Những bước đột phá
Khi nói đến tiến trình hòa bình chấm dứt hai cuộc chiến tranh khốc liệt diễn ra ở Việt Nam, một lần là năm 1954 - sau chiến dịch Điện Biên Phủ, một lần là năm 1973 - sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội, người ta thường nhắc đến tên hai thành phố: Genève (Thụy Sĩ) và Paris (Pháp). Cả Genève lẫn Paris đều được ghi danh như những địa điểm lịch sử kiến tạo hòa bình cho Việt Nam.
Nhiều năm trôi qua, Việt Nam đã thoát khỏi hình ảnh đất nước của những cuộc chiến tranh tàn khốc. Sự hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam trong thập niên 90 của thế kỷ trước đã dẫn tới việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Washington, từng là kẻ thù không đội trời chung. Những tháng năm nghi kỵ giữa các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á cũng kết thúc khi logo bó lúa ASEAN trong các năm 1995, 1997, 1999 lần lượt thêm vào những “bông lúa” mới mang tên Việt Nam, Lào, Campuchia.
Xưa, để tìm kiếm một nền hòa bình tại Việt Nam, các cường quốc và đại diện của Việt Nam từng phải đi cả nửa vòng trái đất, gặp nhau ở 2 thành phố châu Âu, bàn thảo, thương lượng, tranh cãi, rồi thỏa thuận để có được những hiệp định hòa bình đối với Việt Nam.
Nay, trong sự tập trung chú ý cao độ của toàn thế giới, Tổng thống Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump và nhà lãnh đạo Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp nhau tại Hà Nội vào cuối tháng 2-2019 khi tham gia Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên.
Buổi đầu gặp nhau, ông Donald Trump nói với ông Kim: “Thật vinh hạnh khi gặp Chủ tịch Kim. Thật vinh hạnh khi gặp nhau ở một quốc gia, đó là Việt Nam”. Cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã khẳng định vị thế mới của Việt Nam: trở thành một trung tâm kiến tạo hòa bình thế giới.
Trọng điểm hợp tác của các siêu cường
Vị thế Việt Nam không phải cứ tuyên bố là có được, và cũng không chỉ thông qua việc tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Vị thế Việt Nam được khẳng định bằng nội lực của Việt Nam và được thể hiện trong mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là với các cường quốc.
Suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, quan hệ giữa các triều đại phong kiến Việt Nam với các triều đại phong kiến Trung Quốc là mối quan hệ nước nhỏ - nước lớn, giữa thuộc quốc với chính quốc. Các triều đình phong kiến Việt Nam đều duy trì một chính sách ôn nhu, nhũn nhặn để giữ được tình hòa hiếu. Nhưng đến thời đại Hồ Chí Minh, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hoàn toàn khác biệt. Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng mối quan hệ đó luôn dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Năm 2008, hai bên đã thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Năm 2023, hai bên ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Tình hữu nghị do các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Đối với Hoa Kỳ, sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng đã có những bước phát triển vượt bậc. Tròn 10 năm kể từ khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, ngày 10-9-2023, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Một thời kỳ hợp tác mới mở ra đối với quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đi vào chiều sâu, bền vững hơn, hiệu quả hơn và tạo ra nhiều bước phát triển đột phá mang tính chiến lược.
Trước đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga vào năm 2012. Như vậy, Việt Nam là một trong số hiếm các nước đã có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với cả ba siêu cường, ba thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc. Quan hệ mức cao nhất này cũng được Việt Nam thiết lập với ba cường quốc Ấn Độ (năm 2016), Hàn Quốc (năm 2022) và Nhật Bản (cuối tháng 11-2023).
Vị thế của Việt Nam, vì thế, là một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế, chính trị khu vực và toàn cầu, là trọng điểm hợp tác của các cường quốc khu vực cũng như thế giới. Với chính sách “ngoại giao cây tre”, Việt Nam đã “đi thuyền giữa những tảng đá ngầm sắc nhọn”, đảm bảo duy trì một môi trường hòa bình lâu dài, ổn định để phát triển. Đất nước bước sang năm 2024 với thế và lực ngày càng được củng cố vững mạnh, chúng ta cùng tiếp tục hành trình trên con đường đi tới phồn vinh và hạnh phúc của toàn dân tộc!