Trong không khí hướng tới sự kiện năm năm một lần của giới cầm bút trẻ TP, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với La Mai Thi Gia về văn chương. Nghiêm cẩn trong nghiên cứu, nhưng rất lãng mạn trong thi ca và ngộ nghĩnh, tếu táo đầy “chất” Quảng khi đối thoại, chị cho hay: “Mình không chọn văn chương mà là văn chương chọn mình, mở mắt chào đời đã được ba mẹ đặt tên “Thi Gia”, chưa biết chữ đã biết nói những câu vần điệu và… “sên sến” như thơ, hễ về quê là ba cứ đem mấy câu này ra ghẹo mình hoài. Từ nhỏ đến lớn, mình chưa từng nghĩ mình sẽ theo học cái gì đó và làm cái gì đó ngoài văn chương. Đời mình như thể có một… ông thần văn chương nào đó phù hộ, dắt tay mình từng bước vào con đường này, đi, đi mãi tới giờ và sẽ tiếp tục đi tới chết luôn. Và vị trí của mình trên con đường văn chương hôm nay là do mình may mắn được chọn, mình đã từng viết bài thơ Nơi này đã chọn tôi để bày tỏ niềm hân hoan này”.
TS La Mai Thi Gia
PHÓNG VIÊN: Văn chương chọn chị, nhưng văn chương có thực sự mang lại hạnh phúc cho cuộc sống của chị?
Tiến sĩ LA MAI THI GIA: Có lẽ tại từ nhỏ đến lớn chỉ mê mỗi văn chương nên cuộc sống của mình rất sến, rất hường và có lẽ vì sến và hường nên mình hạnh phúc. Mình mơ mộng lắm, hồn vía hay lên mây lắm nên thường lơ ngơ và láo ngáo trong mọi việc, có lẽ vì vậy mà an yên vì chẳng ai thèm ghét cái đứa lơ ngơ, đã vậy đi đến đâu cũng được thương được quý, làm gì cũng có người sẵn sàng giúp đỡ vô điều kiện. Và có lẽ vì được nhận quá nhiều hạnh phúc từ văn chương nên chắc tới già mình cũng không bớt mơ mộng được.
Nhận quá nhiều hạnh phúc và đầy mơ mộng nhờ văn chương. Nghe có vẻ khá lạ ở thời buổi hiện nay. Những đề tài nào mà chị hay quan tâm cho trang viết của mình?
Những nỗi xót xa rất đời, những khao khát rất thật của con người, nỗi hờn căm, sự nô lệ trong tư tưởng, sự chịu đựng của trái tim, nỗi đau mất tự do, niềm phẫn uất trước những bất công trong xã hội là những điều thường tác động đến tim óc mình nhiều nhất. Mình viết rất nhiều về sự bần cùng và cái hèn, về quyền lực và lòng tham, về cái ác và sự bất công, về những số phận kém may mắn… Viết nhiều lắm nhưng ít công bố vì có công bố cũng chẳng báo nào chịu đăng cho, đã vậy còn bị mang tiếng… đu theo sự kiện để được vinh danh. Cho nên tạm thời mình đang rất hăng hái trong mảng thơ tình, yêu như thiệt, khát khao như thiệt, vật vã như thiệt luôn.
Từng là nhà nghiên cứu chỉn chu chuyên về văn học dân gian, gần đây bạn đọc lại biết đến một La Mai Thi Gia nhà thơ với những bài thơ tình lãng mạn cháy bỏng. Sự nổi tiếng và sách bán chạy có bao giờ là mục đích viết lách của chị?
Được làm điều mình thích, sống với điều mình đam mê mới là mục đích sáng tác của mình, tác phẩm của mình được xã hội ghi nhận và chờ đón thì quá tốt, còn không thì cũng chẳng vì thế mà buồn. Mình đã nói là mình rất mộng mơ mà nên mình tin luôn có một số lượng bạn đọc kha khá rất yêu quý và đồng cảm với sáng tác của mình vì thơ mình đã chạm được đến trái tim của họ.
Giữa thời đại bùng nổ thông tin và giải trí, chị nhận thấy đâu là thuận lợi và khó khăn của thế hệ viết văn trẻ ngày nay so với những thế hệ trước?
Mỗi thời có một cái khó và cái dễ riêng, mình không sống thời của thế hệ trước nên không hình dung được cái khó và cái dễ của họ. Chỉ biết thế hệ trẻ của thời nay rất dễ dàng trong việc xin giấy phép, in ấn và công bố tác phẩm của mình đến người đọc trên rất nhiều phương tiện. Còn đề tài của thời đại chúng ta đang sống thì quá đa dạng, có quá nhiều vấn đề trong thời đại này để chúng ta mổ xẻ, chúng ta viết, chúng ta bày tỏ chính kiến và cảm xúc. Vấn đề còn lại là chúng ta có dám viết hay không hoặc chúng ta có được cho phép để viết hay không mà thôi. Mà… mình thích thì mình viết thôi, các bạn cứ viết và để đó (như tôi vậy), quan trọng là chúng ta đã dám nghĩ thật và viết thật về những ngày chúng ta đang sống ở đây.
Sau tập Thơ trắng khá ấn tượng, chị còn dự định xuất bản tác phẩm nào mới không?
Mình có nhiều dự định lắm, sau khi in tập thơ đầu tiên và… rón rén bước một chân vào con đường “sô bít” văn chương, mình ngộ ra nhiều điều thú vị lắm. Mình còn đủ thơ để in vài tập nữa, nhưng trước mắt sang năm mình sẽ in một cuốn tản văn, viết những điều suy ngẫm của mình từ văn học dân gian kết nối với đời sống tư tưởng hiện đại, vừa có một chút xíu tính khoa học lại vừa nhẹ nhàng và tiếu táo kiểu… nghĩ sao viết vậy. Còn lại mình cũng cần có trách nhiệm với nghề nghiệp bằng cách tiếp tục nghiên cứu, xuất bản giáo trình và các công trình thuộc chuyên môn văn học dân gian của mình. Và cái gọi là “sự nổi tiếng” như một chuyên gia trong nghiên cứu văn học mới là mục tiêu hướng đến của mình chứ không phải là trong sáng tác.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị.
TS. La Mai Thi Gia sinh năm 1980 ở Quảng Nam, hiện là giảng viên, Trưởng bộ môn Văn học dân gian của Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH KHXH - NV TPHCM; tác giả của tác phẩm Motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian: lý thuyết và ứng dụng (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2015) và đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học như: Văn học Quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX-1932, Văn học dân gian An Giang, Văn học dân gian Bến Tre...
Ngoài những tác phẩm nghiên cứu văn học, mới đây La Mai Thi Gia còn xuất bản tập thơ đầu tay có tên Thơ trắng, mà theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu trong lời tựa sách: “Thơ trắng là chữ trắng, là tố chất của thân xác cũng như linh hồn của người nữ, là địa hạt riêng tư của họ. Thơ của La Mai Thi Gia cũng thế, là tố chất của thân xác và linh hồn của người đàn bà sinh ra với cái tên nghe đã là thơ”.