Đa dạng chuỗi cung ứng
Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thịnh, cho biết, sản phẩm của công ty đã có thể gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu… Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài đảm bảo đạt các yêu cầu tối thiểu về chi phí, giá, chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng nhanh chóng, thuận tiện, DN cần phải thực hành tốt và hiểu văn hóa của đối tác. Do vậy, ngay từ khâu đầu tư, DN phải xác định đầu tư dài hạn, vốn lớn, lời mỏng, chất lượng sản phẩm đồng đều, giống như hàng mẫu trong suốt quá trình sản xuất. Không chỉ vậy, ngoài tiêu chuẩn chung, mỗi sản phẩm cung ứng cho thị trường khác nhau phải đạt các chứng chỉ theo thị trường đó. Đơn cử như tiêu chuẩn CE với thị trường châu Âu; UL với Hoa Kỳ; JIS (Japan Industrial Standard) của Nhật Bản… Mặt khác, DN phải thực hiện tự động hóa cao kết hợp tinh gọn trong quản trị để gia tăng năng lực cạnh tranh về giá với sản phẩm cùng loại.
Chuyên gia Samsung Việt Nam hỗ trợ cải thiện quy trình sản xuất tại Công ty TNHH Việt Nhật |
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩ Nam Việt (Vinavit), cho rằng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, năng lực cạnh tranh về giá chỉ là một phần trong câu chuyện phát triển ngành CNHT. Yếu tố không kém phần quan trọng khác chính là kiên trì theo đuổi thị trường. Trên thực tế, Vinavit đã có kinh nghiệm 25 năm cung ứng sản phẩm CNHT cho thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Qua đó, DN đã hoàn thiện các hệ thống tiêu chuẩn theo yêu cầu của chuỗi thị trường châu Á để thâm nhập vào thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc. Cũng theo ông Đức, kinh nghiệm là vậy, nhưng để có thể gia nhập tiếp theo vào thị trường châu Âu, DN phải mất thời gian khá dài và hoàn thiện thêm nhiều tiêu chí khác mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Nếu chinh phục được thị trường châu Âu thì việc gia nhập thị trường Hoa Kỳ khá thuận lợi khi đã cung ứng thành công sản phẩm cho các tập đoàn như Hillti, Ekia.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM (Sở Công thương TPHCM), cho biết, hiện một số DN trong nước tiếp cận được các chuỗi cung ứng toàn cầu. Gần đây nhất, trong chương trình kết nối DN nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối do Trung tâm Phát triển CNHT tổ chức đã thu hút hơn 300 DN tham gia; hơn 400 nhóm hàng linh kiện, thiết bị đã được trưng bày tại chương trình để tìm kiếm khách hàng. Kết quả khá khả quan khi nhiều DN lần lượt tiếp cận được đơn hàng mới. Không dừng lại đó, tháng 10-2023, TPHCM đã tổ chức đoàn 30 DN CNHT tham gia triển lãm kết nối giao thương tại Nhật Bản, qua đó, các DN đã có cơ hội để tiếp cận nhiều đơn đặt hàng mới đến từ thị trường này.
Cần giải pháp hỗ trợ gia cố nội lực
Theo các DN CNHT, hiện nay xu hướng đơn hàng đã khác. Theo đó, đơn đặt hàng đối với các trang thiết bị liên quan đến lĩnh vực y tế, trí tuệ nhân tạo, robot… khá nhiều. Các DN Việt Nam muốn cung cấp cho các tập đoàn lớn luôn bị yêu cầu phải đầu tư máy móc thiết bị lớn, là những mặt hàng khó, sản lượng ít… Điều này đòi hỏi DN Việt phải nhanh chóng thay đổi chiến lược sản xuất sản phẩm. Hiện nay trên cả nước có khoảng 5.000 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chủ yếu cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện cho các DN sản xuất sản phẩm đầu cuối trong các ngành ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày. Trong đó, gần 90% là DN nhỏ và vừa có 300 lao động trở xuống. Những đòi hỏi như nguồn cung nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện đầu vào, công nghệ, máy móc thiết bị, nguồn nhân lực, đạt chứng nhận tiêu chuẩn theo chuẩn quốc tế... là những thách thức không nhỏ với DN Việt. Không chỉ vậy, DN còn đối mặt với nhiều khó khăn khác như thiếu cơ hội tiếp cận khách hàng do không tiếp cận thông tin thị trường, chưa đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Đại diện Sở Công thương TPHCM nhấn mạnh, đặc thù của DN CNHT là vốn nặng nhưng lợi nhuận mỏng, sức ép cạnh tranh giá thành với sản phẩm cùng loại trong chuỗi cung ứng toàn cầu lại rất lớn. