Bản đồ trái cây Việt Nam
63 tỉnh thành, mỗi một địa phương có đặc sản gì, chỉ dẫn địa lý ra sao, vùng trồng như thế nào, sản lượng bao nhiêu từ Bắc, Trung, Nam, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ… đều được thể hiện chi tiết tại website: bandotraicayvietnam.com. Từ máy tính, điện thoại…, người xem dễ dàng truy cập và tìm hiểu một bức tranh toàn cảnh cây trái trải theo chiều dài đất nước.
Bandotraicayvietnam.com gồm 5 hoạt động chính. Đó là hệ thống hóa thông tin dữ liệu hình ảnh trái cây Việt Nam theo chỉ dẫn địa lý và đặc hữu theo từng vùng miền. Thay đổi nhận diện thương hiệu của trái cây Việt Nam thị trường nội địa và quốc tế. Quảng bá hình ảnh và chất lượng trái cây Việt Nam tại các sự kiện, triển lãm, hội nghị, hội chợ trái cây quốc tế. Thúc đẩy tiêu thụ trái cây nội địa trong tình hình dịch Covid-19 bằng cách tiếp cận mới. Cùng đồng hành các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đưa ra được đường hướng chiến lược cho nhà nông trồng trọt đúng đặc điểm, thế mạnh và phù hợp với nhu cầu thị trường.
vào tháng 9-2021
Để hoàn thành bản đồ trái cây, không chỉ mời đội ngũ chuyên gia cố vấn nông nghiệp, chị Huyền cùng đội ngũ còn đến từng vùng canh tác, trò chuyện cùng nông dân và tổng hợp dữ liệu địa phương để hoàn thiện dần bản đồ. “Từ bản đồ trái cây, các bước tiếp theo sẽ là bản đồ hợp tác xã, bản đồ logistics để kết nối và hỗ trợ việc giao thương một cách tốt nhất. Ở giai đoạn 2, chúng tôi sẽ nâng cấp dữ liệu vùng trồng, những nhà vườn đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu, hay những hợp tác xã có mong muốn xuất khẩu trái cây ra nước ngoài”, chị Huyền chia sẻ thêm.
Khởi nghiệp từ nông sản địa phương
Câu chuyện khởi nghiệp từ mì bắp Napro của Hoàng Phượng (25 tuổi, Chủ tịch kiêm Giám đốc Hợp tác xã Vietnam Napro, xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi nó gần như không liên quan gì đến ngành học và công việc mà bạn trẻ này đang làm. Hoàng Phượng tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Hàn Quốc Học tại Trường Đại học KHXH-NV Hà Nội, làm MC, biên tập viên và lấn sân sang điện ảnh, là diễn viên Việt Nam đầu tiên đạt giải Diễn viên xuất sắc tại một liên phim quốc tế - Liên hoan phim Paris 2021.
Bắt đầu mọi việc vào năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, nhu cầu tích trữ đồ khô trong bối cảnh dịch khiến thị trường bún, mì xuất đi các nước phát triển mạnh. Nhận được lời mời gợi ý sản xuất và cung cấp mì có lợi cho sức khỏe, trong đó có mì làm từ bắp để xuất đi các nước châu Âu, đã giúp Phượng và chị gái thêm tự tin để khởi nghiệp với cây bắp.
Phượng kể: “Cây bắp không chỉ là tài sản của bố mẹ nuôi chị em tôi ăn học mà còn là mảnh ký ức với những món quà quê dân dã như bánh, bỏng... Khi đi sâu nghiên cứu, tại châu Âu, dòng mì pasta làm từ bắp được canh tác tự nhiên là một loại mì cao cấp, bởi trong bắp không có gluten - một chất mà mọi người ăn uống lành mạnh đang cố tránh. Bắp không biến đổi gen và được trồng theo phương pháp canh tác tự nhiên rất tốt cho sức khỏe. Vậy là chị em tôi không còn ngần ngại, hợp tác xã Vietnam Napro đã ra đời từ đó”.
Từ giống bắp không biến đổi gen mà gia đình Phượng trồng hơn 20 năm trước, Phượng bắt đầu hành trình làm mì bắp. Một năm đầu tiên nhiều thử thách, có lúc tưởng chừng như bỏ cuộc vì mì vón cục, cứng, đứt gãy, bết dính, thậm chí cho vào máy mà không thể ra được sợi, hàng tấn bắp bỏ đi. Thử đi thử lại bao nhiêu lần không nhớ nổi, tai nạn nghề nghiệp không tránh khỏi, bố Phượng nằm viện vì bị đứt gân bàn tay, một bên mắt suýt không nhìn thấy… “Nhưng rồi cả nhà vẫn nỗ lực cùng sự hỗ trợ của bà con, món mì bắp cũng thành công. Phần sản xuất đã đi vào ổn định, vùng nguyên liệu theo hướng tự nhiên đã thành công ở quy mô nhỏ. Tới đây khi tạo được vùng nguyên liệu rộng hơn, chúng tôi sẽ hướng đến xuất khẩu”, Phượng cho biết.
Đi lên từ những ngày gian khó, học bổng đầu tiên mà Phượng có được là học bổng nội trú tại Trường Hữu Nghị Việt - Lào dành cho học sinh dân tộc thiểu số có thành tích học tập tốt. Phượng chia sẻ: “Chị em tôi đi học hầu như đều có bóng dáng của “ông Bụt” học bổng hỗ trợ. Thế nên, tôi thực sự cảm thấy nợ một điều gì đó, Quỹ Tô mì yêu thương ra đời là vì điều đó”. Quỹ được trích từ doanh thu của Vietnam Napro, với 2 mục đích: Trồng cây để bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan cho địa phương; trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó.
Trong hành trình khẳng định bản thân và lập nghiệp của người trẻ, câu chuyện phát triển kinh tế từ nông sản Việt là một điều đáng ghi nhận. Tự hào hơn khi tiếng nói tự tin về nông sản Việt, nông sản địa phương đã vươn tầm quốc tế.
Trong sự phát triển không ngừng của công nghệ, việc lựa chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp địa phương không hẳn là điều dễ dàng với người trẻ. “Trong định hướng, hợp tác xã chúng tôi không chỉ tập trung vào việc sản xuất và chế biến các sản phẩm từ bắp, mà còn xây dựng thêm những phần việc để cộng đồng địa phương của chúng tôi cũng được hưởng lợi từ việc kinh doanh mì bắp và phát triển giống bắp không biến đổi gen này”, Phượng bày tỏ. |