Tận tâm vì người bệnh
Đây là lần đầu tiên một cụm công trình của Trường Đại học Y Dược và Đại học Huế đón nhận giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực khoa học - công nghệ của Việt Nam, cũng là cụm công trình đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và khu vực miền Trung - Tây Nguyên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Vậy nhưng, khi được hỏi về vai trò đầu tàu để có được niềm vinh dự lớn lao này, GS-TS-NGND Cao Ngọc Thành khiêm tốn bày tỏ: “Hãy nói nhiều hơn về đồng nghiệp của tôi. Không có họ, tôi sẽ không làm được nhiều hơn khả năng của mình”.
Nhắc đến ngành sản phụ khoa và vô sinh hiếm muộn, nhiều người biết đến GS-TS-NGND Cao Ngọc Thành, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế). Hơn 40 năm nay, ông tận tâm phụng sự, cống hiến đến quên cả bản thân mình. Ông bảo: “Có những ca bệnh nặng mà cả tập thể bác sĩ dồn hết tâm sức cứu chữa bằng nhiều phương pháp tối ưu, nhưng vẫn không cứu được. Chúng tôi đành nuốt nước mắt vào trong để động viên người nhà mạnh mẽ vượt lên nỗi đau mất mát. Rồi có những ca cấp cứu, thương bệnh nhân đến nỗi về nhà nhai miếng cơm cũng đắng chát nỗi niềm thương cảm”. Đó là động lực thôi thúc ông tận lực vì người bệnh, say mê nghiên cứu và chủ nhiệm nhiều đề tài, dự án, nhiều công trình khoa học giàu tính thực tiễn cho nền y học.
Trong các thành quả nghiên cứu , GS Cao Ngọc Thành tâm huyết công trình khoa học “Nghiên cứu triển khai ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc và can thiệp dự phòng bệnh lý tiền sản giật, sản giật”. Đó là công trình góp phần làm thay đổi trong nhận thức và dự phòng, điều trị bệnh lý căn bệnh thường gặp này, nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho mẹ và thai nhi trong thai kỳ. Trong khi, các phương pháp sàng lọc kinh điển trước đây, đa phần phát hiện muộn và tỷ lệ phát hiện rất thấp; còn căn nguyên của tiền sản giật vẫn còn một số vấn đề chưa giải thích được và trên thế giới đang tìm kiếm một số biến dị di truyền của một số gen.
“Ngay từ hơn 10 năm về trước, chúng tôi tập trung nghiên cứu xây dựng các chỉ số dự báo bệnh, từ đó có thể phát hiện sớm tiền sản giật vào quý 1 của thai kỳ và có thể dự báo đến 90% các trường hợp sẽ xuất hiện tiền sản giật trong tương lai. Đây là phác đồ đầu tiên được đưa ra dựa trên dữ liệu nghiên cứu chính thức trên quần thể thai phụ tại Việt Nam. Đặc biệt, đề tài còn sử dụng các kỹ thuật di truyền hiện đại để nghiên cứu một số gen có liên quan, đã phát hiện ra một số biến dị di truyền gen xuất hiện gây bệnh lý tiền sản giật. Công trình cũng nghiên cứu việc sử dụng một số thuốc có thể dự phòng được tiền sản giật là sử dụng Aspirin liều thấp và bổ sung canxi”, GS Cao Ngọc Thành cho biết.
Người thầy y đức
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghề dạy học ở Thừa Thiên - Huế, cha mất sớm, phải nương nhờ nhà chùa để đi học nên lòng thương người đã thấm vào GS Cao Ngọc Thành từ tấm bé. Chàng thanh niên ấy ra sức học tập và thi đậu vào Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) với ước mong chữa bệnh cứu người. “Thời sinh viên đi thực tập, chứng kiến nhiều ca đỡ đẻ, tôi rất ấn tượng với bác sĩ sản khoa, bởi sau công việc của các bác sĩ là niềm vui, hạnh phúc thiêng liêng của mỗi gia đình. Đau đẻ là đau nhiều nhất nhưng khi nhìn đứa trẻ đỏ hỏn, người mẹ thường mỉm cười. Trong tận cùng đau khổ là hạnh phúc, sau đêm tối là bình minh. Đó là lý do tôi chọn ngành sản khoa và gắn bó với nghề này”, GS Cao Ngọc Thành nhớ lại.
