Nghề khắc nghiệt
“Tôi đã từng 2 lần định bỏ nghề. Khi ra trường được một thời gian, tôi quyết định mở cửa hàng, xây dựng thương hiệu riêng. Tuy nhiên, nhà thiết kế (NTK) đâu chỉ là làm ra trang phục. Việc thiếu kinh nghiệm, kiến thức về quản lý và thị trường khiến tôi thất bại”, NTK Hoàng Minh Hà, quán quân đầu tiên của Project Runway Vietnam - Nhà thiết kế thời trang Việt Nam 2013, chia sẻ.
Với giới mộ điệu thời trang, Hoàng Minh Hà được biết đến là một trong những NTK của Việt Nam sau NTK Nguyễn Công Trí được kết nạp vào Hiệp hội Thời trang cao cấp châu Á. Khi nói về nghề, anh vẫn xem đây là một môi trường đào thải khắc nghiệt. “Sau các cuộc thi là câu chuyện khả năng và cơ hội của từng người. Ai cũng muốn nắm bắt cơ hội, nhưng sản phẩm ấn tượng không có thì nắm bắt làm sao? Một bộ sưu tập trung bình thực hiện trong khoảng 5-6 tháng, với ê kíp không dưới 10 người chuyên nghiệp làm. Chi phí ra một bộ sưu tập không dưới 600 triệu đồng. Thông thường, các NTK sẽ hợp tác với các nhà tài trợ, thương hiệu, nhà thiết kế khác để tổ chức show diễn; ai có điều kiện mới làm riêng. Chi phí làm bộ sưu tập, mặt bằng, thuê người mẫu, chụp hình… có rất nhiều thứ phải bận tâm. Thậm chí, sản phẩm hôm nay ra thì ngày mai có thể lỗi thời”, Hoàng Minh Hà tâm sự.
Gắn bó với nghề 14 năm, NTK Phạm Hữu Sang cho biết, hiện tại công việc chính của anh là hợp tác, thiết kế các đơn hàng cho các thương hiệu thời trang, thiết kế trang phục cho một số sự kiện. “Nhiều sinh viên cùng khóa với tôi đã chuyển nghề, số theo đuổi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đối mặt với sự khắc nghiệt của nghề, nếu không có đam mê mãnh liệt, không có mối quan hệ tốt, không có kiến thức cập nhật liên tục, chắc chắn sẽ bị đào thải. Theo đuổi ngành này còn đòi hỏi phải có nhiều tiền, cả trong quá trình học hay phát triển thương hiệu”, anh nói.
Môi trường đào tạo rộng mở
Tại TPHCM có rất nhiều trường ĐH mở chuyên ngành thiết kế thời trang như: ĐH Kiến trúc TPHCM, ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Văn Lang… Một số trường cao đẳng lẫn học viện, trung tâm chuyên dạy về thiết kế thời trang cũng đã được mở, thu hút nhiều sinh viên, học viên. Tại miền Bắc, Học viện Thiết kế và thời trang London, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội là 2 trường đang đào tạo mạnh nhất ngành này.
NTK Hoàng Minh Hà, giảng viên ĐH Công nghệ TPHCM và một số trường ĐH, cho biết thêm: “Ngoài lý luận tổng quát, các em được học rất kỹ các môn kỹ thuật căn bản, kỹ thuật rập 3D hiện đại, học làm các đề án, stylist, cách tìm hiểu xu hướng, kinh doanh thời trang... Có những trường đã đưa một số kiến thức, định hướng của mô típ nước ngoài về, tiệm cận với thời trang thế giới. Sinh viên còn được tiếp cận với các sàn diễn thời trang, triển lãm, các cuộc thi thiết kế từ rất sớm. Trong một lớp học, sẽ có khoảng 30% sinh viên nổi trội, 50% khá, còn lại 20% trung bình và bị đào thải. Ngày xưa, một lớp học 20-30 sinh viên thì ra trường có 1-2 bạn theo được nghề đúng nghĩa. Còn bây giờ, con số đăng ký học và ra trường làm được nghề tăng nhiều hơn”, anh cho biết.
Tuy nhiên, một NTK trong nghề chia sẻ: “Tôi thấy nhiều em cũng có tố chất, nhưng dù sắp tốt nghiệp mà kiến thức vẫn bị giới hạn”. Còn theo Th.S Nguyễn Hồng Khiêm, giảng viên ngành Thiết kế thời trang, khoa Mỹ thuật công nghiệp ĐH Tôn Đức Thắng, thật sự khó để trở thành một NTK có thương hiệu, tỷ lệ có thể là 1/1.000 sinh viên được đào tạo.
“Đối với nghề này, phải đầy đủ kinh nghiệm và bản lĩnh mới theo được lâu dài. Phải hiểu khách hàng nào, mùa nào người ta thích cái gì, tuổi nào chọn màu nào, khách hàng trái chứng trái nết thì làm sao. Các show diễn thời trang vẫn tham gia, đồ vẫn ra, nhưng để xác định thương hiệu, danh nghĩa chính thống thì hơi khó. Có những cánh cửa không phải ai muốn mở cũng được”, thầy Khiêm nói.
Rõ ràng, học chuyên ngành thiết kế thời trang, ngoài việc trở thành NTK đúng nghĩa, sinh viên ra trường có thể kinh doanh thời trang, làm stylist, decor cho sản phẩm, biên tập viên thời trang… Bất cứ công việc gì dính đến thời trang, sinh viên đều có thể làm được. Tuy nhiên, để trở thành những tên tuổi trong làng thời trang thì còn là câu chuyện dài.