Với những yếu tố tích cực này, các chuyên gia trong ngành đã đánh giá ngành công nghiệp chế biến thực phẩm vẫn còn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, năm 2017, chỉ riêng xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã đạt giá trị trên 3,5 tỷ USD và vào được nhiều thị trường khó tính ở châu Âu. Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia xuất khẩu thủy - hải sản lớn nhất thế giới đến 164 nước và vùng lãnh thổ; trong đó, các thị trường chính là EU, Mỹ và Nhật Bản chiếm 54% tỷ trọng. Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu. Chỉ riêng năm 2017, tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tăng trưởng mạnh đến 18%. Với tiềm năng tăng trưởng, ngành thực phẩm - đồ uống hiện chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, với tỷ lệ dân số trẻ ngày một cao (ước tính trên 50% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi), mức thu nhập được cải thiện và thói quen mua sắm thực phẩm chế biến sẵn ngày càng phổ biến, sự phong phú, dồi dào các sản phẩm nông nghiệp - nguồn nguyên liệu thô cung ứng cho hoạt động chế biến thực phẩm, đồ uống - đang là những lợi thế để các doanh nghiệp trong ngành đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của người tiêu dùng.
Đánh giá về tiềm năng này, ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng cho biết chính nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào sẽ là thế mạnh để Việt Nam thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến thực phẩm. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng duy trì ở mức cao và ổn định, cộng với các lợi thế về môi trường đầu tư thông thoáng, nguồn lực lao động dồi dào, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, khu công nghệ hoàn thiện cũng là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư. Ông Võ Thành Đô nhận xét, khâu sơ chế, bảo quản và đóng gói rất quan trọng, cùng với đó là mảng chế biến sâu để gia tăng giá trị. Đây là 2 mảng cần gia tăng đầu tư trong công nghiệp chế biến thực phẩm ở Việt Nam. Liên quan đến lĩnh vực này, đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) cho rằng, thương mại 2 chiều Việt Nam - EU đang gia tăng nhanh và Việt Nam đang xuất siêu vào châu Âu. Các loại rau củ quả, thủy sản của Việt Nam sẽ xuất khẩu nhiều hơn vào EU. Điều quan trọng, Việt Nam cần quan tâm đến các chuỗi thực hành về an toàn thực phẩm vào EU, quy định về áp dụng các biện pháp kiểm dịch động - thực vật và chỉ dẫn địa lý…
Quy hoạch vùng nguyên liệu chất lượng cao
Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước cần nâng cao trình độ, khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thực hành sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm được công nhận rộng rãi; đồng thời mạnh dạn liên kết, hợp tác với các chuỗi sản xuất chế biến thực phẩm của các tập đoàn thực phẩm đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam nhằm rút ngắn lộ trình tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần có giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo nguồn lao động có kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian tới, với sự thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) cũng như sự phát triển năng động của kinh tế thế giới, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ; việc thu hút đầu tư phát triển sản xuất, tiếp thu công nghệ tiên tiến sẽ là mấu chốt căn bản để thúc đẩy doanh nghiệp nội phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt. Ngoài ra, để đảm bảo thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp thực phẩm bền vững, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần sớm quy hoạch các vùng nguyên liệu chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của chuỗi cung ứng thực phẩm thế giới; đồng thời, xác định kế hoạch sử dụng đất đai hợp lý để thu hút các dự án dài hơi.
Hiện nay, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, điều, tiêu… Xuất khẩu nhóm hàng nông sản, đặc biệt nhóm sản phẩm rau quả và cà phê đang tăng trưởng tốt và ổn định. Các sản phẩm nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ với sự đa dạng về chủng loại và chất lượng ngày càng được nâng cao. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã và đang tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong ngành dễ dàng mở rộng thị trường và nâng cao sản lượng xuất khẩu. Nếu doanh nghiệp nội không tự tạo cơ hội để bứt phá, thì nguy cơ “thua” trên sân nhà là điều không tránh khỏi.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam là một trong những ngành mũi nhọn đã có sự chuyển mình đổi mới tích cực trong tổng thể các khâu sản xuất kinh doanh, đáp ứng ngày càng cao hiệu quả tiêu thụ trong nước và góp phần quan trọng vào việc bình ổn thị trường, an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế. Việt Nam có thế mạnh về nguồn nguyên liệu dồi dào, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm có quy mô lớn. |