mặt trời của nhạc sĩ Kai Đinh do Hoàng Thùy Linh và Grey D thể hiện. Ca khúc này phổ biến trên Facebook, TikTok theo một cách… dở khóc dở cười khi người nghe chia phe tranh cãi nảy lửa vì lời hát “mặt trời” hay “mặt trới”. Nhiều ca sĩ, khán giả lại chọn lời “mặt trới”, dù sai.
Nhạc sĩ Trần Lệ Giang chia sẻ rất buồn khi ca khúc Đất nước tình yêu của bà bị sửa lời, mất đi ý nghĩa thực sự. “Bài hát có nhiều câu bị hát sai lời và nghịch lý là dần dần lời sai đó lại thành chuẩn. Cụ thể, câu đúng tôi viết là “Khi anh nắm tay em/Mây xám bay chỉ còn ánh trăng ngà” nhưng nhiều người hát thành “Mây giăng giăng bay”. Rồi “Bên lũy tre xanh thêm nhiều công trình” chứ không phải “Bên lũy tre xanh xây nhiều công trình”… Tôi mong người yêu nhạc, đặc biệt các nghệ sĩ hãy hát đúng lời gốc để hồn cốt tác phẩm được giữ nguyên”, bà chia sẻ.
Việc các tác phẩm sai lời nổi hơn bản gốc là thực trạng tồn tại nhiều năm. Không ít tác phẩm của các nhạc sĩ bị hát nhầm, sai lời, khán giả nghe quen, theo thời gian trở nên phổ biến rộng rãi còn bản gốc bị quên lãng. Nghịch lý đáng buồn này đã đến lúc cần thay đổi để trân trọng hơn giá trị tác giả, tác phẩm theo thời gian, để không ai phải buồn lòng đính chính trong vô vọng mà khán giả chỉ nhớ bản sai lời. Công chúng cần được thưởng thức những bản chuẩn chứ không phải tác phẩm “toàn cầu”, nhưng khi nghe kỹ lại thấy ngô nghê, cẩu thả trong câu chữ.