Hành trình đến giải thưởng quốc tế

Với những đóng góp xuất sắc cho nghiên cứu khoa học, TS Hà Thị Thanh Hương (sinh năm 1989, Trường Đại học (ĐH) Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM) giành được học bổng khoa học quốc gia L’Oreal - UNESCO For Women in Science 2022. TS Hà Thị Thanh Hương đã có cuộc trò chuyện với PV Báo SGGP về hành trình đi tìm lời giải, phát hiện và can thiệp sớm những chứng bệnh thời đại như trầm cảm, chứng tự kỷ và mới nhất là Alzheimer.

PHÓNG VIÊN: Cô bắt đầu về ngành mình đã chọn như thế nào?

TS HÀ THỊ THANH HƯƠNG: Ngay từ khi chọn ngành Công nghệ Sinh học, tôi đã rất quan tâm tới việc làm sao đưa các kiến thức  thành những giải pháp phục vụ cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Có lẽ nhiều lần đưa người thân đi khám ở các bệnh viện tại TPHCM và ở quê tôi (Đồng Nai), đã cho tôi trải nghiệm thực tế và thấy được nền y tế nước nhà quá tải thực sự, có quá nhiều thứ để mình giải quyết. Hướng chuyên ngành này cũng phù hợp để sau đó tôi học tiếp lên Tiến sĩ ngành Thần kinh học.

Được biết, cô rất có “kinh nghiệm” trong việc săn học bổng thời còn sinh viên?

Đúng thật là thời sinh viên tôi “săn” học bổng khá tốt. Một phần vì tôi nhận thấy hồ sơ của mình đủ chuẩn, một phần vì muốn có thêm tiền phụ ba mẹ và để học Anh văn chuẩn bị hồ sơ đi du học. Có thể nói, động lực chiếm 30% trong cơ hội thành công của tôi...

Để có thể chinh phục được học bổng Quỹ Giáo dục Việt Nam thực hiện ước mơ đặt chân tới ĐH Stanford (Mỹ), tôi đã chuẩn bị đầy đủ về thành tích học đại học, chứng chỉ tiếng Anh, kinh nghiệm nghiên cứu và quan trọng hơn nữa là một ý định rõ ràng trong việc quay về Việt Nam phục vụ đất nước. Còn về ĐH Stanford, điểm mạnh nhất trong hồ sơ của tôi lúc đó là câu chuyện dẫn dắt tôi tới Thần kinh học. Giáo sư trưởng hội đồng tuyển sinh khi gặp tôi ở ĐH Stanford đã cho biết, ông dành thời gian để đọc đi đọc lại bài luận của tôi và rất cảm động.

Khi làm nghiên cứu sinh, cô có gặp những thách thức gì?

Khi học đại học, tôi học ngành Công nghệ Sinh học, nhưng học tiến sĩ thì theo ngành Thần kinh học. Tôi cũng may mắn là được đào tạo bài bản về Sinh học phân tử từ PGS-TS Hồ Huỳnh Thùy Dương nên nhanh chóng nắm bắt phần kỹ thuật này khi thực hiện đề tài nghiên cứu sinh. Tuy vậy, đề tài ở ĐH Stanford của tôi còn dùng rất nhiều kỹ thuật và kiến thức khác, ví dụ như nuôi cấy tế bào thần kinh, giải phẫu chuột, đo tín hiệu điện sinh lý… mà tôi cũng mất 2-3 năm đầu mới có thể thấu hiểu và thành thạo. Nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải đó là vừa làm đề tài tốt nghiệp, vừa phải nghĩ tới việc sau này về Việt Nam sẽ xây dựng nhóm nghiên cứu như thế nào, sử dụng kỹ thuật gì để có thể triển khai ngay khi về nước. Từ năm thứ 4 ở ĐH Stanford, tôi chủ động học thêm một số công cụ phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, như khoa học thần kinh tính toán và nhận thức…

Môi trường làm việc và nghiên cứu tại Việt Nam có thuận lợi cho các nhà khoa học phát triển?

Điều này tùy thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của mỗi người. Khi trở về Việt Nam, tôi xác định điều kiện kinh tế chắc chắn sẽ không được tốt như khi còn ở Mỹ nếu quyết định theo nghiệp nghiên cứu. Nhưng đã gọi là đam mê thì sao có thể chùn bước! Cả tôi và bạn cùng nhà (ông xã) đều có nguyện vọng được về nước, được cống hiến, đem kiến thức và kỹ năng để cùng góp sức nhỏ bé giải những “bài toán” ở Việt Nam. Mỗi ngày chúng tôi được tiếp xúc với các bác sĩ và bệnh nhân để hiểu các nỗi niềm đau đáu của giới y khoa, được dạy cho các em sinh viên và nhìn các bạn ươm mầm, nuôi lớn đam mê khoa học, hay trở thành những thành viên đắc lực trong các công ty công nghệ. Tất cả những khoảnh khắc đó, chắc chắn không thể nào có được nếu chúng tôi lựa chọn đi một quốc gia khác.

Năm 2020, Tổ chức quốc tế nghiên cứu về khoa học thần kinh xét trao giải thưởng Early Career Award (giải thưởng dành cho các giáo sư trẻ) cho TS Hà Thị Thanh Hương - là một trong 15 nhà nghiên cứu trẻ trên toàn thế giới được trao giải thưởng này với giá trị giải thưởng 5.000 EUR (tương đương khoảng 140 triệu đồng). Hiện nay nhóm của TS Hà Thị Thanh Hương đã có nhiều báo cáo tại hội nghị quốc tế về kỹ thuật y sinh và nhận được kinh phí khởi đầu từ Hiệp hội Nghiên cứu Alzheimer Việt Nam, một chương trình tài trợ bởi Viện Sức khỏe Hoa Kỳ. Mô hình chẩn đoán ứng dụng trí tuệ nhân tạo của nhóm cũng lọt vào tốp 20 của cuộc thi Đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo do Sở KH-CN TPHCM tổ chức tháng năm 2020.

