Hạnh phúc giữa biển trời bao la

“Tôi sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông Hồng. Làng tôi có sông nhưng không gần biển. Biển với tôi chỉ là một khái niệm mơ hồ. Nhà nghèo, tôi nghỉ học từ cấp 2 để phụ bố mẹ làm ruộng, nên kiến thức chỉ quanh quẩn đời thường. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ có ngày được đi ra giữa biển mênh mông, được tận mắt thấy Trường Sa. Nhờ chuyến công tác lần này, tôi không chỉ được thấy biển mà còn được chứng kiến con trai mình đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”.

Bà Đào Thị Bình cùng con trai Nguyễn Anh Tuấn tại đảo Đá Tây A. Ảnh: THU HOÀI
Bà Đào Thị Bình cùng con trai Nguyễn Anh Tuấn tại đảo Đá Tây A. Ảnh: THU HOÀI

Mẹ của người lính đảo

Đó là những dòng đầu tiên trong lá thư tay của bà Đào Thị Bình (55 tuổi, quê Vĩnh Phúc, hiện sống tại TPHCM), gửi lại cho Đoàn công tác số 21 - TPHCM sau chuyến hải trình thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Con tàu KN-290 trở nên đặc biệt hơn vì sự xuất hiện của hai người mẹ có con đang công tác nơi đầu sóng ngọn gió. Đêm trước khi đến đảo Đá Tây A, bà Đào Thị Bình thao thức, sắp xếp lại mấy thùng quà gửi cho con và đồng đội.

Từ xa, bà Đào Thị Bình đã nhận ra con trai giữa đoàn cán bộ chiến sĩ đứng trên cầu cảng. Bà gần như nín thở, tay siết chặt: “Kìa, Tuấn đây rồi!”. Xuồng vừa chạm cầu cảng, bà vội vàng bước lên, đôi chân run rẩy, chẳng rõ do sóng biển hay vì niềm vui ngập tràn trong lòng. Hai mẹ con ôm nhau giữa nắng gió đảo xa. Không ai nói gì trong giây phút đầu tiên, chỉ có tiếng vỗ tay xung quanh và những ánh mắt lặng đi vì xúc động.

“Mẹ ơi, con xin phép cấp trên rồi, con đưa mẹ đi tham quan đảo nhé”, Trung sĩ Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 2001), nắm chặt tay mẹ. Bốn tháng công tác tại đảo, Tuấn mới lại được nắm bàn tay gầy guộc của mẹ. Tuấn đưa mẹ đi tham quan nhà văn hóa, khu sinh hoạt, chỗ trồng rau, nuôi gà. Dừng chân bên vườn rau, Tuấn nói: “Mẹ thấy không, ở đây bọn con có rau sạch, nước ngọt, quý nhất là nước mưa đó mẹ”. Bà Bình gật đầu, mắt không rời con. Bà chưa từng hình dung con trai mình lại có thể thích nghi và sống tốt ở nơi xa xôi, khắc nghiệt đến vậy.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghệ TPHCM, Tuấn tự nguyện nhập ngũ. Ba tháng huấn luyện cơ bản trôi qua, Tuấn được chọn tiếp tục phục vụ tại đơn vị đặc biệt - đảo Đá Tây A, thuộc quần đảo Trường Sa. “Ban đầu khi nghe tin ra đảo, em hơi bất ngờ. Nhưng sau lại thấy may mắn, vì còn trẻ mà được công tác nơi đầu sóng ngọn gió là một trải nghiệm quý báu. Em tự hào vì được góp phần nhỏ bé bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Tuấn chia sẻ. Biết tin mẹ theo đoàn công tác TPHCM ra thăm đảo, Tuấn vô cùng bất ngờ và vui mừng. Trước ngày mẹ đến, Tuấn dành thời gian dọn dẹp nơi ở thật gọn gàng, chỉn chu. “Em muốn mẹ thấy em đã trưởng thành, sống có nền nếp. Đây là lần xa mẹ lâu nhất từ trước đến giờ. Khó khăn nhất với em có lẽ là xa gia đình và hơi buồn vì thiếu mạng internet. Nhưng ở đây có nhiều bạn cùng trang lứa, mỗi chiều lại cùng chơi thể thao, cùng tăng gia, hát hò… nên cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà”, Tuấn chia sẻ.

