"Tôi biết chữ rồi, hạnh phúc lắm!"
Phát biểu tại buổi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ và biểu dương các thế hệ chiến sĩ tình nguyện, gia đình nuôi tiêu biểu nhân kỷ niệm 30 năm các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên TPHCM (1994 – 2023) do Thành đoàn TPHCM tổ chức ngày 6-9, ông Nguyễn Hoàng Năng, nguyên Bí thư Thành đoàn TPHCM, nguyên Chỉ huy trưởng Chiến dịch Ánh sách văn hóa hè năm 1994 vẫn vẹn nguyên cảm xúc, khát vọng của người chiến sĩ tình nguyện năm nào. Ông nhớ, 700 sinh viên đã tình nguyện tham gia các mặt trận thi đua quyết tâm trong mùa hè xóa mù chữ cho trẻ em tại huyện Bình Chánh.
Ông Nguyễn Hoàng Năng phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: VIỆT DŨNG |
“Buổi tối chúng tôi dạy chữ, ban ngày thì cùng đoàn viên trong xã tổ chức các hoạt động để thiếu nhi có sân chơi hè. Cứ thế, bằng quyết tâm cao độ, chỉ trong 3 tháng với 700 con người khởi đầu ấy đã giúp bà con nơi đây giải quyết vấn đề xóa mù chữ”, ông Nguyễn Hoàng Năng nhớ lại. Ông Nguyễn Hoàng Năng cũng nhớ ân tình ấm áp của bà con khi bắt từng con cá, nhường cái trứng vịt, rổ rau cho các chiến sĩ tình nguyện. Chính những tình cảm ấy đã giúp chiến sĩ thêm ấm lòng và vô cùng hạnh phúc.
Là một trong những chiến sĩ tham gia ngay từ ngày đầu trong chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè” những năm 1994, bà Bùi Thị Thúy Bắc, giảng viên chuyên trách Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), cựu chiến sĩ tình nguyện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM xúc động gọi hành trình 30 năm chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên TPHCM là “Hạnh phúc những ngày hè đầy nắng”.
Bà Bùi Thị Thúy Bắc bồi hồi nhớ lại kỷ niệm những ngày hè tình nguyện. Ảnh VIỆT DŨNG |
Bởi với bà Bùi Thị Thúy Bắc, chỉ sau những ngày hè đầu tiên ấy, sự nhiệt huyết của các sinh viên tình nguyện đã gặt hái thành công khi có những bác nông dân, chú mua ve chai, cô bán vé số hạnh phúc khoe: giờ tôi đã biết đọc chữ tên tờ báo gói ổ bánh mì rồi, tôi đã biết ghi tên tôi, ghi tên con tôi. Giờ tôi quá hạnh phúc. Chính niềm hạnh phúc ấy của người dân đã giúp chiến sĩ tình nguyện thêm sức mạnh và niềm tin để bước tiếp các mùa hè sau đó.
Niềm hạnh phúc của bà Bùi Thị Thúy Bắc và các sinh viên còn đánh dấu bởi nhiều công trình ý nghĩa mang đậm dấu ấn thanh niên đã được hình thành ở nơi mình đến và hành trang họ mang về chính là tình cảm yêu thương, ấm áp của bà con nơi làng quê nghèo. Và niềm vinh dự của bà Bùi Thị Thúy Bắc chính là được đứng vào hàng ngũ của Đảng trong những ngày hè đầy nắng ấy. Theo bà Bùi Thị Thúy Bắc, 30 ngày tham gia chiến dịch tình nguyện, các chiến sĩ nhận được biết bao tình yêu thương từ thiếu nhi, người dân. Để rồi ngày chia tay lưu luyến với những giọt nước mắt đầy xúc động vẫn in mãi trong lòng bà.
Theo bà Bùi Thị Thúy Bắc, ai cũng có một thời tuổi trẻ và chính các chiến dịch tình nguyện hè đã cho bà thấy mình có thời thanh xuân rực rỡ. Với bà, môi trường đoàn đã giúp bà được trải nghiệm, cống hiến và trưởng thành.
Ông Điểu Đá chia sẻ tình cảm cùng các chiến sĩ tình nguyện. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Nhớ lại những ngày bon làng được đón các chiến sĩ tình nguyện đến hỗ trợ, ông Điểu Đá, Trưởng bon, đại biểu HĐND xã Bon Bu Kóh, xã Đắk R’Tíh, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) chia sẻ, điều xúc động của ông và người dân chính là dù điều kiện nơi bon làng còn thiếu thốn, đi lại khó khăn, nhưng các chiến sĩ luôn sẵn lòng để trợ giúp cho bà con. Theo ông Điểu Đá, các chiến sĩ tình nguyện đã không ngại khó khăn, cùng chung sức thực hiện được nhiều công trình ý nghĩa để lại cho bà con. Đó là điều vô cùng đáng quý.
Nụ cười của người dân, niềm hạnh phúc của chiến sĩ tình nguyện
30 năm đi cùng chiến dịch, bằng tấm lòng của người chiến sĩ, ông Võ Tấn Thông, nguyên Bí thư Đoàn Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) xúc động khi được gặp lại những gương mặt thân quen ngày nào cùng ăn, cùng ngủ, cùng nhiệt huyết thực hiện các công trình nơi làng quê ngoại thành.
