Ai có trách nhiệm với gia đình?
Theo một thống kê cho thấy, ở Việt Nam trung bình mỗi năm có đến khoảng hơn 60.000 vụ ly hôn, ước tính tỷ lệ ly hôn so với kết hôn vào khoảng 25%, tức là cứ 4 cặp kết hôn thì có một cặp tan vỡ. Điều đáng bất ngờ nhất là khác với suy nghĩ của nhiều người, tỷ lệ phụ nữ là người đứng đơn ly hôn chủ yếu, chiếm đến khoảng 75% số vụ ly hôn.
Ngay tại cuộc ly hôn ngàn tỷ đang gây xôn xao dư luận kể trên, đã có không ít người, trong đó thậm chí có cả những người có học thức cao, nắm vị trí quan trọng trong tòa án cũng có quan điểm cho rằng bà Lê Hoàng Diệp Thảo không nên tranh chấp với chồng về vai trò nắm quyền trong tập đoàn kinh tế mà nên quay về, đóng vai trò vợ hiền, quán xuyến gia đình.
Gác lại các vấn đề liên quan đến cá nhân, những ý kiến đó đã cho thấy trong mắt nhiều người, vai trò của phụ nữ vẫn chưa thực sự được xem trọng. Và cũng vì thế, một tranh chấp dân sự lại bị cuốn vào sự xem xét về mặt đạo lý gia đình.
Xã hội càng hiện đại, phụ nữ càng tự lập và mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Có không ít người phụ nữ giỏi giang khi hoạt động xã hội, không ít người phụ nữ thành công trong kinh doanh, càng không ít người thành đạt trong những vấn đề xã hội. Thế nhưng, nếu một người đàn ông giỏi giang trong những vấn đề trên mà có phần lơ là đối với việc gìn giữ cuộc sống gia đình, họ sẽ dễ dàng nhận được sự cảm thông, chia sẻ. Còn với phụ nữ, giỏi giang mấy thì giỏi, nếu để xảy ra chuyện không hay trong gia đình, họ sẽ phải là người đứng mũi chịu sào, bị phê phán, chê bai, thậm chí có lúc còn bị cho là không đáp ứng đạo lý làm vợ, làm mẹ.
Nhiều người hay lấy câu thành ngữ “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” ra để biện luận cho vai trò của người chồng, người vợ trong gia đình. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, ngay cả câu thành ngữ này cũng cần nhìn nhận ở một góc độ khác, góc độ của sự chia sẻ. Mỗi người trong vai trò làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ đều phải có trách nhiệm gìn giữ ngôi nhà, tổ ấm của mình, không ai có trách nhiệm duy nhất và cũng không ai là không cần có trách nhiệm.
Để mái ấm đúng là mái ấm
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, những bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình cho phụ nữ hiện đại càng xuất hiện nhiều hơn. Mặc dù không thể áp dụng cho mọi gia đình nhưng ít nhiều cũng đóng góp chút ít kinh nghiệm cho phụ nữ trong việc giữ lửa hôn nhân.
Một trong những kinh nghiệm đầu tiên vẫn được các bà vợ truyền lưu trên các trang mạng xã hội là sự khéo léo trong cách “sai chồng”. Rõ ràng khi người phụ nữ bận rộn với việc ngoài xã hội thì sẽ giảm bớt việc nhà và khi đó người đàn ông phải cùng chung tay chăm sóc. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình làm hết việc nhà thì chồng sẽ cảm kích. Sự thật, bạn đang khiến họ nghĩ rằng đó là bổn phận, trách nhiệm của người phụ nữ và khiến bạn càng nặng gánh việc nhà.
Tuy nhiên, sự thay đổi cũng không thể quá nhanh chóng, ban đầu, bạn nhẹ nhàng nhờ chồng coi con, rồi sau đó thỏ thẻ nhờ vả cho con ăn. Thỉnh thoảng, hãy giả vờ quá bận rộn để nhờ chồng rửa bình sữa, tắm cho con rồi tăng dần, tạo thói quen chia sẻ việc nhà, chăm con. Chú ý nếu chồng làm đúng, đừng tiếc lời khen và khi làm sai đừng cau có, khó chịu mà nên chê đùa để chồng rút kinh nghiệm.
Một kinh nghiệm quan trọng khác là việc tìm ra mặt tích cực của mọi vấn đề. Nhiều người phụ nữ và cả đàn ông hay mắc sai lầm khi luôn bới móc nhược điểm của chồng, của vợ với hy vọng người bạn đời sẽ thay đổi mà không hiểu rằng, khuếch trương các ưu điểm vốn có luôn dễ hơn cố gắng thay đổi các nhược điểm cố hữu.
Khi phát ngôn câu nói về đạo lý trong gia đình, vị đại gia ngành cà phê hàm ý việc riêng tư của gia đình ông nhưng với nhiều người, câu nói đó khiến họ phải tự nhìn lại mình. Rõ ràng, để giữ gìn hạnh phúc gia đình không thể chỉ trông chờ vào của cải vật chất, càng không phải chỉ thuần túy sự giỏi giang của cả hai vợ chồng mà trên hết là đạo lý làm vợ, đạo lý làm chồng.
Nếu giữ gìn được cả hai, dù khó khăn mấy vẫn có thể tìm được hạnh phúc, ngược lại, có quá nhiều bài học nhãn tiền của sự tan vỡ hạnh phúc do một hay cả hai đánh mất đi những đạo lý vợ chồng.