Chuyện dở khóc, dở cười
Hơn 16 giờ 30, đang là giờ thăm bệnh hàng ngày tại Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5, TPHCM). Hàng chục người xếp hàng chờ vào thang máy theo sự hướng dẫn của nhân viên bệnh viện. Cửa thang máy mở ra, những người xếp hàng phía trên được nhân viên hướng dẫn ra hiệu tới lượt đi vào. Bỗng từ hàng sau, một người phụ nữ chen lên: “Cho tui vào đi anh!”.
Vừa nói, người này vừa chạy tọt vào thang máy, trước ánh mắt ngỡ ngàng của nhiều người đang đứng đợi. “Không được! Chị ra đi. Có người đợi mấy chục phút kìa!”, dù bị anh nhân viên nhắc nhở, nhưng phụ nữ ấy vẫn đứng lì trong thang máy. Tới khi nhắc lần thứ hai, chị này mới vùng vằng bước ra khỏi thang máy, còn hậm hực nói “Không được thì thôi. Làm gì ghê vậy!”.
Chị Đặng Hoa xếp hàng gần đó, lắc đầu: “Người gì đâu đã không chịu xếp hàng còn phản ứng kiểu đó. Ở đây, ai chẳng vội đi thăm người thân. Nhiều người như tôi chờ nãy giờ hơn 20 phút mà còn chưa tới lượt. Ý thức quá kém. Có nhân viên hướng dẫn mà còn vậy!”.
Cũng ở khu vực này, khi thang máy quá tải do đông người vào, người hướng dẫn mời vài người ra bớt nhưng không ai chịu bước ra.
Thang máy của tòa nhà B.F. (quận 1) chật cứng người. Mới tới tầng đầu tiên, đã nghe tiếng la í ới của 2 thanh niên đứng tuốt phía trong xô đẩy mọi người để đi ra: “Cho tui ra! Cho tui ra!”. Vậy là 5 - 6 người phải bước ra khỏi thang máy, nhường đường cho 2 thanh niên, rồi lại bước vào đi tiếp.
Tiếp đó, thang máy đang chạy lên thì mọi người lại tiếp tục nghe tiếng oang oang từ một chị gái mặc đồ ngắn cũn, đang nói qua điện thoại với người yêu: “Anh tới tầng chiếu phim chưa? Em đang ở trong thang máy nè. Khiếp, trong này đông lắm, em không thở nổi đây này. Mua vé, nước ngọt và bắp rang ngồi đợi em nha. Lên liền nè. Chụt chụt”. Không ít người đi chung thang máy với cô gái đó phải ngao ngán vì cách nói chuyện riêng tư trong thang máy như ở chốn không người.
Chị T.D. (ở chung cư T.H., quận Tân Phú) than rằng: “Cứ mỗi buổi chiều lại có một bà giúp việc không biết của nhà nào ở trên tầng 3 bế em bé vào thang máy để… dỗ ăn cơm. Bà này bấm nút cho thang máy liên tục chạy lên chạy xuống, vừa xúc thức ăn cho bé vừa hát hò, đùa giỡn đủ kiểu. Tôi phải nhắc bà ấy mấy lần. Không chỉ vậy, có lần đang trong thang máy đi xuống, mọi người hốt hoảng khi nghe tiếng khóc thất thanh của em bé, thì ra đứa nhỏ khóc vì không được bấm số thang máy như mọi lần. Lại có lần, cô lao công phàn nàn có ai đó nhậu say, nôn trong thang máy, mà không bị nhắc nhở hay xử phạt”.
Học cách đi thang máy
Việc người lớn để trẻ con đi thang máy một mình rất nguy hiểm, vừa dễ bị lạm dụng lại vừa có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng do trẻ thường bấm nút lung tung, gây ảnh hưởng hệ thống thang máy.
Nói về cách sử dụng thang máy, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (cư dân chung cư M., quận 2) kể: “Tại một số trung tâm thương mại, tôi vẫn thấy cảnh thang máy vừa mở cửa, người bên trong chưa kịp ra thì người bên ngoài đã ùn ùn chen vào. Vì không gian trong thang máy nhỏ hẹp nên cần tránh xô đẩy, tránh cười đùa ầm ĩ, tránh nói chuyện điện thoại lớn tiếng làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Khi thang máy báo quá tải, những người ở gần cửa thang máy nên tự động bước ra ngoài để thang máy hoạt động bình thường".
"Đặc biệt, nên nhường cho phụ nữ, trẻ em và người già, người tàn tật vào thang máy trước. Tôi thấy văn hóa đi thang máy ở Nhật Bản rất hay. Họ có những quy tắc ngầm đi thang máy mà phần lớn người dân đều nắm: Ai vào thang máy đầu tiên sẽ có nhiệm vụ giữ thang cho tất cả mọi người; khi vào thang máy thì không nói chuyện và gọi điện thoại ồn ào. Hành xử văn hóa khi đi thang máy là một trong những kỹ năng sống cần thiết mà cả người lớn lẫn trẻ con đều phải biết”, chị Thảo chia sẻ thêm.
Không đơn giản chỉ là bước vào bước ra, việc hành xử văn hóa khi đi thang máy cũng là một trong những thước đo trình độ văn minh và ý thức tự trọng của mỗi người. Có nhiều quy tắc “ngầm” trong việc sử dụng thang máy mà chúng ta phải học để được tôn trọng và không làm phiền người khác.