Không gian mới
Không phải sân khấu truyền thống của nhà hát, hay phần xây chầu, ra bộ trong dịp hát Kỳ yên ở đình, miếu, một trích đoạn hát bội đã được biểu diễn trong sân khấu mini của quán bar, khiến nhiều khán giả ngạc nhiên. Tiết mục biểu diễn khoảng 15-20 phút, đoạn trích là phần đặc sắc, cao trào của tuồng San Hậu. Để khán giả có thể hiểu câu chuyện, trước khi bắt đầu biểu diễn, tại mỗi bàn khách ngồi đều kèm tờ thiệp giới thiệu tóm tắt nội dung vở tuồng, tên nghệ sĩ biểu diễn.
Chương trình hát bội ở quán bar do nhóm bạn trẻ Hiếu Văn Ngư (Nhóm nghiên cứu, ứng dụng và sáng tạo với di sản văn hóa và nghệ thuật) cùng Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM phối hợp thực hiện. Nhà hát lo phần nghệ thuật chuyên môn, Hiếu Văn Ngư tổ chức truyền thông, hình ảnh, dẫn chuyện..., tất cả cùng làm với mong muốn đưa nghệ thuật hát bội đến với khách, nhất là khách nước ngoài.
Đến từ Pháp, anh Dennis (35 tuổi, hiện là chuyên viên tài chính cho một doanh nghiệp ở TPHCM) bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi được xem hát bội như thế này. Các bạn có một loại hình nghệ thuật truyền thống thật độc đáo, nghệ sĩ vẽ mặt hóa trang rất đặc biệt. Sau buổi diễn, tôi đã tìm hiểu thêm thông tin về bộ môn nghệ thuật này của các bạn, có rất nhiều điều thú vị”.
Truyền thống và khác biệt
Nói về lý do đưa hát bội vào quán bar, vợ chồng anh Lê Ngọc Minh (chủ quán Dot bar) kể lại, từ một lần tình cờ đi xem hát bội ở Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM, vì yêu thích, vợ chồng anh tìm cách kết nối để đem hát bội về quán, vừa để phục vụ khách, vừa là cách để quảng bá cho loại hình sân khấu đặc sắc của đất nước.
“Chúng tôi cũng đoán trước sẽ có những bình luận, ý kiến khen - chê trái chiều, nhưng nếu mình làm đúng tinh thần hát bội từ xưa, chắc chắn sẽ được mọi người ủng hộ. Điều quan trọng là văn hóa mình có nhiều thứ hay, đẹp như vậy, thì sao mình không lan tỏa mà phải bắt chước làn sóng bên ngoài”.
Hát bội vốn được biết là loại hình nghệ thuật dân gian phổ biến ở miền Trung Việt Nam, có tuổi đời hơn 300 năm. Hát bội phổ biến qua các dịp Kỳ yên ở đình, miếu, hay sân khấu truyền thống. Việc đưa hát bội vào quán bar cũng không ít khó khăn cho nghệ sĩ, bởi không gian sân khấu của quán bar khá hạn chế, phần đông khán giả lần đầu tiếp cận nghệ thuật hát bội… Và vấn đề đặt ra trăn trở nhiều hơn, đó chính là những ý kiến trái chiều cho cách làm đầy khác biệt này.
Anh Nguyễn Thanh Bình (Trưởng phòng biểu diễn Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM) chia sẻ: “Thực ra nghệ thuật hát bội từ xưa đến nay vốn dĩ rất năng động, có thể thích ứng nhanh với các không gian biểu diễn khác nhau. Điều quan trọng là dù ở không gian nào, việc giữ gìn hồn cốt của nghệ thuật hát bội cũng được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Sự thay đổi ở đây chỉ là thay đổi về nơi chốn biểu diễn, thay đổi về đối tượng khán giả và tăng sự tương tác, đến gần khán giả hơn, giao lưu cùng khán giả”.
Đặt vấn đề lo ngại liệu hát bội ở quán bar liệu có làm phá vỡ không gian thiêng - vốn được biết đến qua các dịp hát ở đình, miếu. Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Hoài Lâm (thuộc nhóm Hiếu Văn Ngư) phân tích: “Hát bội biểu diễn ở đình, miếu sẽ có những quy tắc chuẩn mực trong không gian truyền thống. Còn hát bội biểu diễn ở quán bar, ở các lễ hội mở bên ngoài sẽ có những thích nghi tương ứng. Nghệ thuật hát bội đi vào lòng khán giả vì vẻ đẹp tự thân của nó, từ đó tạo nên sự trân trọng yêu quý ở người tiếp nhận, chứ không phải vì nơi mà nó từng biểu diễn”.
Trong tháng 11, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM sáng đèn liên tục các suất diễn trên địa bàn TPHCM nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, phục vụ, giúp lan tỏa những giá trị nghệ thuật độc đáo và đặc sắc của loại hình trình diễn hát bội trong đời sống văn hóa cộng đồng, để hát bội có thêm nhiều cơ hội tiếp cận gần hơn công chúng, khán giả trẻ, học sinh, sinh viên.
Sẽ có 28 suất diễn của nhà hát lần lượt diễn ra tại các trường học, trung tâm văn hóa, rạp hát, khu vực công cộng như: Đường sách TPHCM, Bưu điện thành phố, Nhà hát thành phố, Lăng Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh), Miếu Bà Thạnh An (huyện Cần Giờ)…
THÚY BÌNH