1. Anh Quốc Trọng (ở quận Bình Thạnh, TPHCM) giận vợ mấy ngày nay, vì chị Châu, vợ anh, cả ngày mải mê ôm điện thoại lướt Facebook, TikTok, cuốn vào các clip, trang mạng xã hội mà bỏ bê nhà cửa, lơ là chăm sóc cha già, con nhỏ.
Đã nhiều lần, chị Châu bắc nồi cơm điện nhưng quên bấm nút nấu chỉ vì mải mê theo dõi câu chuyện nóng trên mạng. Có lúc say sưa với những cuộc tranh luận, chị để nồi canh cạn cả nước, rồi có khi thì quên giờ đón con ở trường học… Anh Trọng tất bật đi làm từ sáng sớm, ở nhà còn có người già và con trẻ cần được chăm sóc, mọi việc trong gia đình đều do chị Châu đảm nhiệm, ấy vậy mà…
Chuyện chị Châu mải mê với thế giới mạng xã hội, ôm điện thoại để xem, đọc, khóc cười, sẻ chia, bày tỏ cảm thông, thả tim, thả like, nhắn tin với nhiều người, “chát chít” trong các clip, với những hoàn cảnh, tình huống xã hội trên các trang mạng, anh Trọng không cấm đoán gì, dù có vài lần anh nhắc chị giảm bớt thời gian xem điện thoại, quan tâm chăm sóc gia đình nhiều hơn. Nhưng với chị Châu, hễ cầm điện thoại trong tay là chị cứ như bị cuốn vào thế giới nhiều sự hấp dẫn ấy. Chị có cảm giác như được sống với cả một thế giới rộng lớn thông qua màn hình nhỏ, được thoải mái bày tỏ quan điểm, yêu, ghét, khóc, cười... cho chính mình, cho các nhân vật, sự kiện, câu chuyện xã hội được đăng tải.
Với chị, thế giới trong điện thoại như tách bạch với đời thường, không còn tồn tại những lo toan, mệt mỏi, trăn trở vì cuộc sống vì những công việc không tên mà mỗi ngày chị phải cắm mặt làm, hết việc này đến việc khác, ít có thời gian nghỉ tay nghỉ chân, thời gian dành riêng cho bản thân.
Cũng có lúc, chị tự đặt ra phép so sánh giữa đời thực và cuộc sống muôn màu của mạng xã hội, để từ đó, đã có những khoảnh khắc, chị có cảm giác cuộc sống hiện tại của bản thân không mấy hạnh phúc, ít màu sắc… và rồi không biết từ khi nào, chị ngày càng tìm cách “trốn” vào mạng xã hội. Chuyện trong nhà của chị Châu, anh Trọng cứ thế rối lên, anh chị giận nhau như cơm bữa, sau những lần tranh cãi là nhiều đợt "chiến tranh lạnh".
2. Chị Minh Trang (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) cho biết: “Nhà tôi có 6 người, ba tôi có đặt ra quy tắc: mỗi ngày, cả nhà cố gắng có một bữa cơm với đầy đủ các thành viên trong gia đình. Đây cũng là khoảng thời gian ngắn để mọi người cùng trao đổi, chia sẻ, các vấn đề của cuộc sống, công việc, học tập. Nếu ai trong nhà gặp khó khăn thì thẳng thắn sẻ chia để cả nhà cùng nhau góp ý, giúp nhau tìm cách giải quyết, không để những khúc mắc, trở ngại về tâm lý, tình cảm tồn tại làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tinh thần”.
Dĩ nhiên, để tạo thành một nếp nhà như thế không phải là việc dễ dàng trong bối cảnh hiện nay. Tất cả các thành viên trong gia đình đều phải cố gắng thu xếp việc riêng để thực hiện, duy trì thành thói quen. Họ cũng hiểu, người cha, người ông mong muốn khoảng thời gian ít ỏi mà gia đình bên nhau ấy chính là chất xúc tác, là gia vị cuộc sống, để ông bà, cha mẹ, con cháu gần gũi hơn, thắt chặt tình thân. Để mọi thành viên trong gia đình có thể chia sẻ những khó khăn, lo lắng và quan trọng nhất là để mọi người thể hiện được sự quan tâm với nhau, gia đình thêm gắn bó.
Việc duy trì sự kết nối, gặp gỡ, trao đổi, thông tin, chia sẻ tâm tình của các thành viên trong gia đình ấy đã giúp tạo nên giá trị tình thân khắng khít của gia đình chị Trang. Ông bà có sự cảm thông với giới trẻ, có nhiều dịp bày tỏ tình yêu thương dành cho con cháu, cha mẹ gần gũi hơn với con cái, con cháu quan tâm nhiều hơn đến ông bà, cha mẹ.
Nói về thế giới mạng và sức ảnh hưởng của không gian mạng, thời đại kỹ thuật số đến cuộc sống hạnh phúc gia đình trong đời sống thường nhật, chị Minh Trang chia sẻ: “Trong bữa cơm họp mặt nhỏ ở nhà tôi, điều quan trọng nhất là hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại. Ba tôi nói, các thiết bị thông minh do con người sáng chế ra là để phục vụ lại cho con người, giúp con người làm việc tốt hơn. Thế nên, mỗi người phải biết cách sử dụng các thiết bị kỹ thuật hiện đại sao cho hợp lý, hiệu quả mà không để bị lệ thuộc vào các thiết bị kỹ thuật ấy, nhất là trong việc gìn giữ hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình trong thời đại công nghệ 4.0”.
Với nhà chị Trang và nhiều gia đình khác, hạnh phúc của cuộc sống phải mang tính đời thực, là con người thực, việc thực và tình cảm chân thực. Hạnh phúc gia đình không ở đâu xa, nó ở ngay trước mặt mỗi thành viên đang sống chung dưới một mái nhà. Niềm hạnh phúc đơn sơ mà giá trị ấy có được đong đầy hay không, nhiều sắc màu, tràn đầy niềm vui, ấm áp hay không phụ thuộc rất lớn từ mỗi cá nhân trong gia đình. Bởi, khi tất cả thành viên trong gia đình cùng quan tâm, yêu thương, chia sẻ, cùng ý thức trách nhiệm thì càng góp phần tạo nên mối dây gắn kết keo sơn, bền chặt.