Trí tò mò thôi thúc
Ngân hàng thực phẩm là hình thức cung cấp thực phẩm miễn phí cho những ai không có hoặc không đủ khả năng tài chính để nuôi sống bản thân. Đây cũng là cách hạn chế lãng phí thực phẩm. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Ngân hàng thực phẩm Hà Lan (Voedselbanken.nl), năm 2023-2024, nước này có 177 ngân hàng thực phẩm, 10 trung tâm phân phối chính và nhận được sự tham gia của khoảng 14.000 tình nguyện viên. Hạnh Nguyễn, 26 tuổi, người gốc Việt, là một trong số các tình nguyện viên đang làm việc trong ngân hàng thực phẩm tại thành phố Hoogeveen thuộc tỉnh Drenthe.
Khi chuyển đến Hoogeveen cũng là lúc Hạnh có hàng xóm mới, ông Arie Dekker. Ông Dekker 83 tuổi, làm tình nguyện viên ở ngân hàng thực phẩm ngay khi về hưu ở tuổi 67. Những câu chuyện về ngân hàng thực phẩm mà ông ngoại (cách gọi trìu mến của Hạnh dành cho người hàng xóm tốt bụng) kể khiến Hạnh tò mò, trong đầu đặt ra nhiều câu hỏi về cách người Hà Lan làm từ thiện, chống lãng phí thực phẩm thế nào và tại sao đây lại là công việc phải làm cố định mỗi tuần chứ không phải khi nào thích mới đến?
Để có câu trả lời thực tế, Hạnh xin ông Dekker cho đến ngân hàng thực phẩm vùng Hoogeveen phụ việc vài giờ vào thứ hai hàng tuần. Sau đó, cô chính thức nhận việc cố định tại đây. Hạnh chia sẻ: “Thực phẩm nhập vào ngân hàng chủ yếu là từ hoạt động quyên góp của các siêu thị, công ty, nhà thờ, mạnh thường quân... Cá nhân cũng có thể tặng lại thực phẩm không dùng hết, chia sẻ hàng mua ở siêu thị, quyên góp tiền bán ve chai và đồ nhựa... Tình nguyện viên ở ngân hàng thực phẩm còn được gọi là các chuyên gia không lương”.
“Hallo Hạnh”
Hầu hết tình nguyện viên đều tham gia quy trình chính là thu thập và phân phối thực phẩm an toàn. Họ cũng đảm nhận cả việc gây quỹ, sổ sách tài chính, pháp lý, truyền thông, thư ký... Trước đây, Hạnh chứng kiến cách phân phối thực phẩm theo túi quà chia đồng đều. Vì thế, xảy ra tình huống có người không thích món đồ họ được chia nên bỏ không dùng, thực phẩm một lần nữa lại bị lãng phí. Rồi có người đăng ký nhưng không đến lấy.
Gần đây, ngân hàng thực phẩm được thiết lập lại như mô hình siêu thị. Người có hoàn cảnh khó khăn được đến tự chọn những món họ cần. Thực phẩm tự chọn nhiều nhất là xúc xích đóng hộp, các loại súp cà chua, súp gà, ngũ cốc, sữa, bánh ngọt... Lượng sản phẩm được nhận mỗi lần phụ thuộc số người trong gia đình và phân biệt theo bảng màu để nhân viên tình nguyện tiện kiểm tra.
Vậy ai là đối tượng được mời đến ngân hàng thực phẩm nhận đồ miễn phí? Hạnh cho biết: “Người nhận giúp đỡ từ ngân hàng thức ăn được xét theo số tiền mỗi hộ gia đình còn lại mỗi tháng để mua thực phẩm và quần áo. Chính quyền tính toán bằng cách cộng tất cả các khoản thu nhập rồi trừ đi những chi phí cố định như tiền điện, nước... Mỗi tuần, hệ thống ngân hàng này ở Hà Lan chia sẻ thực phẩm cho khoảng 120.000 khách hàng. Ngân hàng thực phẩm không chỉ hỗ trợ người nghèo mà còn là nơi phát động các chiến dịch bảo vệ môi trường. Rác thải thực phẩm và việc tiêu hủy thực phẩm dư thừa cũng đang gây ô nhiễm môi trường đáng kể”.
Cũng theo Hiệp hội Ngân hàng thực phẩm, thống kê mỗi năm cho thấy, ở Hà Lan lãng phí 1,8-2,7 triệu tấn thực phẩm, tương đương 6,3-8,8 tỷ EUR. Trung bình, mỗi người Hà Lan lãng phí khoảng 33,4kg thực phẩm tại nhà vào năm 2022 (theo trang web của chính phủ: www.rijksoverheid.nl). Bánh mì, cơm và mì ống là những thực phẩm đang bị lãng phí nhiều nhất. Những năm gần đây, tỷ lệ lãng phí thực phẩm có giảm nhưng chính phủ vẫn kêu gọi tăng cường hơn các sáng kiến chống lãng phí.
Sau một thời gian làm việc ở đây, Hạnh đã cảm thấy gắn bó và học được thêm nhiều điều thú vị từ quy trình quản lý thực phẩm, cách chia sẻ đồ dùng dư thừa, cách cho/nhận như thế nào để thể hiện sự trân trọng giá trị thực phẩm. Qua kênh cá nhân mang tên “Hallo Hạnh” trên YouTube, Facebook và TikTok, Hạnh đang tìm cách chia sẻ kỹ hơn về công việc ở ngân hàng thực phẩm nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng về phân phối thức ăn dư thừa, chống lãng phí thực phẩm.