Ngồi một chỗ, du lịch khắp nơi
Trước các chuyến đi chơi xa, du khách có thói quen tìm hiểu trước thông tin, khảo sát điểm đến xem có gì ấn tượng. Việc này giúp du khách bổ sung kiến thức cũng như niềm vui cho mỗi lộ trình.
“Cách nay vài tháng, tôi có hứa với con gái 6 tuổi sẽ dẫn bé đi xem múa rối nước, trải nghiệm trượt tuyết, nhưng dịch bùng phát nên đành thất hứa. Sau đó, chúng tôi cũng tìm được tiết mục múa rối nước vui nhộn do một công viên văn hóa du lịch ghi hình. Bé nhà tôi xem say sưa, rất thích thú”, chị Lê Hồng Ngát, ngụ tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12, chia sẻ.
Mấy hôm nay, cả gia đình anh Phương Việt Quân (Lê Văn Sỹ, quận 3), cùng quây quần quanh chiếc tivi thông minh để ngắm vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), danh thắng Tràng An (Ninh Bình), thác Bản Giốc (Cao Bằng), núi đôi Cô Tiên (núi đôi Quản Bạ, Hà Giang)…
Anh Phương Việt Quân tâm sự: “Trẻ con ở nhà một chỗ dễ sinh buồn chán, ù lì, nên cả nhà tìm cách du lịch qua màn ảnh nhỏ. Trên YouTube có chiến dịch “Việt Nam: Đi để yêu!” dễ xem, phong cảnh đẹp. Riêng TPHCM, đang có hàng trăm điểm tham quan, bảo tàng, di sản văn hóa… được số hóa bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo nên dễ tiếp cận”.
Vừa giới thiệu các điểm đến hấp dẫn, anh Phương Việt Quân vừa rà trên mạng để hướng dẫn cậu con trai 8 tuổi dò tìm Thảo cầm viên Sài Gòn, Bưu điện TPHCM, Nhà hát TPHCM… Bé vui thích và hào hứng tương tác cùng ba.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Liên Bang Travel đánh giá, nhu cầu nghe nhìn, giải trí mùa dịch rất cao, do người dân ở nhà nhiều khi giãn cách xã hội. Các kênh thông tin, hình ảnh du lịch vui, bổ ích giúp người dân có thêm động lực, giải tỏa bớt tâm lý tiêu cực. “Mặc dù khó thay thế kênh du lịch truyền thống nhưng loại hình “du lịch qua màn ảnh nhỏ” vẫn có giá trị tích cực ở thời điểm này”, ông Từ Quý Thành cho biết.
Số hóa điểm đến
Theo Sở Du lịch TPHCM, việc số hóa điểm đến được ngành du lịch rất quan tâm và là chiến lược nhằm tiếp cận đa dạng các dòng khách, giúp TPHCM thực sự hấp dẫn du khách nội địa cũng như quốc tế. Ngay từ đầu năm 2021, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đẩy mạnh chiến dịch quảng bá du lịch Việt Nam trên mạng xã hội thông qua kênh YouTube “Việt Nam: Đi để yêu”, thu hút hơn 1 triệu lượt người xem trong chưa đầy 1 tháng.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch Việt Nam kết hợp cùng Google triển lãm trực tuyến trên 1.300 bức ảnh nghệ thuật “Kỳ quan Việt Nam” (Wonders of Vietnam) ra khắp thế giới. Việc quảng bá này mang tính bước ngoặt, được doanh nghiệp lữ hành, du khách đánh giá cao.
Hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp như Saigontourist, Vietravel, TST Tourist... cũng đẩy mạnh thông tin đến khách hàng bằng những clip ngắn giới thiệu cảnh đẹp TPHCM và cả nước.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing TST Tourist, khẳng định nhân viên đơn vị vẫn làm việc chăm chỉ từ xa trong thời điểm giãn cách xã hội để đưa đến khách hàng những thước phim đẹp nhất về mảnh đất, con người, ẩm thực của nhiều địa phương trên cả nước.
Nhìn sang một số quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Nga..., mô hình du lịch bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng Google đã thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng, đặc biệt thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chẳng hạn, chương trình “chuyến tham quan” miễn phí đến hàng ngàn bảo tàng, phòng trưng bày, nhà hát nổi tiếng thế giới, như Hermitage (Nga), Museum of Modern Art, Whitney, Metropolitan (Mỹ), British Museum (Anh)...
Đáng chú ý, một số quốc gia như Nhật Bản còn khuyến khích người dân ngắm hoa anh đào trực tuyến để hạn chế tụ tập đông người, tránh lây lan dịch bệnh. Theo Hiệp hội Du lịch TPHCM, việc số hóa điểm đến, quảng bá du lịch qua các kênh đa phương tiện giúp gia tăng sự trải nghiệm cho người dân, nhất là thời điểm giãn cách xã hội do tác động của dịch Covid-19.
Thực tế cho thấy, du lịch qua màn ảnh đã và đang phát huy hiệu quả trong thời điểm hiện nay. Nhiều chuyên gia nhận định, xu hướng này sẽ đồng hành cùng sản phẩm du lịch truyền thống, giúp người dân gia tăng trải nghiệm, mong muốn khám phá nhiều hơn các sản phẩm du lịch.