Thi công cả ngày lẫn đêm
Khác với việc thi công đường cáp ngầm đưa điện từ Hà Tiên ra Phú Quốc (hoàn thành đầu năm 2014), việc thi công đường dây vượt biển khó khăn hơn nhiều, nhưng chi phí rẻ hơn, dễ bảo trì, sửa chữa, nâng cấp…
Anh Nguyễn Trọng Đức, Đội thi công số 2 kể, ước tính khoảng một nửa thời gian thi công, anh em công nhân phải làm việc trong điều kiện thời tiết mưa gió. Mỗi trụ điện trên biển là một thử thách khắc nghiệt. Có những ngày biển động cấp 5-6, sà lan chở trụ và thiết bị thi công phải dời vào bờ, mỗi lần như vậy đều rất vất vả, tốn kém. Trong quá trình thi công, có những đội thi công khi đưa ra tới vị trí, không chịu được sóng gió, công nhân liên tục say sóng phải đưa cả đội trở vào đất liền, cử đội khác ra thay.
“Ban đêm gió thổi mạnh hơn ban ngày, nhưng để đảm bảo tiến độ thi công, bù cho những ngày mưa bão, chúng tôi thường xuyên phải thi công cả vào ban đêm. Những trụ càng xa bờ thì điều kiện thi công càng khó khăn, do đáy biển sâu, sóng lớn”, anh Nguyễn Trọng Đức nói.
Mỗi trụ điện vượt biển là một khối kết cấu sắt thép và bê tông khổng lồ. Trong đó, phần trụ thép là một kết cấu cao từ 51-87m, trọng lượng từ 54-114 tấn, được đặt trên một đế móng trụ là khối bê tông hình vuông có diện tích mặt sàn trung bình 400m². Đế móng trụ được đặt trên một hệ thống cọc bê tông gồm từ 56-72 cọc dự ứng lực với đường kính D800mm. Mỗi cọc có đường kính từ 60-80cm, dài trên 31m, chịu được nước biển, cắm sâu dưới lòng biển từ 20-50m. Khoảng cách các vị trí trụ trên biển trung bình là 600m.
Anh Nguyễn Trọng Đức cho biết thêm, khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai dự án là công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại bờ Kiên Bình (huyện Kiên Lương) và TP Phú Quốc, đặc biệt là khu vực phía bờ Phú Quốc. Nhưng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, TP Phú Quốc cùng các ban ngành địa phương và sự nỗ lực của chủ đầu tư EVNSPC, công tác đền bù giải phóng mặt bằng cuối cùng cũng đã hoàn thành mà không phát sinh khiếu nại từ phía người dân.
Theo kịp đà phát triển kinh tế
Theo Chi nhánh Điện lực Kiên Giang, TP Phú Quốc hiện đang sử dụng điện lưới quốc gia từ cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc. Từ ngày có điện lưới quốc gia (năm 2014), Phú Quốc luôn phát triển nóng, nhất là trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, do đó nhu cầu phụ tải tăng rất nhanh, với tốc độ bình quân trên 50%/năm, vượt xa dự kiến.
Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025 tại Phú Quốc tăng bình quân 40%/năm khiến tuyến cáp ngầm không đủ cung cấp điện. Vì vậy, ngành điện đã gấp rút đầu tư đường dây 220kV vượt biển nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện đang tăng nhanh tại Phú Quốc.
Ông Trần Tiến Thân, chủ resorst 3 sao ở phường An Thới (Phú Quốc) bày tỏ, có sống ở đảo mới cảm nhận hết tốc độ phát triển chóng mặt của Phú Quốc. Hàng chục ngàn căn hộ thi nhau mọc lên, người dân từ đất liền nhập cư ra đảo tìm cơ hội đầu tư, rồi du khách trong và ngoài nước không ngừng tăng, tạo ra nhu cầu sử dụng điện rất lớn.
“Cứ vài hôm chúng tôi lại bị mất điện, có thể do đường dây không đủ tải phải điều tiết, có thể do cáp ngầm cần duy tu, bảo dưỡng. Mỗi ngày mất điện, chúng tôi phải chịu chi phí rất tốn kém. Vì vậy, ai cũng mong ngóng Phú Quốc có thêm đường điện thứ hai để bổ sung kịp thời, chấm dứt cảnh mất điện thỉnh thoảng lại xảy ra như hiện nay”, ông Thân tâm sự.
Ông Tống Phước Trường, Bí thư Thành ủy TP Phú Quốc, cho hay, Chính phủ đã định hướng Phú Quốc là trung tâm nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc gia, khu vực và thế giới, cho nên đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng vào hệ thống hạ tầng như cảng biển, sân bay quốc tế. Song, cái quan trọng nhất là điện lưới quốc gia.
Trước khi có điện lưới quốc gia lần đầu vào năm 2014, toàn bộ nguồn điện trên đảo sử dụng máy phát diesel. Mỗi năm, ngành điện và ngân sách tỉnh Kiên Giang phải bù lỗ trên 100 tỷ đồng. Nếu không có điện lưới với công suất mạnh, giá thành rẻ, thì sân bay quốc tế, các resort cao cấp, cáp treo, công viên giải trí tầm cỡ sẽ không thể nào hoạt động được. Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã có tầm nhìn đúng, kịp thời về nhu cầu năng lượng điện của Phú Quốc. Do đó, ngay khi đóng điện tuyến cáp ngầm đầu tiên, Chính phủ đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), rồi EVNSPC nghiên cứu triển khai ngay đường điện thứ 2 cho Phú Quốc, có như vậy mới có thể đáp ứng nhu cầu bùng nổ phát triển kinh tế của Phú Quốc.
Làm chủ công nghệ phức tạp, hiện đại Theo EVNSPC, khi hoàn thành, đây sẽ là công trình đường dây điện 220kV vượt biển dài nhất Việt Nam. Đặc biệt, công trình hoàn toàn do các nhà thầu trong nước thực hiện; đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công, quản lý, xây dựng. Công trình hoàn toàn do các nhà thầu trong nước thực hiện Ngoài ra, vật liệu xây dựng chính của công trình đều do Việt Nam tự sản xuất trong nước, chịu được môi trường muối biển. Việc các nhà thầu Việt Nam thực hiện thành công dự án kéo điện vượt biển ra đảo Phú Quốc sẽ tạo tiền đề cho việc áp dụng công nghệ kéo điện vượt biển ra các đảo gần bờ khác, tiết kiệm chi phí rất đáng kể so với kéo cáp ngầm. |