Đón nhận với tâm thế tích cực
Sinh ra và lớn lên trong thời đại hòa bình, thế hệ trẻ gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) ít nhiều khó có thể cảm nhận được sâu sắc những mất mát, gian nan trong quá trình giữ gìn văn hóa của thế hệ cha anh. Những nét đẹp văn hóa theo thời gian khó có thể gắn bó khăng khít và “chạm” tới thế hệ này. Những tưởng là như vậy, thế nhưng, nhiều bạn trẻ thế hệ gen Z hiện nay có tinh thần tìm hiểu, thái độ đón nhận văn hóa truyền thống đầy tích cực.
Điển hình như sau thành công của màn trình diễn Trống cơm của bộ ba NSND Tự Long, Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều bạn trẻ cũng đã háo hức biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống. Những màn “cover” gây bão mạng bởi tài năng của các bạn trẻ và tinh thần hướng ứng, lan tỏa về nhạc cụ truyền thống cho thấy khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, ủng hộ mạnh mẽ cho những sản phẩm hay, chất lượng và truyền tải được nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Không dừng lại ở đó, nhiều bạn trẻ đã bắt tay vào thực hiện các dự án lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống. Mới đây, dự án GenZ dệt Zèng do nhóm sinh viên Trường Đại học FPT TPHCM thực hiện đã gây nhiều tiếng vang. Với thông điệp “từ sợi dệt đến vệt số”, thông qua các công nghệ mới như số hóa họa tiết hoa văn, các clip đa phương tiện… các bạn trẻ đã giới thiệu đến người xem những nét đẹp, vẻ độc đáo của nghề dệt Zèng, dòng thổ cẩm của người dân tộc thiểu số Tà Ôi (tỉnh Thừa Thiên Huế) vốn đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016.
Để tiến hành các dự án nghệ thuật, ngoài sự yêu thích cá nhân, người trẻ cũng có sự nhạy cảm nhất định trước vấn đề văn hóa và thời cuộc. Nhận thấy giới trẻ hiện nay chưa thực sự phân biệt được và hiểu về Việt phục, đặc biệt là khi Việt phục đang có quá nhiều thay đổi, nhóm sinh viên năm 2 khoa Quan hệ công chúng - Truyền hình, Trường Đại học Văn Lang đã đứng ra tổ chức chương trình Sắc cổ viễn xưa. Thông qua hình thức nhạc kịch, các bạn trẻ đã bày tỏ những góc nhìn của mình về trang phục của người Việt trong lịch sử, cũng như nêu ra những hướng phát triển để bảo tồn Việt phục trong tương lai. Qua đó, cho thấy được sự tâm huyết và mạnh dạn dám bày tỏ của người trẻ trong hành trình thực hành nghệ thuật với chất liệu văn hóa.
Truyền tải văn hóa trong thời đại số
Thị hiếu thời đại là vấn đề mà người làm sáng tạo không thể làm ngơ. Với những dự án văn hóa, người trẻ đã và đang sáng tạo ra những cách thức truyền tải hiện đại, hợp thời. Chính lúc này, trách nhiệm bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa mà mỗi người đang góp phần vun đắp mới được đánh thức một cách rõ ràng.
Với GenZ dệt Zèng, các sinh viên tận dụng triệt để sức trẻ, tiềm lực và kiến thức về thời đại số, ứng dụng công nghệ để lưu trữ văn hóa thông qua triển lãm ảo. Đây là cách thức tiếp cận mới mẻ và là lối đi mới của người trẻ Việt trên hành trình tìm về văn hóa dân tộc.
Hay như trước đó, dự án sách kết hợp với công nghệ thực tế ảo tăng cường AR - Đồng bào Việt phục - của nhóm sinh viên Trường Đại học FPT Cần Thơ cũng gây ấn tượng mạnh. Chỉ với thao tác quét mã QR, người xem sẽ nhìn thấy hình ảnh nổi của các nhân vật và tương tác ngay trên màn hình thông qua hình ảnh, âm thanh trực tiếp, sinh động. Mỗi trang sách cung cấp hình ảnh trang phục của 54 dân tộc Việt Nam và các thông tin chi tiết về chất liệu, họa tiết, ý nghĩa của trang phục.
Trên đây mới chỉ là một số ít các dự án của người trẻ có ứng dụng công nghệ vào dự án văn hóa nghệ thuật trong thời gian qua. Điều này càng chứng tỏ mỗi người trẻ đều có tiềm năng thực hiện các dự án về văn hóa. Từ tâm thế là người đứng ngoài cuộc thưởng thức, nhiều người trẻ đang trở thành một nhân tố quan trọng để thu hút sự quan tâm của mọi người, nhất là người trẻ cùng thế hệ tham gia trải nghiệm và trở thành người trong cuộc có trách nhiệm gìn giữ văn hóa dân tộc. Đây cũng là điều làm nên giá trị thật sự của một dự án văn hóa.
Văn hóa truyền thống là một phần tạo nên di sản chung của nhân loại. Thế hệ trẻ đang góp phần tạo ra những hiệu ứng tích cực khi cùng chung tay lưu giữ và lan tỏa văn hóa. Trong hành trình giữ gìn và bảo tồn văn hóa đã có dấu chân của những người trẻ dám dấn thân khai thác, góp phần làm đa dạng và phát triển văn hóa trong tương lai.