Trên đảo Đá Tây A hiện có nhiều chiến sĩ là con em TPHCM đang công tác. Là một người con của thành phố mang tên Bác, Tuấn luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình, cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của cấp trên và gia đình. Trước khi tiễn mẹ ra cầu cảng, Tuấn đưa mẹ đến “góc bí mật” - nơi cậu thường ngồi ngắm hoàng hôn mỗi chiều sau giờ làm nhiệm vụ. “Hoàng hôn Trường Sa đẹp và yên bình lắm mẹ à, cũng khiến con nhớ gia đình mình nhiều lắm. Nhưng mẹ yên tâm, ở đây con có cấp trên, có đồng đội, có người dân thường xuyên hỏi han, giúp đỡ”, Tuấn siết chặt tay mẹ và nói. Bà Bình cũng dặn dò con trai: “Con ở đây, biển có thể động nhưng lòng con không được động. Mẹ tự hào về con, mong con luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó”.

Người lính của thành phố mang tên Bác

Chuyến hải trình đặc biệt này còn chứng kiến cuộc hội ngộ nghẹn ngào giữa bà Nguyễn Thị Thanh Liên (ngụ quận 8 cũ, TPHCM) và con trai, chiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm (sinh năm 2001), đang công tác tại đảo Sinh Tồn. Tàu KN-290 vừa cập đảo Sinh Tồn, bà Liên nhanh chóng lên cầu cảng, ôm chầm lấy con đứng đợi mẹ từ sớm. Bao nhiêu tháng ngày lo lắng, nhớ nhung, nay vỡ òa trong giây phút được gặp con giữa biển trời Tổ quốc.

E5A.jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh Liên hạnh phúc khi gặp con trai Nguyễn Thanh Tâm trên đảo Sinh Tồn

“Nghe tin được đi ra đảo thăm con mà vợ chồng tôi bàng hoàng: Có thiệt không? Bao nhiêu năm, tôi chỉ biết bán bún, nội trợ mà được ra tới Trường Sa thăm con, tưởng như mơ vậy đó”, bà Liên nghẹn ngào. Nhớ lại ngày con trai báo tin sẽ ra công tác tại quần đảo Trường Sa, vợ chồng bà Liên bối rối, mất ăn mất ngủ. “Chỉ biết con đi Trường Sa thôi chứ không biết Trường Sa có đảo chìm, đảo nổi. Tiễn con đi, mấy ngày sau con gọi về nói đang ở đảo Sinh Tồn. Vợ chồng tôi nghe chữ Sinh Tồn mà lạnh cả người, tưởng con phải sinh sống giữa nơi khắc nghiệt thiếu thốn lắm. Thế là mới lên mạng tra cứu xem đây là đảo gì”, bà Liên cười, nhớ lại.

Chỉ khi biết đảo Sinh Tồn là đảo nổi, có cây xanh, có dân sinh sống và cơ sở vật chất ổn định, gia đình bà Liên mới yên tâm phần nào. Nhưng nỗi lo vẫn thường trực trong lòng người mẹ. “Con tôi nó lớn rồi, đi làm rồi, mà với tôi nó vẫn còn nhỏ xíu à. Ở nhà nó đi chơi trễ chút là tôi cũng không ngủ được, huống gì nó ở ngoài đảo xa mênh mông như thế”, bà Liên chia sẻ. Thế nhưng, khi tận mắt thấy con khỏe mạnh, rắn rỏi đứng nghiêm trang trong màu áo lính giữa biển trời, lòng bà Liên như được trút bỏ được bao nhiêu lo lắng: “Đứng nhìn thấy con từ xa là nước mắt rơi, nhưng tới gần là chỉ còn thấy hạnh phúc. Thấy con sống tốt, tôi không khóc nữa, chỉ muốn cảm ơn thôi”.

