1. Những ngày mới giãn cách xã hội, chị Hồng Thúy (26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) thấy bức bối vì “nhà nhỏ xíu, bước ra bước vào cứ cuồng chân sao sao đó”. Nếu là ngày thường trước đây, chị làm trợ giảng cho một trung tâm tiếng Anh ở quận Tân Bình, sau đó hẹn hò cà phê ăn uống với bạn bè; giờ cả ngày lướt web, xem phim, tán gẫu qua mạng với hội bạn thân hoài cũng chán, chị buông chiếc điện thoại. Đầu óc thư thả, chị có dịp quan sát người thân, nhận ra trước giờ bản thân có phần vô tâm.
Ba mẹ chị đợt dịch này cũng làm việc tại nhà, em trai học cấp 2 đang nghỉ hè. Nếu trước đây, đi làm về chị sẽ ăn cơm thật nhanh, nói vài câu rồi vào phòng riêng, khuya đi đánh răng thì cả nhà đã ngủ. Bây giờ, ở nhà lâu mới biết mẹ cực nhọc nhiều việc, nào là nấu nướng, chợ búa, dọn dẹp nhà cửa, chưa kể tính toán sổ sách giấy tờ cho cơ quan. Việc gì mẹ chị cũng làm đâu ra đó, đôi khi không tránh khỏi cằn nhằn con cái nhưng sau đó lại vui vẻ. Thấy thương mẹ hơn, chị cũng phụ giúp việc này việc kia.
Đôi khi cả nhà thèm quà vặt, chị Hồng Thúy từ chỗ không biết nấu ăn đã tra cứu trên mạng tìm công thức đơn giản. Chị còn nhớ hôm thử làm rau câu, lóng ngóng đổ khuôn lẫn lộn lớp cà phê bên trên, đường khá ngọt nhưng ba mẹ và em trai ăn đều khen “giỏi dữ ha, mốt làm nữa nghe”. Rồi chị làm bánh flan, “chế” kiểu mới cho khoai lang chiên, bánh tráng trộn. Chị còn hướng dẫn em trai phụ mẹ những việc đơn giản như úp chén đĩa, xếp quần áo.
Để thu hẹp khoảng cách với ba mẹ, ăn cơm xong chị nán lại phòng khách. Ban đầu là nói chuyện mưa nắng, hỏi thăm công việc của mẹ, rồi sang chuyện dùng son dưỡng, tìm thuốc nhuộm xịn vì tóc ba đã một phần muối hai phần tiêu. Cả nhà cùng xem đá bóng, nói cười ầm ĩ. Chị nói ở nhà cùng nhau cũng không quá khó khăn như nhiều người than thở, ngược lại còn là cơ hội để gần gũi ba mẹ hơn.
2. Anh Nguyễn Trúc (34 tuổi, ngụ quận 8) mấy hôm nay đã về ở với mẹ ở ngoại thành. Thích tự lập nên từ hồi mua căn hộ, anh chuyển ra ngoài ở và 1 - 2 tháng mới về thăm mẹ một ngày. Nơi mẹ ở không bị phong tỏa nhưng anh cũng thấy lo. Mẹ anh không quen đi xe máy, hàng quán đóng cửa, anh về với mẹ để có gì còn xoay xở kịp trong đợt dịch bệnh phức tạp này.
Anh mua sữa, ít đồ hộp, thuốc cảm… rồi đứng trước cổng nhà mà không gọi trước khiến mẹ anh ngạc nhiên. Những buổi tối không phải làm việc trực tuyến, nhìn ngôi nhà thênh thang, ngó ra mảnh vườn tối om, anh thầm thương mẹ cô đơn tuổi già.
Trước đây, anh luôn ỷ y rằng mấy anh em không quá xa, thường qua lại thăm nom mẹ, anh không về nhà cũng chẳng sao. Anh ưa đi phượt, đi làm về nằm ườn trên ghế hoặc kéo bạn bè tới “quẩy” cuối tuần; ngược với tính mẹ thích gọn gàng, yên tĩnh, ăn uống đúng giờ. Vì vậy, anh nghĩ mình không hợp tính mẹ, còn hay bị mẹ nhắc những chuyện nhỏ như vứt áo quần bừa bãi, không chịu ngủ sớm. Chú chim lớn rồi thường muốn rời tổ, anh cũng vậy…
Anh từng nghĩ chỉ cần cho mẹ nhiều tiền là được. Nhưng những ngày này, anh mới thấm thía người già cần vỗ về tinh thần hơn là vật chất. Dọn dẹp sách báo, đồ đạc trong tủ, anh tình cờ thấy lại mớ sổ liên lạc hồi mấy anh em còn cấp 1, cấp 2, con búp bê gãy tay xưa lắc xưa lơ của bé út, thuốc bổ anh mua cho lâu lắm rồi nhưng mẹ vẫn giữ lại cái hũ. Bình thường anh đã nói sao mẹ không vứt đi, để chi chật chội bụi bặm. Nhưng hôm nay, có gì đó khiến anh thừ người nghĩ ngợi. Lại thêm ở nhà mở tủ lạnh nhiều, anh mới phát hiện dường như mẹ chẳng buồn ăn uống vì đồ ăn còn y. Thì ra chỉ khi con cái tụ về mẹ mới tất bật lo món này món kia.
Vậy mà lâu nay anh chỉ lo cho mình, đôi khi quên mất còn một người mẹ trên đời. Có lẽ sau đợt dịch này, anh sẽ lại về ở với mẹ, bớt ham thích cuộc sống một mình. Có thể mẹ sẽ càu nhàu, nhắc nhở anh đủ điều nhưng còn mẹ để được nghe những điều đó đã là hạnh phúc. Anh nghĩ vậy khi nhìn dáng mẹ loay hoay bắt sâu cho dây đậu ván ngoài hàng rào chiều nay.
Mỗi người con sẽ có cách khác nhau để bày tỏ tình thương với cha mẹ. Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, tính chất công việc, chưa kể nhiều người đã có tổ ấm riêng nên không thể ríu rít bên đấng sinh thành như ngày còn nhỏ. Biết vậy nhưng lá rụng về cội, ngày nào còn cha còn mẹ, ta nên dành thời gian phụng dưỡng đỡ đần. Thay vì cầu khấn cha mẹ sống đời với ta - bởi không ai thắng được quy luật thời gian - ta nên làm những điều thiết thực để đáp đền công cha nghĩa mẹ. Đừng chần chờ mà ngay lúc này ta nên làm đi, kẻo muộn.