Mệnh lệnh trái tim
Với chị Liên, bước ngoặt trong sự nghiệp khởi nguồn từ chữ “duyên”. Tháng 9-2018, trong một lần tham dự hội thảo khoa học, chị cùng các nữ giảng viên được mời tới thăm trụ sở của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Sau cuộc gặp gỡ, chị nhận được lời mời tha thiết như một lời hiệu triệu từ trái tim gởi đến trái tim: “Chúng tôi đang rất cần những nữ chiến sĩ lên đường... Vị trí khó khăn này tin rằng đồng chí có đủ các phẩm chất cần thiết để đảm nhận tốt nhất”. Rời quê hương, Thượng tá Nguyễn Thị Liên lên đường với lòng nhiệt huyết Việt Nam: yêu hòa bình, khao khát tự do cho người dân châu Phi.
Thấm thoát 3 năm trôi qua, người nữ quân nhân đã tham gia tại hai phái bộ Minusca và Unisfa. Từ tháng 6-2019 đến tháng 12-2020, chị có mặt ở phái bộ Minusca (thuộc Cộng hòa Trung Phi) với vai trò sĩ quan tham mưu huấn luyện. Theo hình dung ban đầu, chị Liên nghĩ nhiệm vụ của mình là tham gia các hoạt động nhân đạo, giúp người dân châu Phi vươn lên thoát nghèo. Chính vì vậy, chị đã chủ động trang bị cho mình kỹ năng may vá, cắt tóc cho trẻ em… Thế nhưng khi tới nơi, hiện thực không như chị mường tượng: cơ sở hạ tầng cũ kỹ, thiếu thốn, người dân ăn không đủ no, trẻ em không được đến trường, khuôn mặt họ luôn thiếu vắng những nụ cười, thậm chí là nụ cười xã giao cần thiết!
Không lãng phí thời gian, chị nghĩ ngay đến “nghề tủ” của mình - dạy học. Trở ngại đầu tiên xuất hiện: “Dạy học chỉ có thể diễn ra vào buổi tối, mà đêm xuống ở đây làm gì có điện. Người dân hầu như không có nhu cầu may vá, đa phần họ chỉ khoác lên người tấm vải là xong. Cắt tóc cũng chẳng cần, vì người nào người nấy tóc xoăn tít, không thể duỗi dài được thì cần gì phải cắt tóc”. Dở khóc dở cười khi mọi kế hoạch gần như thất thủ thì “cái khó ló cái khôn”. Trong lúc phá giàn mồng tơi già, chị Liên phát hiện người dân xúm vào mót từng lá nhỏ. Ý tưởng về một chiến dịch trồng rau xanh nhen lên trong đầu chị. Như một đốm lửa được tiếp gió, chỉ sau một tháng, các hộ dân đã có vườn rau xanh “made in Vietnam”. Không dừng lại ở rau, sản phẩm thoát đói phải là ngũ cốc. Cái tên “Liên agri Cove - Liên đậu xanh” được người dân mặc định sau một loạt vườn rau, hạt nảy mầm xanh tươi.
Dịch Covid-19 hoành hành, thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi không có lấy một chiếc khẩu trang. 800 chiếc khẩu trang vải may từ đôi bàn tay nữ quân nhân đã hoàn thành và được phát cho nhân viên phái bộ cùng người dân ở địa bàn. Điều này đã thay đổi tập tục và suy nghĩ kỳ thị với người đeo khẩu trang trước đó. Và thế là, chị lại có thêm một cái tên mới: “Liên khẩu trang”.
Cứ ngỡ một nhiệm kỳ đội mũ nồi xanh đã là duyên may trong đời quân ngũ, nào ngờ “hữu xạ tự nhiên hương”, về nước chưa bao lâu, chị tiếp tục được cấp trên tín nhiệm, động viên lên đường lần 2 trên một cương vị mới: cô dân vận. Ngày 27-4-2022, cùng với 183 đồng chí trong đội Công binh số 1, Thượng tá Nguyễn Thị Liên lại tạm biệt gia đình đến với vùng đất Abyei thuộc phái bộ Unisfa (khu vực có tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan). “Dân vận là làm dâu trăm họ, làm sao đây khi bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm? Tôi lúc đó tâm niệm: chỉ cần đủ yêu thương, sẽ có vô vàn kế sách”, chị Liên chia sẻ. Chị và đồng đội không thể cầm lòng khi chứng kiến một xe cứu thương mắc kẹt giữa con đường sình lầy, trên xe là người chồng và đứa con nhỏ đang gào khóc gọi tên người đàn bà mang trọng bệnh đang trong cơn nguy kịch. Các anh chị không nén nổi nghẹn ngào khi nghe ước mơ của một cậu bé 15 tuổi: “Học xong cấp ba, em phải kiếm thật nhiều tiền để nuôi bố mẹ và 11 đứa em”…
Abyei là vùng đất có rất ít hệ thống kênh rạch, hễ mưa là ngập, còn nắng thì hạn khô. Người dân sống theo bộ tộc, di cư nay đây mai đó thuận theo tự nhiên. Chia sẻ khó khăn với người dân, chị Liên cùng đồng đội tranh thủ từng ngày nắng để thi công làm đường. Đất ở đây không thiếu, nhưng vận động được người dân hợp tác, hiến đất làm đường lại thuộc về bài toán “dân vận khéo”. Bao nhiêu ngày đêm cùng ăn cùng làm với bà con, nhiều con đường mang tên “Đường em đến trường” đã hoàn thành. Bàn chân các em học sinh đến lớp nhờ thế mà bớt dính sình lầy, trầy trụa. Trường học thiếu giáo viên, Thượng tá Nguyễn Thị Liên trở thành giáo viên nữ đầu tiên dạy học cho học sinh cấp ba ở Abyei. Bài học đầu tiên, chị dạy các em học sinh hiểu thế nào là hạnh phúc, là ước mơ, là khổ đau, là khát vọng. Cảm xúc của chị dâng trào khi buổi dạy của mình đã nhen lên trong các em khát vọng hòa bình, mơ ước về một sự đổi thay tích cực.
