Cuốn sách hướng tới việc kiến tạo hành trình hạnh phúc, thịnh vượng, bình an cho giáo viên Việt Nam nói riêng và mọi người nói chung. Theo chia sẻ của tác giả Nguyễn Công Thái, đây là cuốn sách để học chứ không phải để đọc vì ông đã gửi gắm những trải nghiệm, triết lý giáo dục của mình trong từng trang sách.
Trong bài viết Ai cũng có một vị thầy bên trong mình, tác giả cho rằng, nghề giáo viên ngày nay không hạn hẹp ở chức sắc hay chức vị gắn với một ngôi trường như trước đây nữa, mà mọi thầy cô đều có khả năng “mất việc”, “mất vị”. Do vậy, định hướng nghề nghiệp không theo chức danh mà chỉ theo nấc thang của sự nghiệp giáo dục khai phóng. Bất kể ai cũng là một người thầy, người cô - trước hết là thầy cô của chính mình.
Tác giả bày tỏ: “Nếu mình không tự giáo dục và tự học, tự dạy, thì cho dù có bao nhiêu trường lớp cũng không thể giúp mình thay đổi từ bên trong, dù có ở cương vị cao nhất cũng không làm tốt chức trách thực sự của một người thầy. Việc học và việc dạy, phải gắn với bản thân của mỗi người, gắn với hành trình chuyển hóa của mỗi cá nhân, với sự đồng hành và giúp sức của những người thầy cô khác trong môi trường giáo dục hòa nhập”.
Đó là ước mơ một ngày nào đó, mọi học sinh Việt Nam đều được học tập trong một môi trường thấm đẫm tình yêu thương, vui vẻ, bình an, hạnh phúc. Cuốn sách Hành trình trở thành người giáo viên hạnh phúc là một bước đi phụng sự của tác giả trên hành trình hiện thực hóa ước mơ ấy.
“Tâm nguyện và mong ước của một người tác giả như tôi, là cuốn sách sẽ trở thành một ấn phẩm không thể thiếu trên bàn làm việc, thư viện, nhà sách của mỗi đơn vị, cơ quan, gia đình… Bởi vì, chứa đựng và gói ghém trong đó, là những năng lượng của “hạnh phúc, thịnh vượng và bình an” mà tôi đã miệt mài chắt chiu và kết tinh trên từng con chữ”, tác giả chia sẻ.
Được biết, toàn bộ lợi nhuận từ cuốn sách Hành trình trở thành người giáo viên hạnh phúc sẽ được dùng để trao học bổng đến những thầy cô không may mắn bị bệnh hiểm nghèo, chung tay xây dựng và triển khai dự án Đồng hành cùng giáo viên mắc bệnh hiểm nghèo.