Cùng làm việc có ích
Cách đây hơn 20 năm, trong một lần nằm ở phòng cấp cứu, ông Dân thấy rất nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông phải nhập viện. Nghe các y tá, bác sĩ nói với nhau rằng bệnh viện sắp hết máu để truyền, ông Dân nghĩ: máu không thể sản xuất ra mà chỉ có được thông qua việc hiến máu, do đó nếu hết máu dự trữ thì thật nguy cho người đang cần. Sau khi khỏe, ông trao đổi với vợ ý định hiến máu cứu người. “Vợ tôi đồng ý ngay. Vậy là chúng tôi duy trì việc hiến máu định kỳ cho đến giờ”, ông Dân chia sẻ. Đến nay, ông Dân đã tham gia hiến máu 66 lần, vợ ông 55 lần.
Thành thói quen, định kỳ 3 tháng/lần, vợ chồng ông Dân lại chở nhau đi hiến máu. Ông cho biết, việc làm này trở thành niềm hạnh phúc của gia đình ông. Niềm vui càng nhân lên khi con trai ông du học trở về, thấy việc làm của ba mẹ có ích cho cộng đồng nên cũng đồng hành hiến máu. Không chỉ bản thân hiến máu, ông còn vận động người thân, bạn bè, đồng nghiệp, người dân trong khu phố tham gia trong suốt 20 năm qua. “Ngày trước khi chưa có mạng xã hội, tôi gặp ai vận động nấy. Tôi cứ lấy bản thân mình ra minh chứng cho việc hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe để kêu gọi người khác. Cứ nghĩ giúp được những bệnh nhân đang cần máu để cấp cứu là mình đã thấy hạnh phúc rồi”, ông Dân bày tỏ.
Cũng như ông Dân, hơn 20 năm qua, khi biết mình nằm trong nhóm máu hiếm, ông Lâm Văn Vinh (ngụ phường 10, quận Gò Vấp) luôn sẵn sàng tặng giọt máu quý của mình khi có người cần. Là thành viên Câu lạc bộ Máu hiếm TPHCM, với nhóm máu B Rh-, ông Vinh không ngại đêm hôm hay đường xa, miễn có người cần là ông đến. Ông nhớ nhất là khi hiến máu cho 2 trường hợp (một cụ già và một trẻ nhỏ) có nhóm máu hiếm như mình đang mổ tim trong tình trạng bệnh rất nặng. Sau 51 lần hiến máu, ông Vinh mong sức khỏe mình ổn định để duy trì việc làm ý nghĩa. Ông cũng mong những người có nhóm máu hiếm cùng tham gia câu lạc bộ để tăng khả năng cứu người khi cần.
Sẵn lòng hiến máu
Vừa qua, tại ngày hội hiến máu với chủ đề “Giọt hồng từ thành phố mang tên Bác” do Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TPHCM, Hội Chữ thập đỏ TPHCM tổ chức, ông Tạ Minh Đạt (58 tuổi, ngụ phường 12, quận 6) khoe tấm phiếu ghi lần hiến máu thứ 97. “Tôi bắt đầu hiến máu từ năm 1995. Tôi dự tính sẽ hiến máu đến 100 lần và nếu có đủ điều kiện về sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục hiến máu nhiều hơn nữa”, ông Đạt cười tươi.
Ông Đạt kể về lần đầu tham gia hiến máu. Lúc ấy, ông là Bí thư chi đoàn công ty nên khi có đợt vận động hiến máu, ông gương mẫu đi đầu. Sau lần ấy, trong ông như có điều gì thôi thúc bản thân tiếp tục hiến máu. Thấy sau hiến máu, sức khỏe vẫn rất ổn định, tinh thần nhẹ nhàng nên ông tham gia lần 2, rồi các lần tiếp theo được duy trì vào các năm sau đó.
Theo ông, việc làm nhỏ của bản thân giúp ông thấy ấm lòng, bởi túi máu cho đi chính là cuộc đời ở lại. “Cứ mỗi lần cho một đơn vị máu, tôi lại nghĩ sẽ có người nhận được số máu này, nhất là những người đang trong hoàn cảnh nguy kịch. Điều đó càng thôi thúc bản thân tôi tiếp tục hiến máu khi sức khỏe còn cho phép. Ngày xưa Bác Hồ từng dạy rằng việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, huống hồ đây là công việc cứu người thì tôi có nề hà chi”, ông Đạt cho biết.
Trong những người tham gia hiến máu nhiều năm qua, có người làm bác sĩ, giáo viên, công nhân, bảo vệ... nhưng điểm chung là họ không tiếc những giọt máu đào của mình, dâng tặng cho đời sự sống và sẵn lòng tham gia hiến máu khi sức khỏe còn cho phép.
“Tôi luôn cho rằng việc hiến máu là điều hết sức ý nghĩa. Dù không biết người nhận là ai, nhưng tôi và gia đình luôn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ vì những giọt máu của mình cứu sống nhiều người ở khắp mọi nơi”, ông Nguyễn Ngọc Thành (ngụ quận Tân Bình, người đã hiến máu hơn 70 lần) bày tỏ. Hơn 20 năm trước, khi còn là công nhân của nhà máy sản xuất giày, ông Thành đã được nghe về phong trào hiến máu nhân đạo. Nghĩ mình không có điều kiện vật chất để làm những việc thiện nguyện như nhiều người khác, ông đã quyết định hiến máu nhân đạo kể từ đó. Điều đáng quý là vợ ông cũng cùng chồng tham gia việc làm ý nghĩa này.
Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM Trần Trường Sơn, trong 28 năm qua, TPHCM đã tiếp nhận hơn 3 triệu đơn vị máu, góp phần cứu chữa cả triệu người bệnh. Điều này giúp giải quyết tình trạng thiếu máu trầm trọng, nhất là trong các dịp tết và hè. Đặc biệt, năm 2021, dù đại dịch Covid-19 bùng phát, nhưng nguồn máu vẫn đảm bảo cho việc cấp cứu và điều trị người bệnh. |