1. Đang nấu cơm, Tuyết Minh nhận được thông báo trên Facebook. Minh vội cầm điện thoại lên để xem nhỏ bạn thân của mình tag mình vào gì, thì ra là một đoạn clip ngắn quay lại hình ảnh ông cụ hàng đêm lụ khụ bán hột vịt lộn mưu sinh. Minh nhanh chóng trả lời bạn mình - Trịnh Thị Sen: “Tối nay đi ăn khuya không, chỗ này gần nhà tui nè”. Thế là tối đó, như đã hẹn, 21 giờ tối Sen có mặt tại nhà Minh rồi cả hai cùng đến chỗ ông cụ trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh).
Minh và Sen đến ăn như những người khách bình thường, trong lúc ăn cũng thi thoảng hỏi thăm vợ chồng ông. Ngồi được một lúc thì khách bắt đầu đông hơn, ông cụ đang bận luộc nồi hột vịt nên chỉ có một mình bà cụ phải vừa bưng bê vừa tính tiền và dọn bàn cho khách tiếp theo. Thấy vậy Minh và Sen liền đứng lên xắn tay vào phụ. Sen nhanh miệng nói: “Bà bán cho người ta mang về đi, để tụi con bê đồ ra cho khách phụ bà”. Bà cụ lúc đầu cũng thấy ngại nhưng khách hối quá nên cũng đành chịu. Không chỉ có Minh và Sen, nhiều bạn trẻ khác khi đến ăn cũng nhận thấy được sự vất vả của ông bà nên đã tự phục vụ mình.
Minh và Sen cùng một số bạn học ở Trường Đại học Công nghệ TPHCM cũng thường xuyên tìm đến những người lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn bươn chải kiếm bữa cơm qua ngày. Sen chia sẻ: “Đều là sinh viên, chưa độc lập về kinh tế nên chúng tôi chỉ có thể mua ủng hộ và thình thoảng đến phụ giúp buôn bán thôi. Giúp được ít còn hơn không làm gì”.
2. Vào buổi gặp cuối năm, cả lớp của Minh Nhẫn, sinh viên Trường Đại học Bách khoa đã quyết định dùng số tiền quỹ còn lại mua quà tặng và đến thăm hỏi những người có hoàn cảnh khó khăn. Đã hơn 2 giờ trôi qua với rất nhiều ý kiến được đưa ra về điểm đến và quà tặng, cuối cùng lớp thống nhất sẽ chia ra thành 5 nhóm và mỗi nhóm sẽ tự chọn ra những trường hợp muốn hỗ trợ.
Minh Nhẫn, phó bí thư chi đoàn của lớp, cho biết: “Đây là hoạt động thiện nguyện thứ 3 của lớp, do 2 lần tổ chức trước không đạt hiệu quả như lớp mong muốn nên chúng tôi đã quyết định làm theo một cách mới. Mọi người đều có thể giúp đỡ một cách chủ động cho những trường hợp khó khăn theo cách các bạn muốn và chủ động được về thời gian. Và nếu không sắp xếp được thời gian, các bạn đều có thể báo cho trưởng nhóm, tránh trường hợp có những bạn chỉ đi vì nghĩa vụ”.
Nhẫn không đơn độc. Phúc Vinh, bạn cùng phòng của Nhẫn cho biết: “Có một lần tôi đang chở Nhẫn thì thấy một bà cụ lớn tuổi đang cùng cháu gái chưa đầy 6 tuổi của mình đẩy xe ve chai lên dốc cầu Kiệu (quận 1), nó liền kêu tôi tấp xe vô lề rồi xuống xe đến đẩy phụ. Cũng nhờ chơi với Nhẫn mà tôi dần mở lòng giúp đỡ nhiều người hơn. Thiện nguyện đối với hai đứa tôi chỉ là tự nguyện giúp đỡ mọi người trong cuộc sống hàng ngày, có gì mình giúp nấy”.
3. Clip ngắn trên mạng xã hội kể câu chuyện của những người khó khăn là một trong những cách truyền tải thông điệp thiết thực nhất. Trần Thùy Dương (nhân viên PV Oil) thường xuyên tìm hiểu từng hoàn cảnh khó khăn, ghi hình rồi đăng tải trên trang cá nhân, tìm mạnh thường quân giúp đỡ.
Thùy Dương chia sẻ: “Tôi nghĩ làm từ thiện dù biết là đều từ tâm nhưng không thể làm bừa theo phong trào mà không tìm hiểu. Có nhiều hoàn cảnh bỏ xó không ai kêu, năn nỉ không ai quan tâm. Tôi thường tìm hiểu thông tin về hoàn cảnh đang cần giúp để biết thêm nhiều điều, nhất là phải tiên lượng được hoàn cảnh đó đã nhận được khoảng bao nhiêu tiền, thực tế hoàn cảnh gia đình ra sao, tránh việc làm hoang phí tiền của mạnh thường quân”.
Mỗi hoàn cảnh được Dương kêu gọi giúp đỡ đều được cô tìm hiểu rất kỹ về thông tin, số tiền cần hỗ trợ và phương thức hỗ trợ. Đến nay, Dương đã kêu gọi giúp đỡ gần 30 hoàn cảnh khó khăn như thế. Hồi đầu, Dương ngại chuyện nếu đứng ra làm trung gian nhận tiền hỗ trợ sẽ gặp gièm pha, nghi kỵ hoặc mọi người sẽ không tin tưởng. Nhưng càng ngày càng có nhiều mạnh thường quân ở quá xa nên Dương đành làm “thu ngân” và ghi chép cẩn thận rõ ràng…
Có thể thấy, không cần một tổ chức bảo trợ, đến nay vẫn có nhiều bạn trẻ nhiệt tâm đến với việc thiện đúng chất tình nguyện của người trẻ…