“Festival Áo bà ba là sự kiện văn hóa góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, phát triển một xã hội văn minh, thịnh vượng, tích hợp nét đẹp văn hóa truyền thống để thu hút du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Festival Áo bà ba không chỉ có trình diễn thời trang áo bà ba, mà còn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc Nam bộ”, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết.
Festival Áo bà ba diễn ra với nhiều hoạt động phong phú mà điểm nhấn là chương trình trình biểu diễn nghệ thuật về áo bà ba; triển lãm ảnh áo bà ba từ xưa đến nay; ẩm thực truyền thống Nam bộ và biểu diễn đờn ca tài tử. Sân khấu biểu diễn được thiết kế ngoài trời nằm trong khu văn hóa Hồ Sen gắn với khu ẩm thực, nơi diễn ra những trò chơi dân gian. Cùng với đó, sẽ diễn ra triển lãm ảnh, thi vẽ tranh bằng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) lần đầu tiên được tổ chức cho học sinh Hậu Giang sẽ diễn ra tại khu công viên bờ kè Xà No.
Trong cuộc sống hiện đại, nhịp sống vội vã hơn, ồn ào hơn; dù thời gian có làm nhiều giá trị đổi thay nhưng chiếc áo bà ba vẫn được giữ gìn và phát huy. Đó cũng là cách để bảo tồn bản sắc và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, không để bị mai một theo thời gian. Hình ảnh người phụ nữ Nam bộ với chiếc áo bà ba mãi là một thương hiệu rất riêng, tô thêm nét đẹp dịu dàng, dung dị của người dân vùng sông nước. Chiếc áo bà ba thấp thoáng trên mọi nẻo đường, dòng sông, đồng ruộng, mỗi góc nhà Nam bộ hào sảng... mãi là hồn phách của một vùng đất qua mấy trăm năm khai hoang mở đất, chiến đấu, yêu thương, khai hoa, kết nụ... Và khi đã hóa thành lịch sử rồi tiếp tục được giữ gìn, lưu truyền, phát triển, áo bà ba sẽ hóa hồn đất, hồn người của nơi chốn này bền vững đến ngàn sau.
Tổng đạo diễn chương trình Festival Áo bà ba, nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: “Thông điệp mà Festival Áo bà ba muốn truyền tải đến mọi người trong và ngoài nước là sự thấu hiểu những bản sắc văn hóa tốt đẹp của miền sông nước Nam bộ”. Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, bộ sưu tập áo bà ba làm bằng vải sợi khóm Cầu Đúc (một loại khóm thuộc giống Queen được trồng trên vùng đất phèn ở Hậu Giang) kết hợp tơ tằm do những nghệ nhân dệt tơ tằm ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng)… thực hiện sẽ được trình diễn tại Festival Áo bà ba. Hiện Hậu Giang có khoảng 2.800ha diện tích trồng khóm Cầu Đúc là nguồn nguyên liệu để nghiên cứu dệt vải, cũng là một lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp.