Đây là một trong những hoạt động thuộc hành trình về nguồn nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 - 7-1-2019) do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức.
Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (huyện Tân Biên) hiện là nơi yên nghỉ của hơn 14.000 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, trong đó có hơn 5.000 ngôi mộ chưa có thông tin.
Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu đã thành kính dâng hoa, dâng hương và dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho đất nước, cho dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Thân Thị Thư nhấn mạnh: Hành trình về nguồn của chúng ta đã đặt chân lên mảnh đất Tân Biên sau 40 năm, để lần tìm về những địa danh ghi dấu ấn oai hùng, ai trong chúng ta cũng mong được thêm một lần đến với chiến trường xưa để hiểu hơn về sự hy sinh của các thế hệ đi trước để giữ từng tấc đất, từng cột mốc biên cương.
Theo đồng chí Thân Thị Thư, cuộc chiến tranh ác liệt đã lùi xa, nỗi đau đã phần nào nguôi ngoai, vết thương đã phần nào lành lặn, nhưng vẫn còn có những nỗi đau, vết thương không có gì bù đắp được. Đó là chính tại nghĩa trang này vẫn còn hơn 5.000 hài cốt liệt sĩ chưa biết thông tin, trong khi gia đình, người thân các liệt sĩ ngày đêm khắc khoải kiếm tìm. Là biết bao chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trên đất bạn mà chưa được tìm về. Là những thương tích trên thân thể vẫn ngày đêm đau nhức không nguôi và những ký ức kinh hoàng về các vụ tàn sát, khủng bố của quân diệt chủng Pol Pot - Khmer Đỏ đối với chiến sĩ và đồng bào ta vẫn in hằn trong ký ức…
“Hành trình này sẽ giúp cho mỗi chúng ta cảm nhận được giá trị vĩnh cửu và to lớn của hòa bình; cảm nhận được niềm khao khát hòa bình là một chân lý có tự bao đời; cảm nhận được hòa bình mà chúng ta có được hôm nay đã được giành, giữ bằng trái tim kiêu hãnh của một dân tộc kiên cường. Từ đó, sẽ tiếp thêm sức mạnh để mỗi chúng ta có thêm niềm tin son sắt vào con đường mà chúng ta đã chọn”, đồng chí Thân Thị Thư trải lòng.
Dịp này, đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí, xuất bản, văn nghệ sĩ TPHCM cũng dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP (đặt tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu). Đây là nơi tưởng niệm 99 liệt sĩ TNXP TPHCM đã hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam cách đây hơn 40 năm.