Sáng 28-4, Thành ủy TPHCM long trọng tổ chức Họp mặt kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2021).
Dự buổi họp mặt có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM… cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, gia đình các Mẹ Việt Nam anh hùng, các nhân chứng lịch sử…
Tại buổi họp mặt, nhiều chứng nhân lịch sử với mái đầu đã bạc và rất nhiều huân huy chương trên ngực rơm rớm nước mắt, đôi lúc giọng lạc đi khi nhớ về những năm tháng tuổi trẻ đã dấn thân vào cuộc đấu tranh lớn vì độc lập dân tộc. Những câu chuyện mà ở thời bình thật không dễ tưởng tượng.
Gặp gỡ Luật sư Triệu Quốc Mạnh - nguyên Đô trưởng Cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, ông không khỏi xúc động khi nhắc nhớ về những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975.
Khi ấy, ông là một đảng viên, là cơ sở nội tuyến trong lòng địch. Khi Dương Văn Minh chuẩn bị lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã mời ông Triệu Quốc Mạnh làm cảnh sát trưởng. Một ông luật sư lại được mời làm cảnh sát trưởng trong bối cảnh rối ren, phe phái gay gắt, nghĩ không chừng bị ám sát như chơi. Nhưng nhận thấy đây là việc có lợi cho cách mạng, đến sáng 29-4 ông chính thức nhận lời.
Ông bắt tay ngay vào việc, giải tán lực lượng cảnh sát đặc biệt. Dưới sự chỉ huy của ông, lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định đã án binh bất động, góp phần cho thắng lợi của cách mạng ngày 30-4.
Và người chia sẻ khát khao hòa bình cháy bỏng ấy, là một chứng nhân đặc biệt khác của lịch sử dân tộc: Anh hùng Lao động, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc nhân dân Trần Đông A. Ông từng là thiếu tá, bác sĩ trong bộ máy chính quyền Sài Gòn trước năm 1975.
Tiếng tăm của ông trong ngành y khoa không chỉ trong nước mà cả thế giới mấy chục năm qua đã phải nể phục. Tại buổi gặp gỡ, nhiều lần ông phải dừng nói, bởi tiếng vỗ tay không ngớt của những người nghe trước câu chuyện của ông.
Ông nói: “Tôi vinh dự được phục vụ nước Việt Nam hòa bình, thống nhất và có đóng góp nhất định cho đất nước”. Ông kể về ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức năm 1988 cho đến ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi vào 7-2020, nói rằng đó là vinh dự của mình khi được tin tưởng giao trọng trách, chọn ông làm trưởng kíp, phẫu thuật viên chính của ca mổ Việt – Đức, là ca mổ chưa từng có tiền lệ. Lúc đó Việt Nam đang bị cấm vận, điều kiện quá khó khăn, nhưng ca mổ thành công đã gây được tiếng vang lớn trên thế giới.
Sau 32 năm, với ca mổ song nhi, Giáo sư Trần Đông A được mời làm trưởng tham vấn của ca mổ. “Nếu như 32 năm trước trong kíp chỉ mình tôi được đào tạo nhi khoa, thì nay, các đồng nghiệp, học trò của tôi đều được đào tạo về nhi. Đó là niềm vinh dự, hạnh phúc vì tôi cũng góp phần vào sự đào tạo đó và được chứng kiến sự tiến bộ của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất chẳng những về kinh tế mà còn về y tế”, bác sĩ Trần Đông A nói.
Ông chia sẻ thêm, mỗi năm đến ngày 30-4 ông đều rất xúc động, bởi đất nước hòa bình, thống nhất chính là ước mơ ấp ủ bao lâu. Ước mơ mà đời ông nội và cha của ông chưa thể làm được, nay trở thành hiện thực chính là động lực giúp ông vượt qua mọi khó khăn gian khổ, góp phần cho sự phát triển chung của đất nước.
Kể về kỷ niệm lần cuối cùng đơn vị vượt sông tiến về Tân Trụ (Long An) tháng 4-1975, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TPHCM nhớ lại, mọi khó khăn gian khổ đều vượt qua nhờ sự bao bọc chở che của người dân và lòng quyết tâm chiến đấu của những chàng trai tuổi 20 năm ấy. Trong cuộc chiến ác liệt, người dân phá cánh cửa nhà và phản nằm, tủ thờ để cho bộ đội làm nắp công sự chiến đấu… Ông gửi gắm, thế hệ trẻ ngày nay đừng quên những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc.
Mang trên ngực áo rất nhiều tấm huân chương, huy chương, ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cựu chiến binh Việt Nam - người 2 lần được phong Anh hùng thời kỳ đổi mới – tự hào nói: Tôi xuất thân từ người lính.
