Hấp dẫn các hoạt động văn hóa nghệ thuật dịp tết

Ngày 21-1, Sở VH-TT TPHCM tổ chức chương trình “Cà phê văn hóa, thể thao và báo chí”. Chương trình đầu tiên này có nhiều nội dung như thông tin hoạt động văn hóa, thể thao trọng tâm của tháng 2, trong đó chủ yếu các hoạt động phục vụ tết người dân, du khách.

Tôn vinh “đặc sản” của thành phố

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT, cho biết từ 25-1 đến 3-2 (tức 13 đến 22 tháng Chạp âm lịch) sẽ tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng (3-2) và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với 4 đêm trình diễn tại sân khấu trước Nhà hát Thành phố. Điểm nhấn chương trình này là Nhạc hội Đờn ca tài tử Nam bộ, quy tụ 86 đội nhóm, CLB đờn ca tài tử. Bên cạnh các tiết mục biểu diễn đặc sắc sẽ có một số sân chơi như “Hội ngộ tri kỷ tri âm”, “Đờn ca tương ngộ”; giới thiệu tính năng các nhạc cụ trong dàn nhạc tài tử - cải lương... Đây là dịp các nghệ nhân, nghệ sĩ trong và ngoài thành phố giao lưu, trình diễn, giới thiệu những giá trị đặc sắc của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ đến công chúng, du khách. 

Chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” được tổ chức tại quận 8 dịp Tết 2020
Từ ngày 9-2 đến 15-2 (từ 28 tháng Chạp âm lịch đến mùng 4 tết), Lễ hội Đường hoa Nguyễn Huệ và Lễ hội Đường sách tết sẽ được diễn ra. Đường hoa Nguyễn Huệ có 2 chương Con đường hội tụ bản sắc, Con đường hướng tới tương lai với 13 phân cảnh. Lễ hội Đường sách tết tại trục đường Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế có 3 chủ đề là Kho tàng tri thức của nhân loại, Du hành thế giới cùng sách và Tri thức kết nối tương lai. Bên cạnh đó, TPHCM sẽ tổ chức Lễ dâng cúng bánh tét Quốc tổ Hùng Vương và Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào ngày 8-2 tại Đền Tưởng niệm các Vua Hùng, Đền thờ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc; Ngày hội Bánh tét diễn ra tại các quận huyện. Ngoài ra, có các chương trình như sân khấu hóa Kỷ niệm 232 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789-2021), lễ hội Nguyên Tiêu và Ngày thơ Việt Nam…


“Đặc biệt năm nay, chương trình Chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” Tết Tân Sửu được tổ chức tại quận 8 từ ngày 6-2 (25 tháng Chạp âm lịch). Sẽ có các hoạt động biểu diễn đờn ca tài tử trên ghe bầu, tái hiện không gian sông nước văn hóa đặc trưng của thành phố. Đây là di sản, “đặc sản” của TPHCM cần được tái hiện”, ông Võ Trọng Nam nhấn mạnh. 

Diễn đàn kết nối 

Chương trình “Cà phê văn hóa, thể thao và báo chí” được tổ chức với mong muốn tạo kênh thông tin giữa ngành văn hóa, thể thao thành phố với các cơ quan thông tin đại chúng. Qua đó, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá đến người dân kịp thời nắm bắt và đồng hành với hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục - thể thao, các sự kiện lễ hội. Sau lần đầu tiên diễn ra vào ngày 21-1, chương trình dự kiến tổ chức khoảng 1-2 tháng sẽ có một chuyên đề. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT, cho rằng, có thể nói “Cà phê văn hóa, thể thao và báo chí” là một nét mới sáng tạo mà qua kênh này, diễn đàn này có thể tăng tính kết nối, chia sẻ thông tin một cách cởi mở, đa chiều hơn giữa các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và phóng viên báo chí. “Thời gian qua, chúng tôi nhận thức rất rõ việc cần tăng cường các kênh thông tin, báo chí và phương pháp thông tin sao cho thực chất, hấp dẫn hơn đến người dân. Chúng tôi mong muốn, sắp tới có thêm những trao đổi chuyên đề, nhận được nhiều chia sẻ, hiến kế giải pháp cho sở trong việc tổ chức những sự kiện văn hóa, thể thao lớn của thành phố”, bà Thanh Thúy nói. 

Nhà báo Quỳnh Trang (Báo Pháp Luật) nhận định, chương trình “Cà phê văn hóa, thể thao và báo chí” được tổ chức gần gũi, thiết thực. “Đây có thể nói là một diễn đàn trao đổi thông tin giữa các cơ quan báo chí, văn nghệ sĩ, các chuyên gia lĩnh vực văn hóa - thể thao và những nhà quản lý. Tôi mong thời gian tới, chương trình được tổ chức đều; các đề án chiến lược, thông tin hoạt động liên quan lĩnh vực văn hóa, thể thao được chia sẻ cụ thể, có những góp ý từ nhiều phía để các chương trình đa chiều, lan tỏa hơn”, nhà báo Quỳnh Trang chia sẻ. Trong khi đó, nhà báo Đào Tùng (Báo Người Lao động) nhấn mạnh, đây là một trong những cách xây dựng không gian gần gũi giữa cơ quan quản lý nhà nước, các văn nghệ sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, thể thao với các cơ quan truyền thông.

Nói về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dịp tết của thành phố, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản TPHCM, cho rằng: “Mỗi di sản văn hóa phi vật thể đều đòi hỏi không gian văn hóa riêng. Với Nhạc hội Đờn ca tài tử Nam bộ, cần quan tâm tổ chức tạo không gian sao cho đúng chất đờn ca tài tử - dù diễn ra tại không gian trước Nhà hát Thành phố. Ở lễ hội trên bến dưới thuyền, nên có cách nào đó tái hiện được không gian này thật gần gũi đời sống của bà con mình và tạo được độ lan tỏa”.

Tin cùng chuyên mục