Những ngôn ngữ múa đầy sáng tạo
Liên hoan lần đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của thế hệ biên đạo trẻ tài năng (dưới 34 tuổi) của Việt Nam, hội tụ cùng các biên đạo Pháp và Scottland trên cùng một sân khấu múa quốc tế. Trong đó, có thể kể tới biên đạo và nghệ sĩ múa Trần Tiến Huy (Huy Trần), hiện đang làm việc tại Đức, là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên đảm nhận vai trò đồng Giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Pfalztheater Kaiserslautern, Đức.
Tác phẩm Đa chiều của anh mở ra cho công chúng những điểm nhìn khác nhau về cùng một vũ đạo, một sự kết hợp giữa hiệu ứng thị giác với những không gian, âm nhạc, ánh sáng, dàn cảnh và thiết kế sân khấu.
Liên hoan lần này cũng ghi nhận sự tham gia của nghệ sĩ và biên đạo Xuân Lê (người Pháp gốc Việt) từng đứng thứ 6 Giải vô địch trượt slalom thế giới thể loại freestyle năm 2009. Anh kết hợp tinh tế bộ môn trượt băng và múa để tạo nên ngôn ngữ vũ đạo độc nhất của riêng mình. Tác phẩm Vòng lặp của anh mang phong cách tối giản, là nơi con người, âm thanh và ánh sáng cùng dung dưỡng và hồi đáp. Khán giả sẽ có cơ hội đắm mình trong thế giới của đường băng nghệ thuật đầy chất thơ.
Cũng tại liên hoan, nghệ sĩ múa Nguyễn Duy Thành (Việt Nam) đã có phần biểu diễn nhiều màu sắc. Tác phẩm Thán của anh lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng và cách điệu ngôn ngữ hình thể của loại hình nghệ thuật này. Khởi nguồn từ niềm đam mê với hip hop, đến nay biên đạo và nghệ sĩ múa Nguyễn Duy Thành đã có hơn 16 năm theo đuổi sự nghiệp múa. Anh là một trong những nghệ sĩ đầu tiên tại Việt Nam kết hợp hip hop với ngôn ngữ múa đương đại và truyền thống Á Đông để tạo nên phong cách riêng biệt.
Đưa khán giả lại gần hơn với múa
Trong nước, múa đương đại, múa dân gian mang hơi thở đương đại đang là xu hướng được nhiều nghệ sĩ quan tâm. Song tất cả chỉ dừng ở đó, bởi không có nhiều chương trình nghệ thuật múa chuyên nghiệp. Khán giả đến xem cũng chủ yếu là người trong nghề hoặc liên quan đến nghề. Còn với các chương trình bán vé, khán giả không mấy mặn mà. Bởi thế, Hanoi Dance Fest 2019 được người trong nghề kỳ vọng, không chỉ là nơi trình diễn, giao lưu, học hỏi mà còn là cơ hội đưa múa đương đại xích gần khán giả hơn.
Biên đạo, nghệ sĩ múa Huy Trần chia sẻ: “Nghệ thuật đương đại nói chung và nghệ thuật múa đương đại nói riêng, đến thời điểm hiện tại không còn quá xa lạ với người Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn. Tuy vậy, để hiểu rõ hơn về các thể loại ngôn ngữ chuyển động và loại hình nghệ thuật đương đại, vẫn cần rất nhiều thời gian cho khán giả, cần sự cởi mở hơn từ khán giả, cần sự kết nối từ biên đạo, diễn viên cho tới người xem”.
Các nghệ sĩ đều nhận định, đây là thử thách chung của nghệ thuật và cũng là một trong những thử thách mà các nghệ sĩ tham gia vào Hanoi Dance Fest 2019 phải đối mặt.
“Cá nhân tôi với sự thành công hiện có, tôi muốn khán giả Việt Nam nói chung và các bạn trẻ yêu nghệ thuật nói riêng biết rằng, chúng ta hãy cố gắng nhiều hơn, chăm chỉ hơn và tự tin hơn vì con người Việt Nam hoàn toàn có khả năng vươn xa ra ngoài mảnh đất hình chữ S”, nghệ sĩ Huy Trần chia sẻ.
Ban tổ chức cũng như các nghệ sĩ đều kỳ vọng, Hanoi Dance Fest 2019 tạo ra được một sân chơi cho các biên đạo trẻ tài năng, khuyến khích những ý tưởng mới mẻ cũng như những hợp tác đa ngành phong phú giữa các biên đạo trong nước và quốc tế.