Háo hức trước giờ diễu binh, diễu hành

Những ngày cuối tháng Tư, khắp các tuyến đường trung tâm TPHCM rợp sắc cờ đỏ sao vàng, không khí háo hức lan tỏa trong từng ánh mắt, nụ cười của người dân khi cùng nhau hướng về lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dù là những cựu chiến binh từng bước qua thời khắc lịch sử, hay thế hệ trẻ sinh ra trong hòa bình, ai nấy đều mang trong lòng niềm xúc động khó tả...

Trân trọng và tiếp bước

Thấy chồng mình lặng lẽ ngắm những bức ảnh tại triển lãm “Âm vang Đại thắng mùa Xuân 1975 trong Điện ảnh” ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, bà Nguyễn Thanh Hiền giơ máy chụp hình. Cũng chính tại thành phố này 50 năm trước, ông Phạm Trọng Biên - chồng bà, là người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và tham gia tiếp quản Sài Gòn.
“Lúc đó thủ trưởng của tôi là Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản đầu tiên của thành phố. Không kể hết được niềm vui vỡ òa khi quân ta tiếp quản Sài Gòn, dù bộn bề khó khăn phức tạp nhưng anh em đã cố gắng hết mình để xây dựng, tái thiết thành phố”, ông Biên chia sẻ.

Ông Biên quê ở Bắc Ninh, cùng vợ vào nhà của người con trai tại quận 8 để xem lễ kỷ niệm 30-4. “Hai vợ chồng đã đi xem sơ duyệt, tổng duyệt diễu binh, diễu hành tại đường Lê Duẩn, không khí hào hùng như được sống lại ngày đại thắng. Tôi cũng rất hạnh phúc, tự hào chứng kiến quân đội ta ngày càng trưởng thành, vững mạnh như hôm nay. Hai vợ chồng cố gắng giữ gìn sức khỏe để ngày 30-4 đến sớm từ 3-4 giờ”, ông Biên bày tỏ.

Thế hệ của những cựu chiến binh như ông Phạm Trọng Biên đã già đi, như dòng chảy tự nhiên của thời gian. Tuy nhiên, khi thấy các gia đình đưa con cái đi xem triển lãm, các bạn trẻ thức đến sáng để chờ xem buổi tổng duyệt diễu binh, diễu hành và thấy tinh thần yêu nước lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc, ông Biên rất xúc động.

“Tôi không còn sợ rằng khi thế hệ chúng tôi qua đời thì những ký ức lịch sử sẽ bị lãng quên, bởi đã có các cháu thế hệ trẻ đang làm rất tốt việc giữ gìn những truyền thống quý báu của dân tộc”, ông Biên xúc động nói.

%4b.jpg
Người dân cất vang bài ca Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Ảnh: CẨM TUYẾT

Theo ý kiến của nhiều người, lịch sử sẽ không bao giờ mất đi, chừng nào còn có những thế hệ biết trân trọng, gìn giữ và tiếp bước. Những bàn tay mới, những trái tim mới của người trẻ sẽ thay thế hệ cha anh kể lại, lan tỏa những câu chuyện hào hùng của dân tộc…

Hòa chung không khí chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chị Trịnh Thị Mỹ Lệ (sinh năm 1992), Chi hội phó Chi hội Văn học nghệ thuật Khmer, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM, đã tham gia sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, tham gia biểu diễn văn nghệ chào mừng, cử hội viên tham gia khối diễu hành Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM. Bản thân chị cũng vinh dự là đại biểu khách mời tham dự lễ kỷ niệm vào sáng 30-4.

“Là thế hệ trẻ sinh ra trong hòa bình, tôi hiểu rõ trách nhiệm của mình. Tôi có dịp hòa giọng trong giai điệu Quốc ca hào hùng và tham gia nhảy flashmob cùng cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM; tham gia hoạt động mô phỏng phát thanh “Bản tin chiến thắng”, trang trí khu làm việc bằng việc treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc”, chị Mỹ Lệ chia sẻ.

Là cô gái Khmer lập nghiệp ở TPHCM, chị Mỹ Lệ càng trân trọng và hiểu thêm về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc những ngày này. “Những ngày sơ duyệt, tổng duyệt diễu binh, diễu hành, tất cả chúng ta gần như hòa chung làm một. Tôi đang rất hào hứng đợi đến ngày lễ 30-4”, chị chia sẻ.

$1a.jpg
Buổi tổng duyệt diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước chào mừng đại lễ 30-4 nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Có mặt tại TPHCM những ngày này, bạn trẻ Phan Bùi Phương Lam (sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM) cũng rất hào hứng. Với một người yêu thích bộ môn lịch sử và thường xuyên tham dự các cuộc thi chính luận như Lam, đây là cơ hội lớn để Lam được lắng nghe, gặp gỡ những chứng nhân lịch sử.

