Hào hùng căn cứ Hố Lang

Trong không khí kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, chúng tôi tìm về khu di tích căn cứ Hố Lang (phường Tân Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) - nơi ghi dấu một thời hào hùng, một trong những biểu tượng về tinh thần cách mạng bất khuất của quân và dân Bình Dương trong 2 cuộc kháng chiến. Vùng đất căn cứ xưa đang thay da đổi thịt từng ngày, trở thành đô thị văn minh, nghĩa tình.

Khu di tích cách mạng và du lịch sinh thái Hố Lang đang được đầu tư để trở thành điểm đến du lịch, giáo dục truyền thống
Khu di tích cách mạng và du lịch sinh thái Hố Lang đang được đầu tư để trở thành điểm đến du lịch, giáo dục truyền thống

Hố Lang là một trong những vị trí chiến lược quân sự cực kỳ quan trọng của tỉnh Bình Dương và cả khu vực Đông Nam bộ. Tại đây có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn của TP Dĩ An (Bình Dương) và TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và nhất là có thể quan sát được mọi hoạt động của sân bay quân sự Biên Hòa. Chính bởi vị trí đắc địa đó, Hố Lang được chọn làm căn cứ hoạt động cách mạng lâu dài trong suốt 2 cuộc kháng chiến. Anh Tống Thanh Dư, cán bộ Khu di tích cách mạng và du lịch sinh thái Hố Lang, giới thiệu cho chúng tôi dấu tích các hầm hào công sự được sử dụng hàng chục năm trước, giúp phác họa sinh động cuộc sống, chiến đấu quả cảm của quân dân Bình Dương và vùng đất miền Đông gian lao mà anh dũng.

Theo sách Lịch sử Đảng bộ và truyền thống xã Tân Bình, sau khi Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở đề-pô xe lửa Dĩ An (năm 1930), tiếp đó là chi bộ Bình Phước - Tân Triều (1935), rồi đến Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa ra đời, phong trào cách mạng của nhân dân trong vùng không ngừng phát triển, trong đó tinh thần cách mạng ở khu vực 2 xã Tân Hiệp và Bình Trị (nay là phường Tân Bình) lan tỏa mạnh mẽ, người dân dựa vào khu rừng Gò Mi (nơi có căn cứ Hố Lang) triển khai đánh du kích, lấy ít địch nhiều và giành không ít chiến công, góp phần vào các thắng lợi trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân thị xã Biên Hòa và khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Hố Lang là căn cứ chiến đấu của các lực lượng cách mạng, đóng góp lớn cho phong trào đấu tranh của quân và dân trong vùng, là vùng đệm quan trọng góp phần vào các chiến công lớn của chiến khu Thuận An Hòa (TP Thuận An ngày nay) và toàn vùng chiến khu Đ rộng lớn của khu vực miền Đông. Chiến công oai hùng còn ghi dấu nơi đây phải kể đến là trận đánh diễn ra vào tháng 2-1966 khi du kích xã Tân Hiệp đã chặn đánh một trung đội quân Mỹ càn vào căn cứ, khiến nhiều quân địch bị thương vong. 2 tháng sau, du kích xã Tân Hiệp lại lập nên chiến công mới, đánh tan cuộc càn quét của một đại đội lính Mỹ.

Ông Lê Đức Phong (sinh năm 1944, còn gọi là Hai Phong, ngụ phường Bình An) nhớ như in các trận đánh mà ông trực tiếp tham gia. Ông kể: “Trong trận chống càn tại khu căn cứ Hố Lang cuối năm 1966, tôi cùng quân dân 2 xã Tân Hiệp, Bình Trị sử dụng các vũ khí thô sơ tấn công bất ngờ, làm tiêu hao sinh lực của 1 tiểu đội lính Mỹ, bắt sống 1 tên, tạo khí thế để quân dân địa phương kiên cường, dũng cảm tiếp tục tổ chức nhiều trận chống càn, phối hợp cùng quân chính quy vây quét quân thù”.

Chứng kiến sự đổi thay ở vùng đất Tân Bình, Dĩ An, ông Hai Phong xúc động: “Ngày nay, Hố Lang không còn là vùng căn cứ bí mật lừng danh một thời nữa, mà đã trở thành một trong những địa bàn phát triển bậc nhất của TP Dĩ An. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND TP Dĩ An, vùng căn cứ địa cách mạng đã vươn mình thay da đổi thịt với hệ thống hạ tầng khang trang, bộ mặt đô thị văn minh, sạch đẹp, đời sống người dân ngày càng được nâng cao”.

Hiện nay, kinh tế - xã hội phường Tân Bình đã chuyển dịch sang thương mại - dịch vụ và du lịch, trong đó, khu căn cứ Hố Lang được UBND tỉnh đầu tư xây dựng thành Khu căn cứ cách mạng và du lịch sinh thái Hố Lang (diện tích 32ha), trở thành điểm nhấn trong tổ chức các hoạt động văn hóa - du lịch của TP Dĩ An và tỉnh Bình Dương. Theo ông Nguyễn Văn Yêm, Chủ tịch UBND phường Tân Bình, quy hoạch chi tiết khu di tích sẽ giữ lại toàn bộ các cây rừng quý như trắc, mật, bằng lăng... có tuổi đời cả trăm năm, đồng thời trồng bổ sung thêm nhiều cây mới, biến nơi đây thành “lá phổi xanh” của thành phố. Cùng với đó, nhiều hầm hào là nơi hoạt động cách mạng trước đây cũng sẽ được tôn tạo, bảo tồn để giáo dục ý thức cách mạng cho thế hệ sau về tinh thần quả cảm, bám đất, giữ làng của quân và dân Dĩ An.

Tin cùng chuyên mục