Khi về Việt Nam, cô và nhóm cộng sự đã bắt đầu đề tài nào liên quan đến thần kinh?

Từ khảo sát ban đầu, tôi và nhóm đã xác định có hai “bài toán” lớn về bệnh não bộ có thể giải quyết. Đầu tiên là nhóm những căn bệnh liên quan đến stress - căn nguyên của nhiều bệnh như rối loạn lo âu, trầm cảm đang ám ảnh các nước có nhịp sống công nghiệp. Nhóm bệnh thứ hai, hiện chưa phải là nỗi lo lớn ở Việt Nam hiện nay, nhưng trong chục năm tới khả năng sẽ là gánh nặng cho ngành y tế, đó là các bệnh lão hóa, mà cụ thể hơn là bệnh Alzheimer, căn bệnh gây tử vong cao nhất ở người lớn tuổi. Chỉ trong vòng 5-7 năm qua, Alzheimer từ vị trí thứ 7 đã lên vị trí thứ 5 trong số các nguyên nhân gây tử vong ở người cao tuổi. Trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam, nghiên cứu về Alzheimer càng trở nên cấp thiết. Nghiên cứu về Alzheimer ở Việt Nam chưa có dữ liệu về nhóm bệnh nhân như vậy nên gần như phải đi từ con số 0. 

Tháng 3-2019, nhóm chúng tôi bắt tay thực hiện công trình, thành lập nhóm nghiên cứu Phòng thí nghiệm sức khỏe não bộ và mời gọi một số đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu trẻ khác cùng tham gia. Dự án này giúp chẩn đoán sớm, chính xác tình trạng bệnh Alzheimer để có cách chăm sóc và điều trị hiệu quả, giảm chi phí điều trị. 

Thành quả của nhóm đến nay là gì?

Trên thế giới, hiện đã có một số công cụ phục vụ chẩn đoán bệnh Alzheimer được FDA (Mỹ) công nhận (chích dịch não tủy để xét nghiệm, chụp ảnh não bằng PET), nhưng những kỹ thuật này ở Việt Nam chưa thực hiện được do rất đắt tiền và xâm lấn nhiều. Điều này đặt ra cho nhóm nghiên cứu hướng tiếp cận thực hiện với giá thành rẻ hơn và ít xâm lấn hơn. Nhóm nghĩ đến làm hệ thống trí tuệ nhân tạo, sử dụng nguồn dữ liệu có sẵn để huấn luyện cho mô hình trí tuệ nhân tạo học được cách phát hiện khác biệt trong những hình ảnh MRI của bệnh nhân Alzheimer. Từ đó, phát triển thành công cụ phát hiện khác biệt giữa người bình thường với người mắc Alzheimer với độ chính xác lên đến 97%. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang phát triển công cụ trên bộ dữ liệu của người nước ngoài nên bước tiếp theo phải tiến hành thêm trên dữ liệu người Việt Nam.

Bước quan trọng kế tiếp là phải làm sao thuyết phục các bác sĩ và bệnh viện đưa phần mềm đó vào quy trình khám chữa bệnh Alzheimer. Trước mắt phải làm sao để thuyết phục Bộ Y tế kiểm duyệt và cho phép bộ công cụ này được đưa vào sử dụng. Đối với bất kỳ sản phẩm nào trong ngành y tế thì chặng đường từ phòng nghiên cứu tới tay bệnh nhân đều rất dài và đòi hỏi nhiều nỗ lực.

Vinh danh 3 nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022


Chiều 25-11, tại Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam (Hà Nội), chương trình Giải thưởng L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) đã tổ chức buổi lễ trao giải thưởng “Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022” cho 3 nhà khoa học nữ Việt Nam đã có các đề án nghiên cứu tiềm năng vì sức khỏe và lợi ích cho cộng đồng, đó là: PGS-TS Lê Minh Hà - Trưởng phòng Hóa dược, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS-TS Phan Thị Phương Nhi, Phó Trưởng khoa Nông học, Trường ĐH Nông Lâm Huế; TS Hà Thị Thanh Hương, Trưởng bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật y sinh, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM.

Trong đó, nghiên cứu của PGS-TS Lê Minh Hà hướng đến việc bổ sung các bằng chứng khoa học hiện đại cho bài thuốc tắm lá nổi tiếng của người Dao đỏ tại xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. PGS-TS Phan Thị Phương Nhi đã áp dụng phương pháp chỉ thị phân tử trong việc đánh giá đa dạng nguồn gene, thông qua đó tạo lập nguồn kiến thức quý giá về đặc điểm các giống chè đang được trồng tại khu vực miền Trung, đặc biệt là nhận diện chè Truồi - một đặc sản của cố đô Huế. TS Hà Thị Thanh Hương được vinh danh với đề án nghiên cứu về kỹ thuật phát hiện sớm bệnh Alzheimer qua việc sử dụng dấu ấn sinh học có trong huyết tương là protein p-tau 217.

Chương trình năm nay cũng vinh danh PGS-TS Hồ Thị Thanh Vân, nhà khoa học trẻ vừa được trao tặng giải thưởng L’Oreal - UNESCO Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới (International Rising Talent) tại Paris, Pháp, nhờ  nghiên cứu về công nghệ pin nhiên liệu hydro, một lĩnh vực trọng tâm cho tương lai của năng lượng sạch.


PHAN THẢO


Tác giả THANH HÙNG thực hiện

Bình chọn bài viết

Bài viết mới