Kể từ năm 2012, khi Liên hợp quốc chính thức công bố ngày 20-3 hàng năm là Ngày Quốc tế hạnh phúc, đến nay đã được 12 năm. Mỗi năm có một chủ đề khác nhau nhưng tựu trung đều hướng tới mong muốn vượt lên trên sự khác biệt giữa văn hóa, con người mỗi quốc gia, từ đó liên kết, đoàn kết toàn nhân loại. Năm 2024, Ngày Quốc tế hạnh phúc có chủ đề Hạnh phúc cho mọi người lại càng có ý nghĩa hơn khi nhiều nơi trên thế giới người dân vẫn đang phải vật lộn với đói nghèo, xung đột…
Không ít người tin rằng một cá nhân đạt được hạnh phúc khi có được một thành tựu gì đó như là một người bạn đời xinh đẹp hay một mức lương mơ ước… Song, khi sự giàu có và mối quan hệ mất đi, họ lại rơi vào bất hạnh: “Tôi không thể hạnh phúc sau khi mối quan hệ tan vỡ”; “Tôi không thể phục hồi trở lại khi công ty đã phá sản”; “Những năm tháng tươi đẹp của tôi đã qua rồi”…
Cũng có người lầm tưởng rằng nếu đoán trước được tương lai thì sẽ trở nên hạnh phúc. Vì vậy, ở những thời điểm hoang mang và khủng hoảng, thay vì suy nghĩ lý trí để tìm hướng giải quyết vấn đề, họ lại đi tìm sự may mắn và dự báo trong tâm linh hư ảo. Và hạnh phúc tìm được cũng có thể chỉ như liều thuốc giảm đau trước căn bệnh nan y đã qua thời gian vàng để can thiệp.
Nhiều người cũng tin rằng nếu có nhiều con đường, nhiều sự lựa chọn sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng vấn đề là thế giới hiện nay có quá nhiều lựa chọn và chúng khiến cho nhiều cá nhân trở nên căng thẳng hơn về việc ra quyết định. Sự mơ hồ bất định trước những cân nhắc về quyền lợi của lựa chọn thay thế sẽ bị mất đi. Trong cuộc sống, hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là được sẻ chia những niềm vui và nỗi buồn, được quan tâm, yêu thương chăm sóc những người thân, sống chan hòa, nhân ái, có trách nhiệm với cộng đồng.
Rất có lý khi có nhiều đề xuất cho rằng để cuộc sống này hạnh phúc hơn, những người trẻ hôm nay cần được hiểu, được giáo dục về hạnh phúc. Để họ hiểu được hạnh phúc là một quá trình tìm kiếm liên tục. Nó kết hợp cả sự tò mò, khả năng chịu đựng rủi ro và những khoảng lắng để khám phá nội tâm. Hạnh phúc là điểm cân bằng giữa tận hưởng niềm vui ngay lúc này và sự phấn đấu cho mục tiêu tương lai. Nó được tiếp sức bởi những mối quan hệ thân tình gia đình và bạn bè. Hạnh phúc bao gồm cả năng lực thừa nhận và cởi mở với mọi cảm xúc khó chịu vốn không thể tránh khỏi của cuộc sống sinh, lão, bệnh, tử.
Những dấu hiệu cho thấy một người đang hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống, đó là khiêm tốn và sẵn sàng học hỏi những điều mới, hay cười và luôn cảm thấy biết ơn, cho và nhận mà không cần suy nghĩ, không để tâm đến những phiền toái nhỏ… Hạnh phúc được sản sinh và lấp đầy khi được sẻ chia. Khi chúng ta biết đồng cảm với những người khác biệt, biết sẻ chia với nỗi đau của người khác, trái tim ta sẽ mở rộng và gắn bó với mọi người xung quanh, biết trân trọng cuộc sống hơn. Đó chính là niềm hạnh phúc chân thật.
PGS-TS TRẦN THÀNH NAM
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội