Hành trình “nên duyên” của hai liệt sĩ

Khi còn sống, anh chị chưa kịp thành chồng thành vợ thì cả hai đã ngã xuống vì Tổ quốc. Sau 50 năm, với sự tác hợp của những người đang sống, anh chị được “nên duyên”. Câu chuyện về quá trình đi tìm mộ liệt sĩ và “đám cưới” liệt sĩ gây xúc động, râm ran cả miền quê Nghệ An và Bắc Giang suốt thời gian qua…

         

Ông Nguyễn Hữu Tường trước di ảnh của chị gái - liệt sĩ Nguyễn Thị Diện
Hồi ức về người đã khuất

Ông Nguyễn Hữu Tường (xóm 2, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) ngậm ngùi, kể, chị gái ông là liệt sĩ Nguyễn Thị Diện, sinh năm 1947. Chị đẹp nổi tiếng khắp 3 xã vùng Nam - Bắc - Đặng. Năm 1968, theo tiếng gọi của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chị gia nhập đoàn quân “ba sẵn sàng” chi viện cho Quảng Bình, sau đó được được điều về Công ty 769 (Bộ GTVT), công tác tại Đội C25 - vùng Tuyên Hoá.

Ông Tường tự hào: “Chị tôi được kết nạp Đảng vào tháng 5 năm 1971. Đây là lứa đảng viên được vinh dự mang tên Đảng viên Hồ Chí Minh”. Nhưng, sau đó không lâu, năm 1972, chị hy sinh tại bến Đò Vàng sông Gianh (Tuyên Hoá).

Trong thời gian công tác tại Quảng Bình, chị Diện và anh Đặng Văn Cự (sinh năm 1946, quê xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang) có tình cảm với nhau. Anh Cự trước công tác ở Yên Bái, sau đó được chi viện về Quân khu IV, cùng đơn vị với chị. Sau một thời gian tìm hiểu, anh chị cùng viết thư về cho gia đình, hẹn một thời gian sau xin nghỉ phép để về ra mắt họ hàng hai bên và xin được nên duyên vợ chồng.

Ông Tường bồi hồi: “Nhận được thư của chị, mẹ tôi mừng lắm, trông đứng trông ngồi mong đến ngày con rể về thăm. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, cuối năm 1972 gia đình tôi nhận hung tin: Anh chị đã nằm lại trên bến Đò Vàng!”.

 Hành trình “nên duyên” của hai liệt sĩ ảnh 2 Ông Nguyễn Hữu Tường và những kỷ vật, thư từ của chị gái
Chuyến tàu đặc biệt

Ông Tường rưng rưng kể, sau chiến tranh, vì hoàn cảnh khó khăn, lại nghĩ chị mình nằm ở đâu cũng là đất mẹ Việt Nam nên chưa đi tìm mộ chị. Cho đến một ngày tháng 4-1994, khi ấy ông đang làm thuê cho một xưởng vẽ ảnh trên đá ở TP Vinh, giờ nghỉ trưa, tự nhiên cứ như có ai đó nhấc bỗng người lên. Trong cơn mơ màng, ông nghe tiếng giục giã: Đi tìm đi, đi tìm đi! Cả chiều hôm ấy, người ông bồi hồi, bồn chồn không yên, không làm được việc. “Biết đâu, đó là tiếng chị Diện?”, nghĩ vậy nên ông Tường kể lại chuyện với ông chủ xưởng. Nghe chuyện, ông chủ lập tức cho ông Tường ứng tiền đi vào Quảng Bình.

Do phải về quê họp bàn với gia đình nên khi quay xuống Vinh, đến ga tàu thì cổng vừa đóng, vì tàu bắt đầu lăn bánh. Ông lập cập trình bày lý do, bảo vệ liền mở cửa và hướng dẫn ông chạy đến toa cuối và xin được lên. Một hồi sau, cán bộ soát vé đi kiểm tra, ông rút tiền xin mua vé phạt. Người soát vé khi nghe ông nói đi tìm mộ liệt sĩ thì không lấy tiền mà còn bố trí cho ông một chỗ ngồi. Đến giờ cơm trưa, anh còn mời ông đi ăn, bảo: “Anh là khách đặc biệt, nhà tàu mời cơm anh”. Trong bữa cơm, mọi người hỏi thăm về việc đi tìm mộ. Ông kể và thưa thật là chưa từng biết Quảng Bình, bến Đò Vàng sông Gianh ở đâu. Mọi người cho hay, muốn đến đó thì hoặc là xuống ga Đồng Lê rồi đi tiếp 5km, hoặc qua phía Nam đi ngược lại. Nghe thế, ông thoáng buồn. Lúc này, trưởng tàu mời anh em lại hội ý, sau đó quyết định: “Anh là khách đặc biệt, đi làm công việc đặc biệt, chúng tôi sẽ đặc cách cho tàu dừng mấy giây để anh xuống bờ bắc sông Đò Vàng”.

 Hành trình “nên duyên” của hai liệt sĩ ảnh 3 Người thân của 2 liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hải Thành (TP Đồng Hới). Ảnh gia đình cung cấp
Lúc xuống tàu tầm khoảng 4 giờ chiều. Theo đường tàu, ông Tường đi về hướng cầu Đò Vàng. Khi đến bên bờ sông, thấy một nhóm người đang cuốc đất, ông hỏi thăm về mộ của hai người hy sinh năm 1972, ai nấy ồ lên: Chị Diện, anh Cự! Ông Tường bật khóc. Bà con kể với ông, mộ của chị Diện, anh Cự đã được anh Nguyễn Phong Vũ - chính trị viên Huyện đội Tuyên Hoá cất bốc đưa về nghĩa trang liệt sĩ.

