Từ ngã tư Thủ Đức rẽ vào đường Lê Văn Việt, rồi rẽ phải vào đường Lã Xuân Oai, quận 9, TPHCM, chạy tiếp qua dốc Xóm Bến chừng 500m là các cần thủ đã đến được điểm câu rê cá lóc lý tưởng, nằm ngay trong Khu Công nghệ cao TPHCM.
Bất kể trời hửng sáng hay chiều tối, bạn dễ dàng bắt gặp những cần thủ tập trung ở đây để “săn” cá lóc tự nhiên.
Trước đây, phần lớn diện tích đất trong Khu công nghệ cao là đất nông nghiệp, với hàng trăm hecta ao, hồ, trong đó có những ao, hồ... sâu quá đầu người trưởng thành. Ngoài những ao, hồ cũ, việc đào đất làm đường nhánh trong khu công nghệ cũng khiến cho khu vực này xuất hiện nhiều "đầm lầy", đồng cỏ lăn, cỏ lác... để cá trú ngụ, sinh sản.
Sau khi được thành phố thu hồi để thành lập Khu công nghệ cao TP từ năm 2002, ngoài các nhà máy, xí nghiệp đã mọc lên, hiện nay khu vực này còn không ít diện tích đất, ao hồ, kênh rạch còn hoang hóa, chưa được đầu tư xây dựng. Vì thế, cá, tôm tự nhiên vẫn còn nhiều, nhất là cá lóc.
Đặc biệt những ngày gần đây, thời tiết TP mưa nhiều. Việc thay đổi con nước khiến cá trong những “đầm lầy” ở đây sinh sản nhiều. Vì vậy, nếu tìm được ổ cá rồng rồng (cá lóc con), chỉ cần câu rê nhẹ vài đường bằng nhái giả, các cần thủ cũng có thể bắt được cá lóc bố mẹ. Nhỏ thì thì vài ba lạng, lớn có khi lên đến cả ký.
Theo đó, các cần thủ khéo léo rê cục mồi là con nhái thật hoặc nhái giả, cá giả (làm bằng nhựa) chạy là là trên mặt nước một đoạn dài từ vài chục mét. Việc rê qua rê lại nhiều lần khiến cá lóc tưởng là con mồi mà bay lên đớp.
Nhiều cần thủ cho biết, loại hình câu rê có từ thời khẩn hoang Nam bộ. Trước đây, người dân thường dùng cần trúc dài cỡ chục mét, một ống lon để cuộn cước, lưỡi câu.
Dù dụng cụ câu cá lóc xưa và nay có nhiều thay đổi, nhưng khi cá lóc đớp mồi, thì cảm giác vẫn… sướng khó tả!