Ông Võ Tấn Thông chia sẻ cảm xúc. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Theo ông Võ Tấn Thông, chính tấm lòng, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ đã góp phần làm nên những công trình ý nghĩa trong suốt 30 mùa chiến dịch tình nguyện qua.
Còn với bác sĩ Trần Văn Khanh, chính các chiến dịch hè giúp ông thấy việc chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Từ đó ông nung nấu ước mơ lấy sức trẻ, lấy chuyên môn phục vụ cộng đồng. Để từ đó, khi ông là Bí thư Đoàn Trường Đại học Y dược TPHCM, ông đã đề xuất để đội hình chuyên khám chữa bệnh phát thuốc cho bà con ra đời. Với đội hình này, sinh viên y khoa đã đến từng nhà dân từ miền Tây đến Tây Nguyên, có khi qua nước bạn Lào, Campuchia để chăm sóc sức khỏe người dân.
Bác sĩ Trần Văn Khanh nhớ lại những ngày hè tình nguyện năm nào. Ảnh: VIỆT DŨNG |
“Chỉ cần 1 cái ôm, 1 nụ cười của bà con nơi mình đến đã là động lực để bản thân tôi tiếp tục”, bác sĩ Trần Văn Khanh bày tỏ. Chính điều đó, đến nay, dù đã qua cái thời tuổi trẻ, nhưng bác sĩ Trần Văn Khanh vẫn tràn đầy nhiệt huyết và luôn dành thời gian tham gia các chương trình khám bệnh, phát thuốc cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Bí thư Thành đoàn TPHCM Phan Thị Thanh Phương phát biểu tại chương trình. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Báo cáo tại chương trình, Bí thư Thành đoàn TPHCM Phan Thị Thanh Phương nhấn mạnh, suốt 30 năm qua, các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè được hình thành và phát triển không ngừng. Đó là sự kế thừa, tiếp nối tinh thần của tuổi trẻ thành phố luôn sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng hành động vì thành phố thân yêu, vì Tổ quốc thiêng liêng. Hoạt động tình nguyện luôn hướng đến việc thanh niên tham gia giải quyết những việc khó, việc cần để cùng chung tay góp sức xây dựng, phát triển thành phố và đất nước. Các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè phát triển cả về chiều sâu lẫn bề rộng. Từ chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè những năm đầu tiên đã sớm phát triển thành 6 chương trình, chiến dịch tình nguyện với yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể đặt ra ở mỗi giai đoạn, thời điểm.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng quà đến Ban thường vụ Thành đoàn TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Cũng theo chị Phan Thị Thanh Phương, các chiến dịch thường xuyên có sự điều chỉnh, cập nhật nội dung hoạt động, đa dạng cách thức tổ chức như triển khai các đội hình chuyên, các hoạt động theo đề án, mở rộng địa bàn hoạt động. Các hoạt động tình nguyện hè trong suốt 30 năm qua đã thu hút hơn 5 triệu lượt thanh niên tham gia của không chỉ thanh niên thành phố mà còn thu hút được sự tham gia của thanh niên Việt kiều, du học sinh, thanh niên, sinh viên quốc tế...
“Từ việc tham gia các hoạt động tình nguyện, các chiến sĩ tình nguyện đã dần trưởng thành trong suy nghĩ và hành động. Chính từ những ngày cùng đắm mình trong hoạt động tình nguyện, được cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân, với đồng đội đã giúp cho các chiến sĩ tình nguyện rèn luyện nhân cách, đạo đức, kỹ năng, chuyên môn, có cơ hội áp dụng kiến thức vào thực tế cũng như mở rộng kiến thức của bản thân, giúp các chiến sĩ tình nguyện thêm yêu quê hương, đất nước, gắn bó với những nơi mình đã đi qua, và nhận thêm nhiều tình cảm ấm áp”, chị Phan Thị Thanh Phương bày tỏ.
Ban Chỉ huy Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh thuộc Thành đoàn TPHCM đi thăm các chiến sĩ tình nguyện Trường Đại học Mở và Trường Đại học Y dược TPHCM tại mặt trận đường Hồ Chí Minh, cung đường TNXP Hiên - Thạnh Mỹ (Quảng Nam) trong Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh tháng 8-2000. Ảnh: Tư liệu |
Bí thư Thành đoàn TPHCM nhấn mạnh, 30 năm qua, các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè là niềm tự hào chung của các thế hệ chiến sĩ tình nguyện; là sự khẳng định cho sức sống mạnh mẽ và bền bỉ của một phong trào mang lại hiệu quả và ý nghĩa xã hội cao; là sự thể hiện uy tín, vai trò của tổ chức đoàn - hội và thể hiện vị trí, vai trò của đoàn viên, thanh niên đối với xã hội, đối với các cấp lãnh đạo và nhân dân.
Thăm, động viên, trao quà người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh thành trong chiến dịch tình nguyện hè của tuổi trẻ TPHCM. Ảnh: Tư liệu |
Nhiều thế hệ chiến sĩ, cán bộ đoàn - hội đã trưởng thành từ những mặt trận tình nguyện. Đã có hơn 96.000 thanh niên tiên tiến trở thành đoàn viên, 6.000 chiến sĩ tình nguyện được giới thiệu phát triển Đảng...
Hơn 30.800 công trình thanh niên, với tổng nguồn lực hơn 546 tỷ đồng là những cây cầu, tuyến đường, căn nhà, những sân chơi, hoạt động an sinh xã hội… được các thế hệ chiến sĩ tình nguyện tiếp nối nhau cùng thực hiện.