Sáng sớm hôm sau, ông Tường đến Huyện đội Tuyên Hoá, xin gặp đồng chí Nguyễn Phong Vũ. Gặp một đồng chí bộ đội, khi vừa nghe ông trình bày đôi lời, anh kêu lên “Anh có nhận được thư em không?”. Thì ra, đây chính là Nguyễn Phong Vũ. Vũ kể, hồi đó chị Diện ở trong nhà em, còn anh Cự ở bên nhà ông bà nội. Cả nhà Vũ coi anh chị như người thân. Chị Diện viết chữ rất đẹp, lại hát hay, chị dạy Vũ từng nét chữ, tập cho nhiều bài hát. Sau khi anh chị hy sinh, gia đình Vũ, rồi sau này là Vũ thay cha mẹ hương khói, chăm sóc phần mộ anh chị. Vũ nhiều lần viết thư về cho gia đình chị Diện và anh Cự nhưng không nhận được hồi âm, nên nghĩ ở quê anh chị không còn người thân thích. Thương quá, Vũ xin phép đơn vị, đề xuất Sở Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình đưa anh chị về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hải Thành, TP Đồng Hới.

 Hành trình “nên duyên” của hai liệt sĩ ảnh 4 Người thân bên mộ liệt sĩ Đặng Văn Cự tại Nghĩa trang liệt sĩ Hải Thành (TP Đồng Hới)
“Em không về… vẫn… một cuộc đưa dâu”    

Ông Tường bồi hồi kể, sau khi tìm được mộ chị gái và anh Cự, cứ tưởng mọi chuyện đến đó là “có hậu lắm rồi”. Ông cũng nghĩ là gia đình anh Cự ở quê không còn ai nên cũng không viết thư liên lạc. Và bao năm trôi qua, cho đến một đêm tháng 3-2022. Khi ấy đã khuya lắm, ông nhận được một cuộc điện thoại, giới thiệu là Đặng Thị Ánh, cháu của bác Đặng Văn Cự. Vừa nghe ông đã giật mình, tim đập rộn lên. Cháu Ánh thông báo cho ông biết, gia đình vừa tìm được mộ bác Cự. Sau cuộc điện thoại đó, các em của anh Cự nhiều lần gọi điện cho ông. Ông Tường rơm rớm nước mắt: “Tôi thật bất ngờ và sung sướng, vui đến mức nhiều đêm không ngủ được, vì bên gia đình anh Cự đề xuất nguyện vọng rằng, hai anh chị đã thề hẹn với nhau, tiếc là không kịp thành vợ thành chồng, nay gia đình muốn thực hiện lời nguyện ước đó”.

 Hành trình “nên duyên” của hai liệt sĩ ảnh 5 Người thân bên mộ liệt sĩ Nguyễn Thị Diện tại Nghĩa trang liệt sĩ Hải Thành (TP Đồng Hới). Ảnh gia đình cung cấp
Ngày 3-4 vừa qua, nhằm ngày 3-3 Âm lịch, gia đình anh Cự mang sính lễ từ Bắc Giang vào Nghệ An làm lễ ăn hỏi. Lễ không thiếu thứ gì, từ trầu cau, bánh phu thê, rượu, xôi, gà,… Ông Tường thay mặt gia đình nhận sính lễ của họ nhà trai. Lễ dâng hương được thực hiện, báo cho chị biết họ nhà trai đã mang sính lễ đến để xin được đón dâu. Sau đó, lễ được chia làm 3 phần, một phần để lại nhà, 2 phần mang vào nghĩa trang để chính thức làm lễ cưới cho anh chị. Trước lúc vào Nghĩa trang Liệt sĩ Hải Thành, hai gia đình đã về Tuyên Hoá, thăm lại nơi chị Diện và anh Cự đã từng sống và công tác; thắp hương tạ ơn ông bà, cha mẹ anh Nguyễn Phong Vũ.
 Hành trình “nên duyên” của hai liệt sĩ ảnh 6 Hai gia đình trước mộ liệt sĩ Đặng Văn Cự và Nguyễn Thị Diện tại Nghĩa trang liệt sĩ Hải Thành (TP Đồng Hới). Ảnh gia đình cung cấp
Trưa ngày 5-4, cả hai gia đình cùng anh em, bè bạn ở Quảng Bình tập trung về Nghĩa trang Liệt sĩ Hải Thành. Sau khi dâng hương các anh hùng liệt sĩ, mọi người bày lễ vật, ông Tường thay mặt hai bên gia đình khấn xin anh chị bằng bài vấn danh tơ hồng. Ông Tường kể trong nước mắt: “Khi tôi kết thúc bài văn khấn, hai bát hương ở mộ anh chị như bùng lên. Tôi tin, anh chị tôi ở nơi xa thẳm đã rất mãn nguyện. Mừng lắm, ngày vui mà, nhưng ai cũng trào nước mắt. Sáng ngày 6-4, “xe hoa” rước di ảnh của anh chị về với gia đình nhà trai. Cả họ nhà trai và bà con lối xóm đón anh chị ai cũng cười nhưng mặt nhòa nước mắt. Chúng tôi khuất đi hai người thân nhưng từ nay chúng tôi có thêm hai đại gia đình”.

Tin cùng chuyên mục