1- Đang miên man suy nghĩ về đoạn video clip gai người gây bàng hoàng dư luận về việc đứa bé 3 tuổi bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn, tôi sém vượt đèn đỏ. Lạ thiệt, lần nào trên đường đến cơ quan làm việc, xe của tôi cũng dừng đèn đỏ tại góc ngã tư này, nơi có ba, bốn chú xe ôm lớn tuổi đang đau đáu đợi khách. Chợt tôi liên tưởng đến chuyện những chú xe ôm do cố gắng làm thêm kiếm tiền, chở khách đến bất cứ nơi đâu, bất kể giờ nào. Và, không ít trong số họ đã bị bọn máu lạnh giết hại, cướp xe (thứ tài sản duy nhất của gia đình họ).
Tiếng còi của anh cảnh sát giao thông cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, trước khi rồ máy xe đi qua ngã tư, tôi cố tình ngoái cổ nhìn quanh để xem có thể có người nào đó sẽ đến để tìm xe ôm...
Một chiều cuối tuần, tôi quyết định sẽ bắt xe ôm đi công việc từ góc ngã tư trên đường đi làm. Trên đường đi tôi cố tình bắt chuyện và không ngờ câu chuyện của chú kể gần 90% những suy nghĩ của tôi trước đó. Chú là lao động chính, nhà có 3 mặt con. Vợ chú buôn gánh bán bưng ở chợ quận 8. Mỗi ngày nếu không kiếm được hai cuốc xe khoảng 40 ngàn, gia đình chú sẽ ăn cơm với rau của vợ bán ế. Đó là chưa kể tiền học, quần áo và chi phí lặt vặt khác cho con.
“Ngày nào tôi cũng để dành 10.000 đồng mua vé số, hy vọng một ngày nào đó trúng. Chỉ cần trúng 5 triệu là đủ rồi. Để tôi sắm cho bà vợ một cái xe đẩy hàng ra chợ bán…”.
Gia đình có chuyện, tôi nghỉ phép bốn ngày. Đến ngày đi làm như mọi lần, đi qua ngã tư, tôi cố tình tìm chú xe ôm hôm nọ, nhưng chẳng thấy chú đâu. Tò mò, tôi dừng xe vào lề hỏi thăm một người cùng hội xe ôm mới hay chú ấy đã nghỉ rồi. Người bạn xe ôm nói: “Cả tuần nay rồi cháu ơi, ổng trúng số được chín triệu, xém chút nữa ông trúng độc đắc rồi…”.
2- Đang loay hoay không biết tìm đâu ra xe ôm giữa đường, chợt tôi thấy một người đàn ông đang ngồi vắt vẻo trên chiếc xe Dream Tàu đã cũ mèm trước Trung tâm Giáo dục thường xuyên đăm chiêu nhìn dòng người qua lại. Thoáng băn khoăn không biết có phải xe ôm không nhưng thôi kệ, tôi đến gần dợm hỏi nhưng ông ta vẫn bình thường, không đon đả mời chào. Tôi nghĩ thầm có vẻ không phải xe ôm rồi nhưng lỡ đến nên hỏi đại: “Anh ơi, anh có đi xe… không?”. Người đàn ông nhìn tôi rồi lại quay vào nhìn cổng trường, nói: “Không, tôi không phải xe ôm… nhưng mà thôi cô về đâu để tôi chở cho”.
Tôi thắc mắc: “Ủa anh nói không phải xe ôm sao lại chạy xe ôm?”. Người đàn ông thật thà giải thích: “Đúng rồi, tôi đang đợi người yêu. Cô ấy đang học nghề tại trung tâm đó. Tôi sợ quay về rồi quay lên đón vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền xăng nên ngồi chờ. Còn đến hai tiếng nữa cô ấy mới học xong nên tôi chạy kiếm chút tiền đổ xăng”. Anh kể, anh là thợ hồ, cả ngày đi làm đến tối mịt mới về nên chẳng có thời gian để tìm hiểu, quen biết bạn gái. Chỗ anh trọ, có cô gái nhỏ hơn anh gần 20 tuổi, quê ở miền Tây.
Thấy cô hiền lành, chân chất, buổi sáng đi may tại xí nghiệp, tối về đi học thêm nên anh đã làm quen. Đồng cảnh ngộ, hai con người xa quê đi làm ăn xa đã đến với nhau. “Mong muốn dành dụm đủ tiền để về quê tổ chức một cái đám cưới nho nhỏ”, anh bộc bạch.
Lúc trước hai người đi xe đạp, sau khi quen nhau, cả hai dành dụm và sắm được chiếc xe cũ. Để tiết kiệm, buổi sáng cô và anh đều đi xe chung với bạn, buổi tối anh chở cô đi học thêm. “Sau này đủ tiền, cô ấy sẽ không đi may nữa, về nhà mở tiệm. Còn tôi sẽ đi làm ruộng thuê. Dù gì ở quê vẫn yên bình hơn nhưng phải ở lại thành phố một năm nữa để kiếm tiền”, anh cho biết.
Ở cái tuổi này anh mong về một mái ấm là đã hơi trễ rồi, tuy vậy… tôi vẫn nhớ một người bạn hay đùa “người ta sống phải có ước mơ chứ!”. Mặc dù những ước mơ về hạnh phúc của họ thật giản dị nhưng họ vẫn cố gắng bươn chải để sớm biến ước mơ thành hiện thực…
Minh Thảo