- Manh động, hung hãn
Thời gian gần đây, nhiều vụ án giết người man rợ khiến xã hội bàng hoàng, cụ thể như vụ án Nguyễn Thế Điểm (TP Hải Phòng) dùng gậy đập nhiều nhát vào đầu của 3 người, sau đó dùng xăng đốt, làm 3 người tử vong; vụ án Lê Nguyễn Minh Tuấn (tỉnh Nam Định) dùng súng bắn chết 2 người; vụ Trần Văn Nam (tỉnh An Giang) do mâu thuẫn tình cảm đã dùng xăng đốt nhà bạn gái làm 2 người chết; vụ án Bùi Văn Phiên (tỉnh Hòa Bình) dùng dao chém gia đình vợ làm 1 người chết, 3 người bị thương...
Gần đây nhất, tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, 1 tài xế taxi dùng dao đâm nhiều nhát khiến cô gái bán quần áo tử vong tại chỗ; vụ án Giáp Thị Huyền Trang (TP Hà Nội) bắt cóc bé gái đòi tiền chuộc, sợ bị phát hiện nên đã giết nạn nhân và sau đó tự tử.
Hiện trường vụ án giết cô gái bán quần áo ở tỉnh Bắc Ninh |
Cũng tại TP Hà Nội, vụ án phân xác rồi phi tang xuống sông Hồng của đối tượng Tạ Duy Khanh (sinh năm 1985, trú tại Khu đô thị Vinhome Ocean Park, Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) diễn ra gần đây khiến dư luận bàng hoàng và căm phẫn bởi hành vi mất nhân tính của Khanh.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, thông tin, chỉ vì món nợ 50 triệu đồng mà Tạ Duy Khanh đã tước đoạt mạng sống của nữ sinh Hồ Yến Nhi. Nguyên nhân sâu xa của vụ án trên, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ; tội ác của đối tượng sẽ có pháp luật trừng trị, nhưng hành vi mất tính người của Khanh thì không ai tha thứ.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi phạm tội của các đối tượng trong nhiều vụ án giết người vừa qua là rất manh động, hung hãn, man rợ, xuất phát chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống. Qua các vụ trọng án trên, đặt ra cho các cơ quan tố tụng cũng như người dân cần có giải pháp để phòng ngừa loại tội phạm này.
Tội phạm từ lối sống ích kỷ, vô cảm
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ án mạng có tính chất manh động, tàn nhẫn. Luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích, hầu hết các vụ giết người có liên quan tới vật chất. Khi có mâu thuẫn xảy ra liên quan đến lợi ích vật chất nhưng không được giải quyết, các bên có thể bất chấp pháp luật, sử dụng vũ lực để thỏa mãn sự bực tức, hận thù cá nhân.
Chân dung Giáp Thị Huyền Trang bắt cóc bé gái đòi tiền chuộc, sau đó giết nạn nhân rồi tự tử |
PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng, mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống vẫn thường xảy ra, nhưng với những người nhận thức còn hạn chế, nhất là hạn chế kiến thức về pháp luật, thì khó điều chỉnh được hành vi, dễ gây ra tội ác. Những người gây án thường có nền tảng giáo dục hạn chế, phần đông không được giáo dục về lòng yêu thương, tính nhân văn, sự độ lượng, thường sống theo bản năng và làm mọi việc theo ý thích của bản thân.
PSG-TS Đỗ Cảnh Thìn cũng nhìn nhận, áp lực cuộc sống hiện nay tác động vào xã hội, sức ép về việc làm, về mưu sinh, tranh chấp, tiền bạc cũng chi phối giá trị sống của một bộ phận người dân, dẫn đến lối sống thực dụng, ích kỷ, vô cảm và sinh ra tội phạm. Những xung đột tích tụ, dồn nén lâu ngày, khi có điều kiện rất dễ dẫn đến những hành vi nguy hiểm.
Theo Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học), mẫu số chung của các vụ án tội phạm nói chung và án mạng nói riêng là do sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Đây được xem là thủ phạm giấu mặt, từ việc sống ích kỷ, vì lợi ích cá nhân, chạy theo vật chất, chạy theo danh lợi, vô cảm… Trong bối cảnh như vậy, gặp tình huống bất lợi, con người sẵn sàng “xù lông” để làm mọi việc, miễn đạt được mục đích về vật chất, kể cả bất chấp pháp luật và dù người đó có học thức cao trong xã hội.
Lý giải thêm tâm lý tội phạm trước khi thực hiện hành vi, TS Đào Trung Hiếu cho hay, người phạm tội hoàn toàn biết việc mình làm, sẵn sàng bước qua chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức pháp luật để đạt được mục đích của mình.
“Những vụ án xảy ra không phải do nhận thức của đối tượng bị hạn chế, mà ngược lại hiểu rất rõ, nhưng vẫn làm bởi vì tâm tham của họ lớn, vượt qua mọi rào cản. Tất cả các đối tượng khi gây án đều có tâm lý sợ bị phát hiện, bị bắt giữ, nhưng vẫn làm vì họ hy vọng có thể trốn tránh và che giấu để thoát tội”, TS Đào Trung Hiếu nêu ý kiến.
Theo Tòa án nhân dân tối cao, từ đầu năm đến nay, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý thủ tục sơ thẩm hơn 2.200 vụ án giết người đối với hơn 4.400 bị cáo; đã xét xử gần 2.000 vụ với hơn 3.300 bị cáo (so với năm 2022, thụ lý tăng hơn 380 vụ với 1.000 bị cáo, xét xử tăng 352 vụ với 714 bị cáo).