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ cho DN về tài chính để chi phí đầu tư thấp hơn, nhất là DN đang hoạt động tại TPHCM. Đồng thời, cần có các khu công nghiệp mới, xây dựng nhà xưởng, lựa chọn các DN trọng điểm để cho thuê với giá hợp lý và dài hạn để DN giảm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, phần lớn DN CNHT có quy mô nhỏ nên nếu tổ chức được mô hình liên kết nhóm để cùng đặt đơn hàng nhập khẩu nguồn vật liệu, có các chương trình mua chung, bán chung thì DN có thể tiếp cận được nguồn nguyên vật liệu với giá tốt hơn.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, phát triển công nghiệp trong thời gian tới vẫn do DN FDI dẫn dắt. Do vậy, cùng với việc hỗ trợ DN nâng cao nội lực, các bộ ngành, địa phương cần thay đổi cách tiếp cận về FDI. Theo đó, cần có tiêu chí sàng lọc, lựa chọn nhà đầu tư thống nhất từ trung ương đến địa phương để đảm bảo thu hút đầu tư theo đúng nhu cầu của nền kinh tế. Ngoài ra, ưu đãi cho nhà đầu tư nên dựa trên hiệu quả, giá trị gia tăng tạo ra trong nước, kết quả hoạt động sau đầu tư thay vì ưu đãi dựa trên số vốn đăng ký và quy mô. Kế đến, triển khai hiệu quả các hoạt động kết nối DN trong nước với DN FDI, xây dựng năng lực giúp DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của DN FDI. Có như vậy mới có thể tạo nền tảng vững chắc để ngành CNHT phát triển nhanh và bền vững.
Ông CHOI JOO HO, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung: Đồng hành để nâng cao nội lực cho doanh nghiệp Việt
Chính phủ Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã có nhiều chính sách quan tâm, khuyến khích phát triển ngành CNHT, nhằm đưa các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hưởng ứng chính sách này, ngoài việc tự phát triển các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của mình, Samsung Việt Nam đã và đang nỗ lực đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nói chung.
Theo đó, Samsung đã hỗ trợ gần 400 công ty ở Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các công ty tham gia chương trình đã có những phản hồi rất tích cực như năng suất tăng 40%, lỗi sản phẩm giảm 50% chỉ sau khoảng 3 tháng được hỗ trợ, tư vấn. Các DN tham gia cũng được ưu tiên khi họ được tham gia mạng lưới các nhà cung cấp cho Samsung Việt Nam.
Hiện Samsung Việt Nam tham gia hỗ trợ đào tạo hơn 400 chuyên gia tư vấn cải tiến địa phương. Ngoài ra, tập đoàn còn phối hợp cơ quan chức năng liên quan triển khai dự án đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực khuôn mẫu. Chương trình sẽ đào tạo 200 chuyên gia trong hơn 4 năm cho lĩnh vực quan trọng này. Đến nay, đã có hơn 100 chuyên gia được đào tạo. Samsung sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Công thương để hoàn thành mục tiêu trong thời gian tới.
Bà BÙI THỊ HỒNG HẠNH, Giám đốc NC Network Việt Nam: Tháo gỡ nút thắt làm nghẽn mạch phát triển của doanh nghiệp
Theo tôi, cần nhìn nhận và tháo gỡ nút thắt làm nghẽn mạch phát triển của DN CNHT. Hiện nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất, thương mại đang phụ thuộc vào khu vực FDI nhưng lại thiếu sự liên kết giữa DN FDI và DN trong nước.
Sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng từ bên ngoài, trong khi ngành CNHT trong nước còn kém phát triển. Về phía DN, năng lực sản xuất kém cạnh tranh, đặc biệt là năng lực về các công nghệ nguồn của ngành chế biến chế tạo nên khó khăn trong việc liên kết, hình thành chuỗi cung ứng trong nước và thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ trọng giá trị gia tăng trong nước lĩnh vực xuất khẩu thấp.
Không chỉ vậy, các cơ chế, chính sách hiện nay chưa phù hợp với thực tế, chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN. Mức độ bao phủ của các chương trình ưu đãi, hỗ trợ còn hạn chế, nhiều chính sách được ban hành nhưng gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện. Do vậy cần có chiến lược dài hạn, cụ thể, nhất quán, xác định ngành công nghiệp mũi nhọn phù hợp với thực tế đất nước.