Sửa soạn lại mấy gói quà cho vào túi, xem lại mấy cái phong bì đã chuẩn bị ít tiền, ông bảo chuyến đi này không chỉ để thăm quê, mà còn muốn tìm thăm những đồng đội từng kề vai sát cánh với mình đánh trận giải phóng Sài Gòn 43 năm trước.
Nhớ lại trận đánh năm xưa, ông Phạm Ngọc Hợi không thể nào quên cái đêm 29 rạng sáng 30-4 của 43 năm trước. “Đêm đó chúng tôi đã về đến Hố Nai. Khi chỉ huy quán triệt rằng thời cơ đã đến, chúng ta phải đánh bằng tinh thần thần tốc, tất cả dồn sức cho chiến thắng của trận cuối cùng này, chúng tôi không ai ngủ được. Ai cũng có niềm tin vào thời khắc non sông liền một dãy”. Khi ấy, ông là lính đặc công Lữ đoàn 429 Sư đoàn 7.
Để vào trung tâm Sài Gòn, 2 tiểu đoàn của ông phải qua cầu Rạch Chiếc. Ánh mắt buồn rười rượi, ông bảo, đây là trận đánh ác liệt. Khi đoàn của ông đến nơi, đã thấy nhiều anh em chiến đấu trước đó hy sinh. “Quân ta tiến qua cầu và vào tới Hàng Xanh. Lúc bấy giờ tiếng súng của địch gần như không còn. Anh em quyết tâm, bằng tất cả sức lực còn lại, sẽ tiến thẳng vào Dinh Độc Lập”, ánh mắt ông sáng ngời khi kể về ngày giải phóng.
Đưa cánh tay có sẹo cho tôi xem, ông bảo đó là vết thương lúc ông đánh tiến vào Hàng Xanh. Không chỉ trên cánh tay mà đôi chân, ngực của ông cũng đầy thương tích. Ông bảo những vết thương này chẳng thấm gì so với máu, mạng sống của bao chiến sĩ đã ngã xuống vì ước mơ hòa bình, độc lập.
Ngày đó, đôi khi chỉ vừa ăn với nhau bữa cơm, nhìn lại đã thấy đồng đội mình ngã xuống. Đã 43 năm trôi qua, ông vẫn nhớ như in niềm vui sướng vỡ òa khi ông cùng đồng đội bước qua cánh cổng Dinh Độc Lập: “Chúng tôi ôm nhau khóc, ngoài kia dân và quân vui mừng chiến thắng trong nước mắt nghẹn ngào”.
Ông Phạm Ngọc Hợi (phải) thăm người cao tuổi trong khu phố
Đang cuộc trò chuyện, ông chợt nhớ có cuộc hẹn đến nhà thăm một người cao tuổi trong khu phố. “Mai tôi về quê, hôm nay tranh thủ qua thăm cụ Hai đang ốm. Già rồi, gặp nhau thăm hỏi, trò chuyện để có niềm vui sống”, ông vừa nói vừa đi lấy túi quà đã chuẩn bị để sang tặng cụ Hai.
Khi đất nước hòa bình, người cựu chiến binh ấy lại dốc lòng với công tác chăm lo cho người dân bằng những việc làm rất cụ thể, như: vận động xây nhà tình thương, tình nghĩa, trao quà người nghèo, tặng học bổng hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học.
Thấy ai khó quá mà chưa vận động được chi phí thì ông bỏ tiền túi giúp. Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của khu phố, người dân thường thấy ông đến từng nhà có các cụ cao niên để thăm hỏi, chuyện trò. Nhờ gần gũi các cụ, ông biết được tâm tư, tình cảm, bệnh tình của các cụ để có hướng trợ giúp.
“Ngày vác súng lên vai tôi đã nguyện dâng hiến cuộc đời cho đất nước, non sông. Hạnh phúc của người lính chính là được nhìn thấy ngày độc lập. Tuổi mình giờ đã cao, làm được việc gì có ích cho bà con thì làm. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm vui sống”, ông Phạm Ngọc Hợi bày tỏ.
Trên kệ sách nhà ông Hợi, nhiều nhất là những quyển sách về Bác Hồ. Là bộ đội Cụ Hồ, ông Hợi cũng như các đồng đội luôn một lòng học tập Bác. Những câu chuyện về Bác Hồ được các đồng chí, đồng đội truyền tai nhau trong thời chiến; những lời dạy của Bác được ông học tập qua từng trang sách giúp người cựu chiến binh ấy càng mến phục và yêu kính người Cha vĩ đại của cả dân tộc mình.