Gắn bó với nghề y hơn 40 năm nay, ở vị trí thầy thuốc hay thầy giáo, GS-TS-NGND Cao Ngọc Thành luôn tận tâm với những công việc mình đang làm và tâm niệm phải sống, làm việc thế nào để có thể đứng trên bục giảng, truyền lại cho các thế hệ học trò của mình niềm tin yêu, gắn bó với nghề bằng cái tâm trong sáng. Ông thường nói với sinh viên y khoa: “Người bệnh nào khi bước chân vào bệnh viện cũng đều có thao thức, lo lắng. Họ mong ước khỏi bệnh và tin tưởng vào bác sĩ. Người bác sĩ như cứu cánh cho người bệnh, là người chia sẻ, an ủi giúp họ vượt qua nỗi đau, nỗi lo. Đằng sau căn bệnh, đặc biệt đối với những bệnh nhân nặng, bệnh hiểm nghèo, là một khoảng trống rất lớn mà người bác sĩ phải bù đắp. Tôi cứ hình dung và suy nghĩ nhiều về khoảng trống ấy. Làm sao để bệnh nhân khi ra khỏi bệnh viện cảm thấy được an ủi, khi bước chân về nhà thấy yên tâm. Đối với người bác sĩ, cho dù đoạt giải Nobel y học đi nữa nhưng cũng không thể giải quyết hết căn nguyên mọi căn bệnh bởi cái biết thì ít, cái không biết còn rất nhiều, có những điều y học chưa lý giải được nên bác sĩ luôn phải học. Y đức với người thầy thuốc phải được hiểu không chỉ là chăm sóc người bệnh tốt hơn mà còn là câu chuyện tâm lý, là động viên tinh thần giúp người bệnh thoát qua bệnh tật”.
Chia tay ông giữa căn phòng treo đầy hình ảnh trẻ em, cụ già..., ông nói, nhìn ánh mắt trẻ thơ trong veo, thánh thiện, ông cứ thao thức khi thấy còn nhiều đứa trẻ rất thiếu thốn, phải chịu thiệt thòi, thậm chí bị bạo hành từ chính người cha, người mẹ của chúng. Đứa trẻ nào cũng cần tình thương, cũng cần được chăm sóc đầy đủ.
GS-TS Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế), cho biết, cụm công trình “Tối ưu hóa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng có nguồn lực hạn chế: Từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng” do GS-TS-NGND Cao Ngọc Thành và các đồng nghiệp, cộng sự của nhà trường thực hiện đã đi sâu nghiên cứu và can thiệp, tác động đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản với 3 nhóm đề tài: Nghiên cứu triển khai ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc và can thiệp dự phòng bệnh lý tiền sản giật, sản giật; Nghiên cứu hiện trạng và các giải pháp nhằm cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ tại cộng đồng; Nghiên cứu triển khai ứng dụng các phương pháp điều trị vô sinh, hiếm muộn. Đó là những đóng góp đặc biệt xuất sắc, hướng đến hiệu quả ứng dụng cao và bền vững trong điều kiện nguồn lực hạn chế, tập trung vào lĩnh vực khó của chuyên ngành sản phụ khoa; tác động đến những thay đổi chiến lược trong cải thiện chất lượng dân số và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho toàn dân. Đồng thời, mở rộng các hợp tác nghiên cứu quốc tế song phương - đa phương dựa trên nền tảng đề tài hợp tác khoa học nghị định thư với các nước trên thế giới.