Xử lý gần 99% điểm ô nhiễm về rác
Không chỉ trong đợt kết thúc thi đua 200 ngày quận 9 mới xóa được 88/88 điểm đen về ô nhiễm môi trường, mà Chỉ thị 19-CT/TU (về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”) đã được cả hệ thống chính trị của quận thực hiện nghiêm túc ngay sau khi được ban hành. Nhờ vậy mà quận 9 có những công viên xanh ngát, quanh năm các loại hoa đua nhau khoe sắc, như công viên Thanh Niên (khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A) thay cho hơn 1.500m2 bãi rác trước kia.
Đó còn là khu vui chơi Bắc Rạch Chiếc (phường Phước Long A); điểm sinh hoạt văn hóa thiếu nhi khu phố Cầu Ông Tán (phường Long Bình); mảng xanh trước cổng Trường THCS Long Trường, đường Võ Văn Hát và chợ cũ Long Trường (phường Long Trường)…
Quận ủy Thủ Đức đã xác định nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đến các cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai, quán triệt cán bộ, đảng viên gương mẫu trong bảo vệ môi trường. Đặc biệt là việc tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan, triển khai các mô hình xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường.
Đến nay, trên địa bàn quận Thủ Đức có 19 vườn hoa, vườn cây, khu vui chơi, thể dục thể thao hình thành từ quá trình cải tạo, dọn dẹp điểm phát sinh rác, được cộng đồng dân cư xung quanh duy trì và quét dọn thường xuyên. Có thể kể đến những điểm, như khu vực đầu hẻm số 1 dọc theo tuyến đường số 2 (hướng ra đường Nguyễn Văn Bá, phường Trường Thọ) từ bãi xà bần, rác thải rộng hơn 800m2, nay đã thoáng đãng, có thêm cây xanh và thiết bị tập thể dục. Đó còn là những điểm đen trên đường Đặng Văn Bi (phường Trường Thọ), đường số 16 (phường Hiệp Bình Chánh), đường Lê Thị Hoa (phường Bình Chiểu)… nay trở thành công viên phục vụ người dân.
Các điểm tồn đọng rác thải ở khu vực trung tâm thành phố cũng được xử lý dứt điểm. Nhiều điểm tồn đọng rác nay đã chuyển thành mảng xanh, như khu vực xung quanh Nhà khách Chính phủ (phường 1) hay góc đường Hưng Long - Đào Duy Từ (phường 6) thuộc quận 10…
Theo UBND TPHCM, trong đợt thi đua 200 ngày chào mừng đại hội Đảng các cấp, các địa phương, đơn vị đã tập trung thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn TPHCM đã xử lý 814/824 (đạt 98,78%) điểm ô nhiễm về rác thải, trong đó, 124 điểm được chuyển hóa thành khu vực sinh hoạt cộng đồng.
Trong 200 ngày thi đua, qua thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU, hiện đã có 317/322 phường, xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí “Phường sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch” (đạt 98,44%, vượt chỉ tiêu là 90%). Ngoài ra, 100% phường, xã, thị trấn của toàn thành phố đã tổ chức 7.324 cuộc đối thoại và vận động hơn 2 triệu hộ dân ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch (đạt tỷ lệ 94,2%). |
Khơi dậy ý thức người dân
Điều đáng mừng hơn là nhận thức về việc bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng cao. Trong đó, hiện ở quận 10 không phát sinh điểm ô nhiễm mới về vệ sinh môi trường.
Ở các địa bàn khác, Chỉ thị 19 cũng len lỏi vào ý thức của người dân. Không cần hô hào hay những chương trình vận động, không ít người âm thầm tự làm nên những con đường đầy hoa, tô đẹp cho cuộc sống. “Có hoa là không có rác”, ông Phạm Văn Đoạn (xã Quy Đức, huyện Bình Chánh) - người tự tay trồng đường hoa mười giờ dài 500m từ đầu ngõ dẫn vào nhà mình - tự tin nói.
Ý tưởng của ông Đoạn đã lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng từ nhiều người dân. Nhờ vậy, nhiều tuyến đường khác ở các xã Quy Đức, Tân Nhựt, Hưng Long, Phong Phú, Bình Chánh và Đa Phước (huyện Bình Chánh) cũng đã có hoa mười giờ khoe sắc, thay thế vị trí những bãi rác trước đây.
Tuyến đường hoa thay cho những điểm rác tồn đọng cũng là những gì mà người dân ở khu vực đường Bờ Sông (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) đang tự hào.
Chia sẻ thêm về giải pháp đi đường dài trong bảo vệ những điểm xanh, ông Tống Viết Kỷ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Bình Tân, cho biết, tại 10 phường ở quận đều có câu lạc bộ (CLB) “Cựu Chiến binh bảo vệ môi trường”.
Các CLB này sẽ tham gia tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, người dân trên địa bàn tự giác thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, tham gia dọn dẹp vệ sinh đường phố; phối hợp xóa các điểm đen về rác, xây dựng mảng xanh, trồng cây xanh trên đường.
“Các CLB ra đời không chỉ giúp khu dân cư sạch sẽ mà còn nâng cao ý thức người dân cùng tham gia bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững những kết quả đạt được”, ông Tống Viết Kỷ khẳng định.
Theo đồng chí Lâm Đình Thắng, Bí thư Quận ủy quận 9, các kế hoạch của Quận ủy, các hoạt động cụ thể của chính quyền đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân. Họ không chỉ chung tay xóa điểm đen, cải tạo thành những không gian hữu ích mà còn góp phần quan trọng trong giữ vững những kết quả này.
* Đồng chí NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức Cơ hội để chỉnh trang đô thị Ban Thường vụ Quận ủy quận Thủ Đức nhận thức việc triển khai thực hiện Chỉ thị 19 chính là cơ hội và điều kiện thuận lợi cho quận trong việc thực hiện chỉnh trang đô thị. Quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện, hệ thống chính trị đã tham gia tích cực, đồng bộ, hiệu quả với nhiều giải pháp thiết thực và sáng tạo. Sự tham gia góp sức của đại bộ phận người dân trên địa bàn đã góp phần làm cho các nội dung của Chỉ thị 19 đi vào cuộc sống. * Ông NGUYỄN VĂN THƯỜNG, Trưởng Khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9 Tác động vào ý thức người dân Để những điểm xanh được duy trì, mọi chế tài đều không hiệu quả bằng ý thức gìn giữ, chung tay của người dân. Ở khu phố 4, Chỉ thị 19 đã thực sự lan tỏa, thấm được vào ý thức của người dân. Công viên Thanh niên đã trở thành khu vườn chung của người dân và các em học sinh trên địa bàn. Hàng ngày, hàng chục người đều đặn vào công viên chơi, trồng hoa, dọn cỏ. Khi thì góp tiền mua vài chậu cảnh, khi lại mua thiết bị vui chơi cho trẻ em… Đến lúc này, không cần phải vận động hay nhắc phạt, người dân cứ âm thầm chăm chút cho khu vườn ấy xanh tươi. Cũng từ hiệu quả của Công viên Thanh Niên, nhiều tuyến đường khác ở khu phố 4 cũng không còn rác, gỡ bỏ được những bức xúc của người dân về các điểm đen rác gây ô nhiễm môi trường. |