“Ở đây tụi con trồng đu đủ nhiều lắm mẹ, ngon ngọt lắm”, Thanh Tâm chỉ cho mẹ mấy cây đu đủ trĩu quả vàng ươm. Rồi Tâm kể về một ngày của mình cho mẹ nghe: “Xem ti vi, tập thể dục, chơi bóng đá, bóng chuyền, có tập gym nữa. Con còn biết nấu ăn, con có nhiều bạn. Vui lắm mẹ à”. Từng lời con kể như xoa dịu trái tim người mẹ. Tận mắt thấy con khỏe mạnh, rắn rỏi, bà Liên rơi nước mắt vì hạnh phúc, nhường chỗ cho những lắng lo trước đó.

Theo Chuẩn đô đốc Lê Bá Quân, nguyên Tư lệnh Vùng 2 Hải quân (hiện là Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân), Đoàn công tác số 21 của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đến với quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 vào dịp tháng 5, một thời điểm hết sức đặc biệt, khi cả nước đang kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, và Quân chủng Hải quân cũng vừa kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam. Nhiều năm qua, TPHCM đã tổ chức nhiều đoàn công tác ra thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sinh sống, công tác tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và các vùng biển đảo phía Tây Nam của Tổ quốc.

“Là một người công tác trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp thuộc lực lượng Hải quân - lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, tôi thực sự cảm nhận sâu sắc tấm lòng, trách nhiệm và sự quan tâm đặc biệt mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã dành cho chúng tôi”, Chuẩn đô đốc Lê Bá Quân cho biết.

Thay mặt Quân chủng Hải quân, cũng như cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các đảo, nhà giàn, Chuẩn đô đốc Lê Bá Quân gửi lời cảm ơn chân thành đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM - những người đã luôn đồng hành, quan tâm một cách trách nhiệm và đầy tình cảm đối với cán bộ, chiến sĩ Hải quân trong suốt nhiều năm qua. Đây là nguồn động viên lớn lao để cán bộ, chiến sĩ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cuộc hội ngộ không hẹn trước

Giữa tiếng sóng vỗ rì rào, đoàn đại biểu TPHCM đã có mặt tại quần đảo Trường Sa, mang theo niềm động viên và lời thăm hỏi đến những chiến sĩ đang ngày đêm giữ vững biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Chuyến đi thắp lên trong lòng những người từ đất liền niềm tự hào không thể tả, khi thấy con em của thành phố mình đang hiện diện nơi tiền tiêu Tổ quốc.

Chiến sĩ Thái Phương Nam, ngụ tại TPHCM, không giấu được xúc động khi biết trong đoàn công tác có sự hiện diện của các đại biểu đến từ địa phương, nơi cậu sinh ra và lớn lên: “Em không nghĩ có ngày gặp lại người quen ở tận Trường Sa này. Có cả người sống gần nhà, đi chung một con hẻm... giờ gặp lại giữa biển khơi, thấy vui và ấm lòng lắm ạ”.

Phương Nam rời đất liền ra công tác tại đảo Đá Thị được 5 tháng. Thời gian đầu bỡ ngỡ với thời tiết khắc nghiệt và điều kiện sinh hoạt khó khăn, giờ đây, cậu đã hòa nhập và tự tin hơn rất nhiều. Các chiến sĩ tự trồng rau xanh, còn thịt, cá và lương thực được tiếp tế từ đất liền. Ngoài giờ làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, karaoke… để tạo không khí vui vẻ, gắn kết. “Khi em được bắt tay các cô chú anh chị trong đoàn, nghe giọng nói thân quen của TPHCM, thấy màu áo xanh tình nguyện, nói chuyện với các cô chú anh chị..., em cảm tưởng như cả quê hương đang ở đây với em”, Phương Nam chia sẻ.

Và có lẽ, cái tên Phương Nam cũng thật đặc biệt trong lúc này. Những người sẽ về với đất liền đã dặn dò, đã gửi gắm bao cái tình, cái nghĩa, sự dũng cảm kiên cường của TPHCM, của người con đất phương Nam, đến với Phương Nam.

Tin cùng chuyên mục