“Hiện xã có 29 địa chỉ đỏ là cơ sở nuôi giấu cán bộ, nơi hội họp của các đồng chí cán bộ Trung ương. Trong số đó, nhà bà Nguyễn Thị Sóc - nơi đặt trụ sở chính của Trung ương Đảng, nhà ông Bùi Văn Ngữ, ông Tư Quýt, đặc biệt là nhà ông Trần Văn Hy (Hai Hy) là nơi diễn ra Hội nghị Trung ương 6 từ ngày 6 đến 8-11-1939, quyết định cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ”, ông Trần Thái Bình cho biết.
Quyết định khởi nghĩa
Ông Lê Văn Nhật, năm nay 78 tuổi, gọi bà Nguyễn Thị Sóc là dì ruột, được giao giữ căn nhà số 98/4 tổ 4, ấp Tây Lân, là nơi diễn ra các cuộc họp của Xứ ủy Nam kỳ trong những năm 1936-1939. Ông Nhật nhớ lại: “Dì tui đi theo cách mạng từ năm 13 tuổi, có thời kỳ làm giao liên cho Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và nhiều đồng chí trong Xứ ủy. Những ngày diễn ra Hội nghị Trung ương 6, khi bị động, nhiều đồng chí đã về trú tại các căn hầm phía sau vườn”.
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Sóc hiện là nơi thờ cúng họ tộc và những chiến sĩ cách mạng 18 thôn Vườn Trầu. Trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 6, các đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn… đã được nuôi giấu tại đây, và ở căn nhà này đã diễn ra nhiều cuộc họp bàn, trước khi có những quyết định quan trọng của Trung ương. Thế nhưng, Hội nghị Trung ương 6 lại diễn ra tại nhà ông Hai Hy, từ ngày 6 đến 8-11-1939, với sự tham gia của các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Lê Duẩn… Tại hội nghị này, sau khi phân tích tình hình Đông Dương và thế giới lúc bấy giờ, Trung ương Đảng đã đi đến xác định mục tiêu là “đánh đổ đế quốc Pháp, chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc”, tạm gác khẩu hiệu “cách mạng ruộng đất”. Tính chất của cuộc cách mạng Đông Dương cũng được chuyển hướng là “cách mạng dân tộc giải phóng”…
Trong nhiều tài liệu của Đảng giai đoạn 1936-1939 đều xác định sự chuyển hướng này là chủ trương tiên quyết của Trung ương Đảng chỉ đạo các địa phương Nam kỳ lúc bấy giờ, tập trung vào xây dựng lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa khi thời cơ đến. Nội dung Nghị quyết Trung ương 6 chỉ ra: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác là con đường đánh đổ thực dân Pháp, chống ách ngoại xâm để giành lấy độc lập dân tộc”. Nghị quyết tạo một luồng gió mới tiếp thêm sinh khí cho phong trào cách mạng trên cả nước.
Nam kỳ rung chuyển
Bà Bùi Thị Vân (Bảy Vân), năm nay 87 tuổi, là con gái ông Bùi Văn Ngữ, giới thiệu với chúng tôi về căn nhà số 28/2 ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, nơi 79 năm trước cha bà và người bác Bùi Văn Thủ, Xứ ủy viên Nam kỳ, cùng các đồng chí trong Xứ ủy họp bàn, chỉ đạo khởi nghĩa. Căn nhà được xây theo lối cũ, mái ngói âm dương, cột gỗ bao quanh, chính giữa nhà là bàn thờ tổ, hai bên treo di ảnh những người trong gia tộc đã quá cố, trong đó có ảnh ông Bùi Văn Thủ, Bùi Văn Ngữ. Chỉ ra phía sau nhà, bà Bảy Vân nói: “Ngày trước, xung quanh đây là hầm. Ba tui và các đồng chí trong Xứ ủy họp ở 2 gian nhà bên cạnh, có động là thoát ra ngoài nhảy xuống hầm”.
Ở xã Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn), căn nhà của bà Hai Hương tại số 20 Trần Văn Mười cũng được Xứ ủy Nam kỳ chọn làm nơi hội họp. Theo lời kể của nhiều nhân chứng, từ ngày 21 đến 23-9-1940, Xứ ủy Nam kỳ họp tại nhà bà Hai Hương. Đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy, nhận định, tình hình quân Pháp gặp nhiều khó khăn, tinh thần suy sụp; còn quân Nhật thì mới vào đặt chân đến nên chưa vững. Về phía ta, tuy tổ chức chưa được củng cố, phong trào chưa đủ mạnh, nhưng do Nhật - Pháp đang đánh nhau nên hội nghị cho rằng thời cơ đã đến. Lúc đó, phong trào quần chúng cũng đang sôi sục đòi phải khởi nghĩa. Hội nghị trao cho Thường vụ Xứ ủy quyền ra lệnh khởi nghĩa sớm…
Cũng theo nhiều nhân chứng kể lại, sau Hội nghị Xứ ủy ở nhà bà Hai Hương, không khí khởi nghĩa lan ra khắp các làng ở quận Hóc Môn, từ Tân Thới Tam, Tân Thới Tứ (nay là xã Thới Tam Thôn), Tân Hiệp, Xuân Thới Thượng, sang Tân Đông Thượng, Tân Thới Hiệp… Đâu đâu cũng hừng hực khí thế khởi nghĩa, nhà nhà chuẩn bị tầm vông vạt nhọn, giáo mác, gậy gộc chờ lệnh. Triển khai chỉ thị của Hội nghị Xứ ủy, Tỉnh ủy Gia Định còn tổ chức các bộ phận tham mưu, tuyên truyền, hậu cần, phá hoại… ở các quận để tập hợp lực lượng, lên phương án khởi nghĩa.
Thế nhưng, trước đó vào các ngày 6, 7 và 8-11-1940, tại Đình Bảng, Bắc Ninh, Hội nghị Trung ương 7 đã phân tích tình hình giữa ta và địch thấy có bất lợi nên chỉ thị hoãn cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ. Đồng chí Phan Đăng Lưu được Trung ương giao nhiệm vụ vào Nam kỳ truyền lệnh hoãn này. Đồng chí Phan Đăng Lưu đang trên đường vào thì ngày 20-11, tại ngôi nhà của bà Hai Hương, Thường vụ Xứ ủy đã phát lệnh khởi nghĩa. Hàng vạn người dân vùng Gò Vấp, Hóc Môn, Bà Điểm nhất tề đứng lên làm cuộc khởi nghĩa võ trang chiếm giữ nhiều đồn bót, dinh thự của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất.
Do lực lượng ta chủ yếu sử dụng vũ khí thô sơ nên không thể chống trả lại quân Pháp phản công, đến chiều tối 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa đành thất bại, nhân dân Hóc Môn, Gò Vấp bị khủng bố, đàn áp dã man. Đã có hàng ngàn chiến sĩ, đồng bào ta bị giặc Pháp bắt, giết hại, dìm phong trào đấu tranh cách mạng của Hóc Môn và Nam kỳ trong cảnh đầu rơi, máu chảy. Nhưng cuộc đấu tranh của nhân dân ta thời kỳ ấy đã hun đúc tinh thần cho các cuộc đấu tranh sau này giành được những thắng lợi vẻ vang.