Được nữ MC gọi là “người hùng trong công tác từ thiện”, ông nói giản dị: Đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội, là trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng của người lính chúng tôi. Đó là sự đóng góp của rất nhiều doanh nhân cựu chiến binh cả nước, với tổng số tiền 338 tỷ đồng, trong đó gia đình góp 281 tỷ đồng.
Người cựu chiến binh anh hùng gửi gắm thế hệ trẻ - những người được sinh ra trong thời bình, được tiếp cận với khoa học công nghệ - hãy làm những việc xứng đáng với những tấm gương cha anh đã hy sinh cho nền độc lập hôm nay. “Đó là mong muốn lớn nhất của thế hệ chúng tôi khi cầm súng chiến đấu cho độc lập, thống nhất”, ông nói.
Gửi gắm cho chặng đường phát triển của TPHCM, GS.TS Đặng Lương Mô bày tỏ: việc TPHCM xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0, thực hiện chuyển đổi số là rất có cơ sở, đây là mục tiêu để đưa TPHCM trở thành TP thông minh, hiện đại, nghĩa tình. GS là một Việt Kiều, một nhà tri thức học tập, lao động ở nước ngoài, sau 40 năm trở về TPHCM đã mang khoa học công nghệ về ứng dụng vào thực tiễn giúp phát triển đất nước và TPHCM.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM Nguyễn Tri Quang, cho rằng, để xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của các thế hệ đi trước, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân TPHCM không ngừng dấn thân để gánh vác trách nhiệm không chỉ để làm giàu cho doanh nghiệp mà còn cho xã hội, cộng đồng. Do đó, Hội Doanh nhân trẻ TPHCM xác định mục tiêu là đột phá để tạo ý tưởng mới, lan tỏa các hoạt động. Đồng thời, mong muốn TPHCM tạo điều kiện cho doanh nhân nói lên tiếng nói của mình trong việc tham vấn xây dựng chính sách, sáng kiến để xây dựng TPHCM thông minh.
Là con liệt sĩ, anh Trương Tiến Dũng (sinh năm 1975), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM khẳng định sẽ xây dựng doanh nghiệp phát triển, sớm chuyển đổi số, đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, luôn nuôi dưỡng hoài bão xây dựng thương hiệu lớn, uy tín của TPHCM để lan tỏa ra cả nước và quốc tế.
Tiếp lửa hào khí 30-4
Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, sự kiện 30-4 là một trong những mốc son chói lọi nhất, là sự kiện mà thời gian càng lùi xa thì giá trị và ý nghĩa lịch sử càng to lớn hơn.
Với những câu chuyện đầy cảm xúc được chia sẻ tại buổi họp mặt, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, những thước phim, lời kể dù chỉ là đại diện, nhưng đã làm sống lại thời kỳ khốc liệt của cuộc chiến đấu, sự hy sinh cao cả, vĩ đại, vượt qua mọi thử thách “Không thể kể hết về sự hy sinh phi thường ấy. Để thực hiện khát vọng đất nước hòa bình, độc lập thống nhất mà bao lớp người sẵn sàng hy sinh tất cả”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nói.
Theo đồng chí, qua 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong dòng chảy chung của đất nước, TPHCM đã và đang tập trung xây dựng phát triển từng ngày và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương chiến sĩ thời bình lập nên nhiều chiến công xuất sắc trên khắp các mặt trận.
“Những câu chuyện cho chúng ta niềm vui lớn, niềm tin về những giá trị của lịch sử cũng như sự tiếp lửa và quyết tâm xây dựng đất nước, TPHCM theo hướng an thịnh nhân văn và rộng mở hơn”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nói.
Nhắc lại nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: Mục tiêu phát triển đất nước là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng Xã hội chủ nghĩa; đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định: tinh thần, hào khí 30-4 lịch sử mãi là ngọn lửa để các thế hệ hôm nay quyết tâm thực hiện khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam cường thịnh, TPHCM văn minh, hiện đại nghĩa tình.
“Điều mong muốn lớn nhất là mỗi công dân TPHCM đều ý thức được bổn phận của mình để sống xứng đáng, trước tiên là làm đúng và làm tốt phần việc của mình trên từng cương vị. Mỗi người đều làm tốt thì thành phố sẽ tốt”, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, trải qua 46 năm sau giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí vươn lên, quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, những thành tựu nêu trên là cơ sở, tiền đề quan trọng, quý báu để TPHCM tiếp tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa trong giai đoạn mới. |