Cuối tháng 7-2018, Sách Gieo (Toa Tàu và NXB Phụ nữ thực hiện) đã có buổi giao lưu ra mắt bạn đọc tại Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1). Cuốn sách được trình bày hiện đại, bắt mắt từ phông chữ đến hình ảnh. Nhưng quan trọng hơn, từ cuốn sách này, bạn đọc biết đến một hành trình đầy ý nghĩa mà những bạn trẻ trong nhóm Toa Tàu vừa kết thúc, đó là hành trình gieo niềm vui và cái đẹp.
Trước đó, vào năm 2016, dự án Gieo được tổ chức tại TPHCM do Toa Tàu lên ý tưởng và ấp ủ thực hiện. Trong 6 tháng, thông qua công cụ vẽ và viết, Gieo đã mang trải nghiệm đến 10 chương trình với các đối tượng khác nhau như trẻ em đường phố, nhân viên văn phòng, công nhân, người khuyết tật… Từ những chương trình đó, Gieo thấy được rất nhiều câu chuyện, nhiều góc nhìn khác nhau trong cuộc sống. Có những người cuộc sống tưởng như rất bình thường, nhưng khi tham gia vào dự án Gieo, họ được bộc bạch những câu chuyện giấu kín trong lòng mình, giúp họ tìm thấy sự bình an và hạnh phúc.
“Đó là những người ở TPHCM, may mắn biết đến Toa Tàu, còn những người ở xa thì sao? Nếu có sự đa dạng vùng miền hơn thì câu chuyện gì sẽ được tỏ bày?”. Câu hỏi này khiến những bạn trẻ trong nhóm Toa Tàu không ngừng trăn trở. Mong muốn khơi gợi, khuyến khích, tạo cơ hội để cái đẹp riêng của từng cá nhân và cộng đồng được biểu hiện, chia sẻ, đó là lý do để Gieo thực hiện hành trình xuyên Việt vào tháng 9-2017.
Với số tiền 300 triệu đồng từ hình thức gây quỹ cộng đồng trong 3 tháng trước đó, 20 bạn trẻ là thành viên và bạn bè của Toa Tàu đã đi qua 9 tỉnh, thành trong vòng 45 ngày, tổ chức các hoạt động miễn phí cho người nghèo, trẻ em tại các địa điểm như huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), làng chiếu Định Yên (Đồng Tháp), làng nghề đan bóng Hòa Thạnh (Phú Yên), Khoa Ung bướu - Bệnh viện Trung ương Huế, nhà máy Ford (Hải Dương)… Kết thúc hành trình, một triển lãm được tổ chức với tên gọi Gieo xuyên Việt với gần 500 tác phẩm nghệ thuật cùng hiện vật từ hành trình, thu hút hơn 1.000 người tới xem. Sản phẩm thứ hai chính là cuốn Sách Gieo, ghi lại chân thực những câu chuyện và hình ảnh của dự án trong 2 năm qua.
Phiên Nghiên, một trong những thành viên của Toa Tàu, cho biết mỗi nơi dự án lưu trú một tuần, trong đó có 2 ngày để đi nói chuyện với người dân địa phương và hoàn tất các loại giấy phép tại chỗ. Sau khi đã hoàn tất thủ tục giấy tờ, Gieo mở ra các quầy trò chơi, viết, vẽ, chụp ảnh, gấp giấy… cho người dân địa phương và các em nhỏ. Gieo cũng liên hệ với trường học, xin thầy cô giáo 2 tiết để chơi và dạy các em nhỏ. Vì thời gian không có nhiều, không kịp lớn lên cùng một đứa trẻ nào nên Gieo biết rất rõ nhiệm vụ của mình, chính là biến mỗi giây mỗi phút được ở cạnh một đứa trẻ, trở thành ký ức đẹp trong tâm hồn em. Bởi với Gieo, ký ức đẹp chính là thứ quan trọng nuôi dưỡng những hạt giống thiện lành trong mỗi đứa trẻ. Đặc biệt, ở mỗi nơi Gieo còn thực hiện các tác phẩm nghệ thuật cộng đồng.
Phiên Nghiên kể: “Chúng tôi sẽ tìm hiểu xem ở đó nổi tiếng về cái gì, người dân tự hào hay trăn trở về điều gì, rồi cùng làm nên một tác phẩm lớn để mọi người có thể tự hào về quê hương mình. Hoặc những người khác nhờ tác phẩm đó mà biết đến địa phương đó”. Nhờ vậy, những bức tranh tường đã được thực hiện lấy cảm hứng từ những câu chuyện, tâm sự và trăn trở của người dân được ra đời ở đảo Bé (Lý Sơn), đàn chim trong Bệnh viện Trung ương Huế mang đến hy vọng cho các em nhỏ, hay sử dụng những sợi lát để tạo thành tác phẩm “Nhà của lát” tại làng chiếu Định Yên…
Không chỉ những con người bản địa mới được thụ hưởng từ các hoạt động của Gieo, mà những thành viên trong nhóm cũng có những thay đổi đáng kể. Bạn Hồng Mai, nhóm Hậu cần, tâm sự: “Em biết ơn mỗi tổn thương đã có, cùng những cái ôm ấm áp mà Gieo đã dành cho nhau, đã giúp em hiểu, trân trọng những giây phút được sống bên cạnh người mình yêu thương. Gieo đã giúp em tin chắc rằng chỉ cần mình dễ thương, cả thế gian sẽ dễ thương với mình”.
Tháng 10 năm nay, Gieo sẽ đến Huế, mang theo 3 “ngôn ngữ” chính là viết, vẽ, chụp ảnh. Huế là một nơi rất thâm trầm, mọi người nhớ về Huế với vẻ cổ kính, cũ kỹ, vậy những người trẻ đang sống ở Huế thì câu chuyện của họ là gì? |