Hành trình "đọc" của 200 học sinh tại Hội thi Lớn lên cùng sách

Năm nay, cuộc thi không tổ chức ở thư viện trường học mà diễn ra ở không gian bảo tàng lịch sử với mong muốn giới thiệu cho học sinh một "trang sách lớn hơn", trang sách hiện thực.
"Hướng dẫn viên" robot giới thiệu những điểm nổi bật về lịch sử đáng tự hào của dân tộc
"Hướng dẫn viên" robot giới thiệu những điểm nổi bật về lịch sử đáng tự hào của dân tộc

Sáng 9-2, tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM), 200 học sinh đến từ các trường THCS trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đã tham gia Hội thi Lớn lên cùng sách lần thứ 8 năm học 2022-2023.

Phát biểu khai mạc hội thi, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hội thi nhằm lan tỏa và tăng cường văn hóa đọc trong nhà trường. Thông qua việc đọc sách, học sinh sẽ trở thành những hạt nhân lan tỏa rộng hơn tình yêu sách cũng như nội dung hay của những quyển sách đến bạn bè, cộng đồng xung quanh.

Ở góc độ chuyên môn, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) bày tỏ, năm nay, cuộc thi không tổ chức ở thư viện trường học mà diễn ra ở không gian bảo tàng lịch sử với mong muốn giới thiệu cho học sinh một "trang sách lớn hơn", trang sách hiện thực với những kiến thức hàng nghìn năm lịch sử, tái hiện lại những thành tựu cha ông để lại suốt chiều dài xây dựng đất nước.

Thông qua hội thi, học sinh có cơ hội rèn kỹ năng "đọc nhanh, hiểu nhanh và viết ngắn" để lan tỏa đi thông điệp là thế hệ trẻ phải không ngừng phấn đấu, tạo ra những giá trị riêng của bản thân, trong đó có việc tạo ra những quyển sách hay, sáng tạo bằng chính sự say mê, sáng tạo và vốn kiến thức của mình.

Học sinh được giới thiệu những mẫu cổ vật xuyên suốt chiều dài lịch sử của đất nước

Học sinh được giới thiệu những mẫu cổ vật xuyên suốt chiều dài lịch sử của đất nước

Theo ông Trần Tiến Thành, Chuyên viên môn Ngữ văn, Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), điểm mới của hội thi năm nay là học sinh được tạo điều kiện tham quan Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại TPHCM, lắng nghe các hướng dẫn viên thuyết minh và tìm hiểu về lịch sử đất nước.

"Hành trình trải nghiệm nói trên được xem là hành trình "đọc” với ý nghĩa đọc lịch sử qua cổ vật, triển lãm tranh, mô hình, số liệu... Như vậy, khái niệm đọc đã được mở rộng hơn các năm trước, không chỉ đọc văn bản, đọc câu chữ trên sách vở mà còn "đọc" giá trị, ý nghĩa lịch sử thông qua hiện vật, từ đó, khơi gợi cảm xúc, tư duy sáng tạo của học sinh", ông Trần Tiến Thành cho biết.

Các em ghi chép thông tin, dữ liệu về các trận đánh hào hùng của dân tộc

Các em ghi chép thông tin, dữ liệu về các trận đánh hào hùng của dân tộc

Sau khi trải nghiệm hành trình "đọc" với ý nghĩa mở, học sinh được yêu cầu thiết kế một quyển sách với Chủ đề “Quyển sách lịch sử của tôi”, gồm 3 phần nội dung chính: Những dấu ấn lịch sử, Suy nghĩ và cảm xúc đọng lại, Lời nhắn gửi của tiền nhân.

Trong đó, ở phần "Lời nhắn gửi của tiền nhân", học sinh được cung cấp một văn bản lịch sử ghi lại hoàn cảnh ra đời và nội dung lời tuyên thệ của hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ trước ba quân tướng sĩ khi lên ngôi, từ đó các em ghi lại thông điệp mà các em rút ra được qua văn bản này.

Sau khi trải nghiệm, học sinh sáng tạo quyển sách của riêng mình

Sau khi trải nghiệm, học sinh sáng tạo quyển sách của riêng mình

Để chuẩn bị cho cuộc thi hôm nay, em Đỗ Việt Thy, học sinh lớp 8A3, Trường THCS Phan Bội Châu (quận 12), đã sử dụng vật dụng tái chế như đũa dùng một lần, nắp chai, muỗng nhựa làm mô hình sản phẩm cánh chim lạc, biểu tượng của văn hóa Đông Sơn trong buổi đầu hình thành Nhà nước Âu Lạc.

Thông qua đó, muốn giới thiệu đến các bạn học sinh trong nước cũng như bạn bè quốc tế về nét đẹp văn hóa cũng như lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Học sinh ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ qua sản phẩm "Quyển sách lịch sử của tôi" sau trải nghiệm tại bảo tàng

Học sinh ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ qua sản phẩm "Quyển sách lịch sử của tôi" sau trải nghiệm tại bảo tàng

Tương tự, em Dương Minh Thư, học sinh lớp 9A2, Trường Vinschool Golden River (quận 1), đã tìm đọc nhiều sách hay về lịch sử cũng như trau dồi kỹ năng đọc sách, kỹ năng thuyết trình về sách, để truyền đi thông điệp "các bạn trẻ cần lan tỏa văn hóa đọc mạnh mẽ hơn, không nên thờ ơ với việc đọc sách, quá chú trọng văn hóa nghe nhìn thay vì văn hóa đọc".

Minh Thư cho biết, em dành từ 1-2 giờ mỗi ngày cho việc đọc sách, cố gắng sắp xếp thời gian giữa việc học và đọc sách bởi đọc sách giúp em có thêm nhiều kiến thức hay về lịch sử, văn hóa, đồng thời phong phú hơn dẫn chứng khi làm bài môn Ngữ văn.

Cuộc thi mang đến cho học sinh góc nhìn mới về tình yêu sách cũng như việc lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường.

Cuộc thi mang đến cho học sinh góc nhìn mới về tình yêu sách cũng như việc lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường.

Cô Dương Mỹ Lến, Giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10) cho biết, tất cả khối lớp của trường đều dành một tiết/tuần trong thời khóa biểu cho việc đọc sách ở thư viện. Ngoài ra, trong các giờ ra chơi, học sinh được khuyến khích tìm đọc các đầu sách hay ở thư viện.

Giáo viên này chia sẻ, để giúp học sinh có thêm tình yêu với sách, cô thường gợi mở nội dung những đầu sách hay nhưng không kể hết nội dung nhằm khơi gợi sự tò mò để học sinh xuống thư viện tìm đọc. Khi cảm nhận được việc đọc sách thú vị, học sinh sẽ chủ động tìm đọc thêm nhiều sách khác.

Theo cô Mỹ Lến, văn hóa đọc giúp học sinh có thêm kỹ năng đọc hiểu văn bản, trau dồi thêm vốn từ, đa dạng hóa dẫn chứng cho bài văn nghị luận, giúp học sinh có kỹ năng giao tiếp và vốn từ tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục