Chiếc áo dài trong giấc mơ thơ bé
Từ nhỏ, Phương Thảo rất thích làm cô giáo, do mê nhìn hình ảnh hai người dì ruột mặc áo dài đẹp khi đi dạy học. Thế là trong những lúc “chơi nhà chòi” với đám bạn cùng xóm, Phương Thảo thường rủ bạn chơi trò “cô giáo dạy học” và bao giờ cũng giành phần làm cô giáo. “Cô Thảo” bắt các bạn ngồi xếp hàng theo thứ tự, rồi đứng phía trước dạy các trò học bài; rầy la các học trò nào không chịu ngồi yên nghe cô giảng bài... Như “có ngồi yên học bài hông, cô đánh bây giờ”, hay “em giỏi lắm, cô cho em điểm 10”... dù lúc đó Thảo chẳng hiểu gì về điểm 1, điểm 10 viết ra sao?... Cứ như thế, hình ảnh chiếc áo dài và trò chơi “cô giáo dạy học” với các bạn lúc nhỏ như hun đúc giấc mơ làm cô giáo của Phương Thảo ngày một lớn thêm.
Học hết lớp 12, Phương Thảo thi vào Trường THSP tỉnh Long An (nay là Trường CĐSP tỉnh Long An). Sau 2 năm theo học, Phương Thảo ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, được ưu tiên chọn về huyện nhà dạy học. Thấm thoát mà đến nay thời gian đứng lớp đã 29 năm ròng và giờ đây được phong tặng danh hiệu cao quý, giống như một giấc mơ không bao giờ dám nghĩ tới…”, cô Phương Thảo xúc động nói.
Hết lòng với nghề
Ngày mới ra trường, với mong muốn được cống hiến cho quê hương, cô giáo trẻ Phương Thảo nhận nhiệm vụ ngay. Khi về công tác ở điểm trường Thanh Bình 2 (thuộc Trường Tiểu học Việt Lâm), thì giấc mơ làm “cô giáo dạy học” bị khựng lại. Bởi lúc đó, Trường Tiểu học Việt Lâm thuộc vùng sâu, khó khăn nhất của huyện. Điểm phụ Thanh Bình 2 càng thiếu thốn hơn. Thời đó, ai về dạy ở điểm trường này giống như “bị đày” do hẻo lánh, trường lớp tạm bợ…
Thực tế không giống như giấc mơ, nên ít nhiều làm cho cô giáo trẻ lo lắng liệu mình có bám trụ nổi hay không?. “Ngôi trường chỉ là mái lá tạm bợ, nằm lọt thỏm trong khu đất trống. Con đường đất vào trường thì lầy lội, còn phòng học trống huơ với mấy dãy ghế xiêu vẹo đặt trên nền đất nhấp nhô. Mỗi khi trời mưa, nước tràn vào khiến việc dạy và học trên nền đất lầy lội...”, cô Phương Thảo kể lại. Vất vả là vậy, nhưng khi đến trường thì những cực nhọc nhanh chóng tan biến, bởi hình ảnh đáng thương của các em học sinh thân yêu đội mưa, lội bùn đến lớp mỗi ngày.
Cô Phương Thảo bộc bạch: “Nhiều em ở vùng sâu này có hoàn cảnh khó khăn, nhà nghèo, cha mẹ đi làm xa nên việc chăm sóc, dạy dỗ thêm ở nhà gặp hạn chế. Thế là bản thân mình cũng như các giáo viên ở đây, cảm thấy trách nhiệm hơn”.
Anh Mai Thanh Tùng (hiện là bảo vệ của Trường Tiểu học Việt Lâm) chia sẻ: “Trước đây gia đình khó khăn, cha mẹ tôi phải đi ghe lưới kiếm sống, nên nhiều lúc tôi muốn nghỉ học để phụ giúp gia đình. Cô Phương Thảo biết chuyện, liền đến gia đình động viên đi học lại. Sau này tôi cố gắng học đến cao đẳng công nghệ thông tin, cũng nhờ cô động viên, giúp đỡ...”.
Chị Trương Thị Hoàng Yến, giáo viên ở huyện Châu Thành, bộc bạch: “Ngày trước tôi từng là học trò của cô Phương Thảo ở bậc tiểu học. Cô rất thương học sinh, ai khó khăn cô tận tình giúp đỡ. Học sinh nào bài chưa hiểu, cô chỉ dạy đến thuộc, đến hiểu bài mới thôi. Nhờ đó mà tỉ lệ học sinh lưu ban, bỏ học hàng năm là 0%; tỉ lệ học sinh lên lớp thẳng và hoàn thành chương trình học đạt 100%. Nhiều học sinh của cô bây giờ trở thành đồng nghiệp, cùng tham gia tích cực vào sự nghiệp giáo dục ở quê hương. Cũng vì mê phương pháp giảng dạy của cô nên tôi nỗ lực học thật tốt để sau này được làm cô giáo như cô”.