Năm 2023, Phương Lam tham gia cuộc thi Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Bộ GD-ĐT tổ chức, nội dung xung quanh cuộc đời, sự nghiệp và đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời dạy của Bác đối với thế hệ trẻ, các nội dung của Văn kiện Đại hội Đảng… Lam cũng tham gia cuộc thi Tự hào Sử Việt năm 2024 với chủ đề “Tự hào 50 năm thành phố anh hùng” do Thành đoàn TPHCM tổ chức và đoạt giải ba…

“Đối với em, giải thưởng này không chỉ là sự ghi nhận những nỗ lực của bản thân mà còn là động lực để giúp em có thể tiếp tục tìm hiểu về lịch sử và lan tỏa tình yêu lịch sử đến với thế hệ trẻ. Đặc biệt trong dịp 30-4 năm nay, tinh thần yêu nước của cả dân tộc sẽ tiếp thêm cho em rất nhiều động lực để tiếp tục cố gắng trong học tập, đóng góp cho xã hội, cho đất nước”, Phương Lam bộc bạch.

Tâm huyết và trách nhiệm

Trưa 28-4, tranh thủ nghỉ ngơi uống nước, chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1, chia sẻ với chúng tôi về công việc những ngày qua. Từ khi thành phố triển khai các hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm 30-4; cùng với số lượng lớn du khách đổ về TPHCM, nhất là trung tâm quận 1, công việc của công nhân vệ sinh càng vất vả.

Mỗi ngày, từ 4 giờ rưỡi sáng, chị Thủy bắt đầu công việc đến 3 giờ chiều, một số đồng nghiệp khác làm ca đêm từ 3 giờ chiều đến 2 giờ sáng hôm sau. Đặc biệt, trong những ngày có sự kiện lớn như sơ duyệt, tổng duyệt lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, công nhân tăng ca đến 4-5 giờ sáng.

Chị Thủy làm công việc này được 3 năm. Mặc dù quận 1 thường xuyên là trung tâm tổ chức nhiều sự kiện lớn của thành phố, nhưng chị chưa bao giờ chứng kiến sự kiện nào lớn và quy mô như lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Công việc dù có vất vả, chị vẫn cảm thấy rất vui vì không chỉ góp phần giúp thành phố sạch đẹp hơn mà còn được hòa vào không khí sơ duyệt, tổng duyệt diễu binh, diễu hành.

Những ngày này, công việc của lực lượng công nhân vệ sinh đô thị càng cực nhọc hơn ngày thường rất nhiều. Dù vậy, anh chị em trong tổ thường xuyên động viên nhau, không ai than vãn.

Chị Thủy bày tỏ: “Có hơi cực một chút nhưng được góp phần làm sạch thành phố trước, trong và sau lễ 30-4, thì anh em luôn ráng hết sức. Chúng tôi đã sẵn sàng để làm tốt nhiệm vụ được giao, giữ gìn vệ sinh cho thành phố để du khách đến với TPHCM thấy được một thành phố luôn luôn sạch sẽ và xinh đẹp”.

Là địa bàn diễn ra lễ diễu binh, diễu hành, Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho biết, quận đã tăng cường trang trí mảng xanh trước Hội trường Thống Nhất và dọc tuyến đường Lê Duẩn để chào đón đại lễ. UBND 10 phường cũng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân quét dọn vệ sinh sạch sẽ, treo cờ Tổ quốc; các đơn vị thu gom rác tăng cường thu gom để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Dự kiến khoảng 15.000 người tham dự buổi lễ, dù ban tổ chức đã bố trí nhà vệ sinh phục vụ nhu cầu của các đại biểu, khách mời và người dân, song quận 1 vẫn chủ động phối hợp với Công ty Dịch vụ công ích quận 1 lắp đặt 52 buồng vệ sinh lưu động phục vụ các đơn vị thi công lễ đài. Đồng thời, phối hợp với Công ty Môi trường đô thị TPHCM bố trí khoảng 300 buồng vệ sinh lưu động tại các tuyến nhánh dọc đường Lê Duẩn và các hướng tuyến có đoàn diễu binh, diễu hành đi qua để phục vụ cho các lực lượng tham gia cùng quần chúng nhân dân tham dự lễ.

Quận 1 và các phường Bến Nghé, Bến Thành đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp nhà vệ sinh miễn phí cho các lực lượng tham dự lễ, hỗ trợ cung cấp lắp đặt điện, nước cho các nhà vệ sinh lưu động…

Những ngày qua, bạn Khamsavath Bounmy (sinh viên Lào, đang theo học tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) có dịp chứng kiến các buổi sơ duyệt và tổng duyệt diễu binh, diễu hành chào mừng đại lễ 30-4. Mang theo chiếc máy ảnh nhỏ, Khamsavath Bounmy hòa vào dòng người và không ngừng ghi lại những khoảnh khắc đầy tự hào của các khối diễu binh, diễu hành, đặc biệt là có đoàn diễu binh của đại diện quân đội nước Lào.

Chia sẻ về trải nghiệm đặc biệt này, Khamsavath Bounmy bày tỏ: “Không khí tại TPHCM mấy ngày nay thật sôi động và rộn ràng, tôi chưa bao giờ được chứng kiến dòng người đông vui như vậy. Đặc biệt là khi biết có quân đội Lào sang diễu binh, tôi càng thấy vui và tự hào vì tình anh em thân thiết giữa hai nước. Tôi cảm thấy càng yêu thành phố mình đang sinh sống, học tập”.

Khamsavath Bounmy cho biết thêm, bạn định sẽ có mặt trước 2 giờ sáng ngày 30-4 để chọn được vị trí đẹp nhất, lưu lại những khoảnh khắc ý nghĩa này như một kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình học tập và trải nghiệm tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục