Khi đó, người phụ nữ, người mẹ trong gia đình, rất cần có sự đồng hành, sẻ chia và giúp đỡ từ người bạn đời cùng các con, để từ đó dần thích nghi, có suy nghĩ và hành động tích cực, tạo môi trường sống tốt hơn cho bản thân và gia đình.
Cột mốc quan trọng của phụ nữ
Sau khi dành thời gian thăm khám sức khỏe, tầm soát bệnh ở tuổi trung niên, chị Ngọc Trân (quận Phú Nhuận) lo lắng với kết quả chẩn đoán, khi cơ thể có những vấn đề bệnh lý phát sinh mà độ tuổi 50 thường mắc phải.
Nhìn vào “danh sách” các loại bệnh trong đơn thuốc bác sĩ, lòng chị Trân chùng hẳn. Nào là nhịp nhanh, bệnh tim (nhẹ), huyết áp cao, RLCH lipid máu, tiền đái tháo đường, gout, khớp (đầu gối, cổ vai gáy)... Trong số những bệnh lý được bác sĩ chẩn đoán, tự chị Trân cũng đã đoán biết bản thân có vài căn bệnh, mà vào những thời điểm trước khi đi khám sức khỏe, cơ thể đã từng vài lần “phản kháng” lại với nhịp sống thường nhật của chị.
Do tính chất công việc văn phòng, chị thường “ngồi đồng” ôm máy vi tính, laptop nhiều giờ liền. Có những thời điểm phải tăng ca, chị cùng đồng nghiệp làm việc suốt cả đêm, có khi đến tận sáng sớm, để kịp tiến độ, kế hoạch. Chuyện ăn uống của chị vì thế cũng ảnh hưởng, nhiều lúc ăn cho qua bữa, có khi lại bỏ bữa rồi ăn dồn. Ăn chỉ để lấp đầy cái bụng đói, chứ không chú ý nhiều đến giá trị dinh dưỡng, số lượng calo nạp vào cơ thể bao nhiêu là đủ, thừa hay thiếu chất.
Chưa kể, là người phụ nữ năng động, ham làm, tham công tiếc việc, bên cạnh công việc ngoài xã hội, chị cũng là người vợ người mẹ đảm đang, chu đáo. Ở nhà, chị tất bật ôm đồm hầu hết các công việc không tên trong gia đình, thế nên, thời gian ngủ nghỉ, chăm sóc bản thân trong cuộc sống thường nhật cho riêng chị cũng rất ít.
Từ nhịp sống vội vã, không có sự ổn định, khoa học trong làm việc, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện thể thao... sau bao nhiêu năm, những căn bệnh thường gặp ở tuổi trung niên đã xuất hiện. Cầm kết quả xét nghiệm, sổ khám bệnh, toa thuốc trên tay, chị Trân suy nghĩ lung lắm rồi quyết định nhắn tin trong nhóm zalo gia đình nhỏ của mình, chọn một buổi họp mặt để thông tin, trao đổi, tìm sự chia sẻ, hỗ trợ từ chồng con.
Đây cũng là cách chị muốn nhìn lại bản thân, thay đổi những thói quen cố hữu, dành thêm thời gian để chăm sóc bản thân chu đáo hơn. Chị mong muốn tìm hướng điều trị hợp lý các bệnh bằng tinh thần tích cực, vì một cuộc sống vui khỏe và hạnh phúc bên người thân.
Thay đổi cách sống
Theo các chuyên gia nghiên cứu về sức khỏe phụ nữ, tuổi 50 là một cột mốc rất quan trọng trong cuộc đời. Từ giai đoạn này trở đi, sức khỏe và tinh thần của phụ nữ thường gặp nhiều khó khăn, nhiều nguy cơ bệnh tật.
Khi bước qua tuổi 50, đây sẽ là thời điểm mà người phụ nữ cần nghiêm túc nhìn lại cách sống, thói quen sinh hoạt thường nhật, để từ đó nhận diện những tồn tại về tinh thần và sức khỏe của bản thân, để có những thay đổi cho phù hợp.
Trong đó, chị em phụ nữ cần quan tâm đến sự chuyển biến của quá trình lão hóa, khiến cơ thể và tinh thần nhanh xuống dốc; phải quan tâm nhiều hơn đến thể lực, tầm soát bệnh tật, điều chỉnh hợp lý nhu cầu ăn uống, vui chơi, giải trí lành mạnh, sống chậm, suy nghĩ tích cực, lạc quan.
Nhưng để thay đổi, giúp người phụ nữ trung niên trong gia đình luôn vui khỏe, sống hạnh phúc, bình an, thì rất cần có sự chung sức hỗ trợ và sẻ chia từ chính những người thân bên cạnh.
Sau khi trao đổi, cả nhà chị Trân đã thống nhất cùng chung tay tạo lập thói quen sinh hoạt mới trong nhà. Chị Trân phải nhường bớt công việc trong gia đình cho chồng, con, công việc ngoài xã hội sẽ được “cân đong đo đếm”, làm sao để vừa có thể hoàn thành tốt công việc được giao lại vừa có thể giảm căng thẳng và làm việc quá sức như trước nay. Trong ăn uống, chị chú trọng bổ sung thêm các chất cần thiết để các chỉ số về năng lượng, dinh dưỡng... của cơ thể không bị thiếu hụt.
Sau 50 năm, trong đó có vài chục năm ra sức quán xuyến, vun vén mái ấm, chăm sóc gia đình lớn, gia đình nhỏ, đến lúc người phụ nữ phải quan tâm chăm sóc nhiều hơn sức khỏe và tinh thần của bản thân, để có thể duy trì nhịp sống tốt, ngăn ngừa bệnh trầm cảm - một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, phụ nữ cần tăng cường tham gia một số hoạt động xã hội vì cộng đồng để phát huy giá trị bản thân...
Khi tất cả những vấn đề về sức khỏe và tinh thần được quan tâm chu đáo, hợp lý, có hiệu quả, thì những lo lắng, sự bất an của người phụ nữ khi bước qua tuổi 50, “giai đoạn khủng hoảng tuổi trung niên” cũng sẽ chỉ là một trong những hành trang của cuộc sống, nhẹ nhàng, không đáng quan ngại.