Xứng danh nhà giáo nhân dân
Khi biết tin cô Phương Thảo được phong tặng danh hiệu NGND, nhiều giáo viên Trường Tiểu học Việt Lâm rất mừng nhưng không quá bất ngờ, bởi ai cũng nghĩ cô hoàn toàn xứng đáng. Thầy Đỗ Hữu Tùng (giáo viên khối 5) cùng nhiều giáo viên khác từng đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện cũng nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của cô Phương Thảo.
Thầy Đặng Công Sanh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Việt Lâm, cho biết: “Cô Phương Thảo là giáo viên rất yêu nghề, là người truyền lửa tình yêu nghề nghiệp đến với các đồng nghiệp. Vì vậy, các thầy cô ở đây rất quý mến cô...”.
Cũng theo thầy Sanh, cô Phương Thảo rất chủ động, tích cực sáng tạo trong giảng dạy; luôn nghiên cứu bài kỹ và chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với nội dung từng bài học, trình độ của học sinh. Phương pháp dạy học của cô rất sinh động, thu hút các em tập trung học tập. Cô thường xuyên sử dụng đồ dùng dạy học, tranh ảnh nhằm giúp tiết học sinh động, phong phú.
Ngoài ra, cô còn có cách dạy mới là không yêu cầu các em học sinh ghi nhớ đúng từng câu chữ trong sách, trong tập, mà các em có thể diễn đạt theo cách hiểu của mình. Nhờ những phương pháp dạy ấy, nên học sinh tiếp thu bài tốt hơn và hứng thú học tập. Đặc biệt, cô Phương Thảo có nhiều sáng kiến dạy học được ứng dụng trong trường. Như sáng kiến kinh nghiệm giúp học sinh yếu giải toán “tìm 2 số khi biết hiệu và tỉ số của 2 số đó”, được ứng dụng cho học sinh khối 4 từ năm học 2012-2013 đến nay. Sáng kiến “một số kinh nghiệm trong chủ nhiệm lớp”, được ứng dụng trong học sinh toàn khối 4 từ năm học 2017-2018. Hay sáng kiến “kinh nghiệm giảng dạy các yếu tố hình học lớp 4”, được ứng dụng cho học sinh khối 4 từ năm học 2018-2019 đến nay...
Ngoài việc tận tâm với nghề, với đồng nghiệp, cô Phương Thảo còn tích cực tham gia công tác xã hội. Như phong trào phổ cập giáo dục tiểu học, cô tham gia rất tích cực vào việc vận động học sinh ra lớp, điều tra trình độ dân trí trên địa bàn xã. Hàng năm đều tham gia giảng dạy phổ cập chống mù chữ cho người dân ở địa phương, làm tốt công tác tuyển sinh vào lớp 1 của trường, đảm bảo 100% học sinh trên địa bàn vào học lớp 1 đúng độ tuổi. Cô còn tham gia công đoàn rất tích cực, chủ động vận động giáo viên trong trường (40 giáo viên) mỗi tháng trích tiết kiệm 200.000 đồng tiền lương để làm quỹ công đoàn, hỗ trợ cho những giáo viên khó khăn đột xuất, ốm đau... Cô cũng tích cực vận động ủng hộ quỹ mua tập sách phát thưởng dịp cuối năm cho các em học sinh nghèo học giỏi… Sau 29 năm giảng dạy, cô Phương Thảo nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp huyện và cấp tỉnh; 5 lần nhận được bằng khen của UBND cấp huyện và cấp tỉnh. Năm 2010, cô được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú…
Thầy Nguyễn Thanh Tiệp, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An, nhận xét: “Điều kiện, tiêu chuẩn để xem xét phong tặng danh hiệu NGND rất khó. Phải là người có quá trình phấn đấu liên tục, lâu dài, đạt nhiều thành tích tiêu biểu; phải được sự đồng thuận của nhiều giáo viên các cấp… Ở đây, cô Phương Thảo đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xét duyệt tặng danh hiệu cao quý trên. Đặc biệt, cô Phương Thảo còn được địa phương, học sinh, phụ huynh, giáo viên tại trường quý mến. Cô nhận được sự ủng hộ, tín nhiệm cao của hội đồng xét duyệt cấp huyện, cấp tỉnh…”.
Khi hay tin mình được phong tặng danh hiệu NGND, cô Phương Thảo cho biết rất mừng nhưng cũng lo lắm. “Thời gian qua nhanh và bản thân còn khoảng 7 năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu, do đó cần phải cố gắng làm tốt hơn nữa công việc đứng lớp của mình và hỗ trợ hết lòng cho những giáo viên trẻ các kinh nghiệm mà mình tích lũy được trong mấy chục năm đứng lớp. Mục tiêu xuyên suốt là mong muốn ngôi trường ngày càng phát triển và là nơi đào tạo nhân tài cho quê hương…”, |