Hành trình khởi nghiệp của Khánh

Trăn trở với hương vị các món ăn truyền thống, một du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản quyết định quay về nước khởi nghiệp từ sợi bún, bánh phở. Vượt qua bao sóng gió, những lô hàng đầu tiên đã thành công, đứng chân trên đất bạn và được người tiêu dùng chào đón rộng rãi.

Trăn trở ở Đông Du

Năm 2014, cậu sinh viên năm 3 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Trần Bảo Khánh (quê huyện An Lão, tỉnh Hải Phòng) may mắn giành được một suất học bổng du học ngành cơ khí tại Trường Đại học Shizuoka Nhật Bản. Ngày lên đường, mẹ Khánh vay mượn được 10 triệu đồng dằn túi cho con. Hai năm đầu xa quê hương, cùng với việc dồn sức để học tiếng thông thạo, Khánh cố gắng làm thêm nhiều việc để có tiền trang trải cho cuộc sống sinh hoạt đắt đỏ. Khánh kể: “Mỗi lần thèm món Việt, em đạp xe cả chục cây số đến tiệm của người Việt chỉ để ăn một tô bún, vì tiền nong lúc đó khá eo hẹp. Ăn xong đạp xe về tới phòng nghỉ thì bụng lại lép kẹp, nhưng hương vị món ăn cũng phần nào khiến em nguôi ngoai nỗi nhớ nhà”.

Sản phẩm của Công ty CP K Products được giới thiệu đến người tiêu dùng Nhật Bản

Sản phẩm của Công ty CP K Products được giới thiệu đến người tiêu dùng Nhật Bản

Thế rồi một lần tình cờ đi siêu thị, Khánh vui như bắt được vàng khi phát hiện phở Việt được bày bán trên các kệ hàng. Vội vàng xách mấy bịch về phòng trọ, hì hục mở ra nấu ăn, cậu sinh viên thất vọng tràn trề vì nước phở lạ lẫm với toàn mùi nước mắm. Lục lọi xem lại gói bao bì để kiểm tra thông tin, Khánh bất ngờ vì tên là phở Việt nhưng lại được sản xuất ở Thái Lan. Quay trở lại siêu thị quan sát kỹ, chàng sinh viên nhận ra rằng, trên các kệ hàng sản phẩm của các nước khác được bày bán rất đa dạng, nhưng của Việt Nam thì chỉ quanh quẩn vài chai nước mắm, hay dăm ba lọ hạt tiêu. Thêm nhiều lần tham gia giao lưu giữa các du học sinh ở Nhật Bản, Khánh nhận ra rằng, không chỉ người Nhật mà sinh viên các nước cũng rất thích món phở của Việt Nam. Từ đó, ý tưởng đưa những món ăn thuần Việt xuất khẩu đã nhen nhóm trong đầu cậu sinh viên nghèo đất cảng.

Ý tưởng là thế, nhưng vấn đề làm sao để thực hiện lại là một chuyện khác, bởi Khánh hiểu rõ để bước qua hàng loạt quy định ngặt nghèo về chất lượng, đặc biệt là an toàn thực phẩm ở đất nước Mặt trời mọc thì không hề dễ dàng. Vậy thực phẩm phải được bảo quản như thế nào? Qua nhiều năm mày mò học hỏi, Khánh đã tìm được công nghệ bảo quản thực phẩm tối ưu nhất với món phở Việt Nam.

Lan tỏa hương vị Việt

Sau khi ra trường, có được trong tay “chìa khóa” căn bản về công nghệ bảo quản thực phẩm, Khánh tiếp tục làm việc cho một công ty chuyên về xuất nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật. Đến năm 2020, khi hay tin một người em cùng trường khóa dưới chuẩn bị hồi hương, Khánh nêu ý tưởng cùng lập công ty để kinh doanh. Đúng năm Khánh về để xúc tiến công việc thì dịch Covid-19 ập đến. Thêm một năm sau, Công ty CP K Products do Khánh làm giám đốc mới ra đời tại thành phố biển Vũng Tàu. Vốn mỏng, Khánh tiếp tục mời gọi thêm 4 bạn 9x cũng là du học sinh về nước góp vốn, nhập máy móc từ Nhật Bản và đi thuê mặt bằng nho nhỏ cùng sản xuất.

Khánh cùng các cộng sự xách ba lô từ Nam ra Bắc đi tìm nguyên liệu sạch để chế biến. Mày mò khắp nơi, cuối cùng nhóm trẻ 9x cũng tìm được đối tác cung cấp nguyên liệu sạch. Cộng với công thức chế biến của một người từng là đầu bếp cho một nhà hàng cỡ 4 sao, những túi phở, bún bò, bún riêu thơm nức hương vị Việt đã được ra đời. Tháng 6-2022, lô hàng container bún, phở của Công ty CP K Products rời cảng đến xứ sở Hoa anh đào. Mặt hàng được người tiêu dùng chào đón và 5 tháng sau, container thứ hai tiếp tục được xuất đi. Với những sản phẩm của mình, Công ty CP K Products cũng đã đoạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2022.

Nói về lý do trở về, Khánh chia sẻ: “Lúc nào tôi cũng đau đáu câu nói của thầy Nguyễn Đức Hòe, nguyên Hiệu trưởng Trường Nhật ngữ Đông Du: Sang học được cái gì hay thì mang về để phát triển đất nước chứ đừng cố ở lại. Suốt quá trình học tập, tôi vẫn kiên định với mục tiêu đó”.

Hiện nhóm của Khánh đang thử nghiệm sản xuất cá kho làng Vũ Đại, cá nục kho riềng, thịt kho trứng và nhiều món ăn khác để đưa đi xuất khẩu. Cùng với đó, công ty cũng đưa sản phẩm vào các siêu thị nội địa và tiến tới xây dựng nhà máy để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục