Nỗ lực thay đổi diện mạo
Nhiều năm qua, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM tìm kiếm, kêu gọi lớp trẻ có chuyên môn, nghiệp vụ đầu quân về nhà hát, đẩy mạnh công tác đào tạo truyền nghề tại chỗ. Một loạt vở mới được nhà hát đầu tư dàn dựng đa dạng về nội dung, đạt chất lượng về ý tưởng, tính nghệ thuật, như: Lê Công kỳ án, Nguyễn Hữu Cảnh, Đào Duy Từ, Vụ án Lệ Chi Viên, Vương Thúy Kiều, Công lý không gục ngã, Nước mắt quyền thần, An Tư công chúa, Thất sơn tình sử...
Mỗi năm nhà hát tập trung dựng 2 vở mới.
Cách thức dàn dựng cũng có nhiều thay đổi, vở tuồng mang hơi hướm hiện đại, ngắn gọn, nhưng vẫn giữ được tính đặc trưng và độc đáo của nghệ thuật hát bội, giúp khán giả dễ xem, dễ hiểu. Đội ngũ đạo diễn tham gia dựng vở hiện nay đều là nghệ sĩ làm nghề lâu năm như: NSƯT Hữu Danh, NSƯT Xuân Quan, NSƯT Linh Hiền, NS Đông Hồ và các đạo diễn trẻ như NS Thanh Bình, Hoàng Hà.
Đa số các đạo diễn đã học và tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn sân khấu của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM, có kiến thức dàn dựng đủ chắc, giúp nhà hát bớt nỗi lo về đội ngũ đạo diễn sân khấu tuồng. Riêng NSƯT Hữu Danh đảm nhận luôn công việc chuyển thể kịch bản sân khấu.
Lớp nghệ sĩ trẻ có thâm niên trên dưới 20 năm theo nghề, vững vàng trên sân khấu có Bảo Châu, Ngọc Giàu, Anh Thy, Thanh Bình, Kiều My, Hoàng Hà, Minh Khương, nay đã đủ nội lực thay thế lớp nghệ sĩ có tuổi trong những vai diễn đào - kép chính, vai diễn khó. Lớp diễn viên trẻ hơn, nhà hát tuyển được 10 em, sẽ tiếp tục được đào tạo theo phương thức truyền nghề trong vài năm để nắm bắt các kỹ thuật, trình thức biểu diễn, hóa trang, hóa thân nhân vật hát bội.
Riêng lớp nghệ sĩ đàn anh, đàn chị hiện nay như NSƯT Linh Hiền, NSƯT Thanh Trang, NSƯT Linh Phước và NS Đông Hồ vẫn đang tích cực tham gia hoạt động biểu diễn, cùng với lớp nghệ sĩ đang cộng tác với nhà hát trong đào tạo nghề như NSƯT Xuân Quan, NSƯT Nguyễn Hoàn, NSƯT Ngọc Nga… hỗ trợ rất tốt cho lớp trẻ của nhà hát.
Mong đợi một “ngôi nhà” chung
Ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, tâm tư: “Để phát huy hát bội, chỉ có duy nhất một con đường là tổ chức biểu diễn nghệ thuật thường xuyên, dàn dựng và biểu diễn các vở tuồng chỉn chu.
Thực trạng cơ sở hạ tầng của nhà hát đóng tại rạp Thủ Đô từ lâu đã xuống cấp trầm trọng: ghế ngồi hư hỏng gần hết; hệ thống làm mát thiếu và yếu; hệ thống đèn chiếu sáng và âm thanh cũ kỹ; trần rạp hát từng được sửa chữa thay la phông, nhưng vì làm tạm nên sau 3 năm lại bị dột khi mưa lớn… Sau nhiều năm nhà hát tập trung đầu tư, nâng chất, xây dựng nguồn nhân lực, kịch mục, vấn đề còn lại chính là cần có một rạp hát đủ công năng để anh em làm nghề, phục vụ khán giả”.
Từ đây, niềm mong mỏi chính đáng của nghệ sĩ hát bội là toàn bộ rạp hát được sửa chữa, nâng cấp để có thể tổ chức các suất hát định kỳ hàng tháng, tạo cơ hội làm nghề, giúp nâng cao đời sống nghệ sĩ qua nguồn thu từ các chương trình. Nghệ sĩ Thanh Bình chia sẻ: Chúng tôi ai cũng khát khao có được một nơi làm nghề ổn định. Thực ra, loại hình nghệ thuật hát bội không cần sân khấu quá lớn, chỉ cần có một khán phòng chừng 200-300 ghế.
Quan trọng là sân khấu có đầy đủ các chức năng đáp ứng công tác biểu diễn. Đây sẽ không chỉ là sân khấu hoạt động nghệ thuật mà còn là nơi sinh hoạt quanh năm suốt tháng của nghệ sĩ. “Ngôi nhà” đó cần sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, để khi ở đó, nghệ sĩ tự tin thể hiện mình. Khi có một điểm diễn tốt, nhà hát mới có thể mời khán giả đến xem hát bội, về lâu dài hơn là phục vụ khách du lịch.
Để có được một sân khấu đáp ứng đủ các nhu cầu cần thiết cho hoạt động chuyên môn và tổ chức biểu diễn của một nhà hát hiện nay tại TPHCM không dễ dàng. Niềm mong mỏi có một sân khấu đủ chuẩn vẫn luôn được bồi đắp theo thời gian bằng sự chờ đợi và hy vọng.