Nắng cũng như mưa, những ngày cuối tuần với chị Liên và đồng đội đều là ngày chủ nhật rộn ràng. Bàn tay các chiến sĩ công binh Việt Nam đã góp phần tạo nên sự khác biệt tại Abyei Unisfa. Thầy trò đã có nước giếng khoan, có đường đến trường, có điện thắp sáng. Chị Liên vui vẻ nói: “Đến với một đất nước khó khăn, chúng tôi không thiếu việc để làm. Chỉ cần sẵn sàng mở lòng cho đi, hạnh phúc sẽ đong đầy trở lại trong mỗi người”.
Nén nỗi đau riêng vì nghĩa lớn
“Bố ơi, con Liên đây! Con gửi ảnh đẹp để bố dễ nhận ra con. Con sẽ về khi hoàn thành nhiệm vụ. Đợi con bố nhé!”. Nghe con gái điện về, dù lúc tỉnh lúc mê, nói năng rất khó khăn, nhưng cụ Đáng (bố chị Liên) vẫn lắp bắp: “Liên... con!”. Cố giấu nước mắt để bố và người ở nhà không khóc theo, nhưng thấy sức khỏe bố suy sụp, lòng dạ nữ chiến sĩ mũ nồi xanh như thắt lại. Chị sang Abyei một thời gian ngắn thì hay tin bố bị ngã rồi bị tai biến. Con gái muốn chạy về bên bố, đút cho bố miếng cháo, giặt cho bố cái khăn, mà đành chịu. Hiểu nỗi lòng con, mẹ chị an ủi rất nhiều. Bà hiểu con gái mình đang mang trọng trách cao cả.
Thượng tá Nguyễn Thị Liên với trẻ em Trung Phi năm 2020 |
Chuyến đầu tiên chị sang Cộng hòa Trung Phi, ở quê nhà, mẹ chị phát hiện bệnh ung thư. Không lâu sau, mẹ chồng cũng nhận chẩn đoán mắc căn bệnh quái ác ấy. Hai người mẹ cùng mang trọng bệnh, thương nhiều lắm mà chẳng biết làm sao! Thời điểm ấy dịch Covid-19 đang bùng phát, ngày về của chị cứ kéo mãi ra. Về Việt Nam, thời gian được ở bên hai mẹ chưa nhiều thì nỗi đau ập đến, mẹ chồng chị qua đời. “Là chiến sĩ mũ nồi xanh, chúng tôi ý thức giá trị của sự cống hiến và hy sinh. Trên vai của chúng tôi không chỉ có nhiệm vụ được giao mà còn có cả tình yêu thương, sự kỳ vọng và chờ đợi của người thân. Tôi may mắn có hậu phương vững chắc để toàn tâm toàn ý làm nhiệm vụ”, chị Liên tâm sự.
Động lực của chị Liên là hai con ngoan ngoãn, tự lập. Con gái lớn của chị quyết tâm theo nghiệp nhà binh vì thần tượng mẹ. Con trai út vừa bước vào lớp 12. Con quân nhân nên được bố mẹ trui rèn từ nhỏ, nhờ vậy mà chị Liên yên tâm cho những chuyến đi dài. Càng may mắn hơn khi chồng chị là người hiểu chuyện và rất yêu thương, thông cảm cho vợ. Nhờ có bệ phóng “kiềng ba chân” ấy, nữ thượng tá yên tâm dồn sức cho lý tưởng của mình. Ở tuổi 50, gương mặt Thượng tá Nguyễn Thị Liên luôn tươi trẻ, khỏe khoắn, dù cái nóng ở lục địa đã nhuộm làn da chị cháy nắng. Hình ảnh “cô dân vận Việt” đi đến đâu được bà con reo mừng đến đó đã vinh dự được chọn làm tấm gương điển hình trong các khóa huấn luyện cho nhân viên phái bộ.
Thượng tá Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng ban Chính trị Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, xúc động nhận xét: “Đồng chí Nguyễn Thị Liên là một cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và kinh nghiệm công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc. Với những việc làm, nghĩa cử cao đẹp của mình, đồng chí Liên đã góp phần quảng bá hình ảnh người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang đến với bạn bè thế giới. Tôi hy vọng rằng đây sẽ là tấm gương để các đồng chí khác noi theo tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ khi được triển khai làm nhiệm vụ tại các Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc”.